Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) là địa phương có diện tích trồng rau má lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế với khoảng 60 ha. Trước đây, người trồng rau má địa phương có thói quen hễ phát hiện có sâu bệnh là phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, do đó, người tiêu dùng vẫn lo ngại khi sử dụng sản phẩm rau má.
Từ năm 2010, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong sản xuất rau an toàn, người dân Quảng Thọ đã triển khai sản xuất rau má an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích triển khai ban đầu khoảng 1,6 ha. Từ đây, thói quen canh tác của người dân dần thay đổi và sản phẩm rau má an toàn đã đáp ứng được tiêu chuẩn rau sạch.
Thành công từ mô hình, năm 2013, HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 (HTX Quảng Thọ 2) đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông-lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên- Huế mở rộng mô hình trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP lên 30ha với 210 hộ tham gia. Đồng thời, tiến hành đăng ký nhãn hiệu “Rau má Quảng Thọ”.
Đến nay, cây rau má được xem là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của người dân xã Quảng Thọ với 60ha theo chuẩn VietGAP và hơn 300 hộ thành viên trồng tập trung theo hướng sản xuất an toàn, tổng doanh thu hàng năm khoảng 5 tỷ đồng.
“Đầu ra cho cây rau má tiêu chuẩn VietGAP cũng đang rộng mở và ổn định. Một phần bán cho HTXNN Quảng Thọ 2, một phần được tư thương đến tận ruộng thu mua, đem ra chợ đầu mối, xuất đi các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Trồng rau má VietGAP không khó lại có thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa” ông Nguyễn Lương Bảo, trú ở La Văn Thượng, xã Quảng Thọ cho hay.
Ông Bảo chia sẽ thêm, rau má VietGAP là cây trồng thích ứng khí hậu địa phương và khá dễ trồng, dễ chăm sóc. Bình quân mỗi tháng cắt rau má 1 lần, nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, mỗi năm có thể thu hoạch 12 lứa, bình quân 2,5 - 3 tạ/sào/lứa. Với 6 sao rau má VietGAP của gia đình ông Bảo cho thu nhập ổn định hơn 100 triệu mỗi năm.
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, việc trồng rau má đã được người dân địa phương thực hiện khoảng 20 năm về trước, thu nhập gấp 4- 5 lần so với trồng lúa. Xã Quảng Thọ hiện có hơn 300 hộ dân đang trồng rau má tập trung theo hướng sản xuất an toàn VietGap.
“Việc phát triển mô hình rau má theo hướng VietGap đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã. Rau má đã làm thay đổi cuộc sống bà con và đóng góp rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh quá trình hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương” ông Phong cho hay.
UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-UBND về việc Công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và cấp Giấy chứng nhận cho 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1, năm 2020, thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La (huyện Quảng Điền); trà rau má Quảng Thọ của HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền) và khăn choàng Nhâm của HTX thổ cẩm xã Nhâm (A Lưới).
Theo ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX Quảng Thọ 2, mặc dù cây rau má đạt tiêu chuẩn an toàn, rau sạch, rau má Quảng Thọ được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, người trồng rau má ở Quảng Thọ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ nhiều khi không ổn định. Để người dân yên tâm phát triển sản xuất, HTX Quảng Thọ 2 đã mạnh dạn huy động các nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất các sản phẩm từ rau má. Đến nay, nhiều sản phẩm từ rau má của HTX Quảng Thọ 2 đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: Rau má tươi VietGAP, trà rau má túi lọc, trà rau má sao khô,...
“Rau má sạch sau khi thu hoạch của người dân sẽ được cơ sở thu mua xử lý ô zôn và phân phối cho thị trường, phần còn lại sẽ được đưa vào sản xuất trà rau má cung cấp cho thị trường. Những hộ tham gia dự án cũng phải cam kết sản xuất rau theo hướng VietGAP để đảm bảo chất lượng cũng như độ an toàn cho sản phẩm trà rau má sau này” ông Trí cho hay.
Từ khi sản xuất thành công các loại trà rau má, diện tích sản xuất rau má của người dân địa phương cũng được rộng nhân lên theo từng năm. Đến nay Quảng Thọ đã có hơn 65 ha rau má VietGAP, mỗi ha cho thu hoạch khoảng 50 tấn/năm, mang lại thu nhập cho người dân từ 200 - 250 triệu đồng.
Để phát triển lâu dài thương hiệu rau má sạch Quảng Thọ, HTX Quảng Thọ 2 thường xuyên tuyên truyền, siết chặt các quy định cho người dân sản xuất đúng tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ khâu thu hoạch và đóng gói sản phẩm để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vừa giữ đúng được hương vị, màu sắc, dinh dưỡng theo tiêu chuẩn quy định.
Ban Giám đốc HTX Quảng Thọ 2 cũng đã tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ tiếp tục sản xuất thành công “bột matcha rau má”; sản phẩm này chính thức đưa ra thị trường từ ngày 12/5/2020. Hiện nay, “bột matcha rau má” đã có mặt tại các thị trường tiềm năng như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam.
Theo bạn sản phẩm Trà rau má Quảng Thọ 2 đạt mấy sao?
https://nongnghiep.vn/rau-ma-vietgap-thanh-san-pham-ocop-4-sao-d279588.html
Theo Tiến Thành- Công Điền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã