Sil Pơp (36 tuổi), người dân tộc J’rai ở làng Yố 2, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, Gia Lai) có vườn cà phê 3 ha tại vườn nhà. Anh cho biết, gia đình làm vườn cà phê này đã gần hai mươi năm. Ban đầu, vườn cà phê xanh tốt, cho thu hoạch cao do đất mới, hơn nữa cà phê thời điểm đó được giá nên anh cũng như nhiều hộ khác mạnh dạn đầu tư cho vườn cây.
Tuy nhiên lâu rồi vườn cây xuống cấp do chăm sóc không đúng cách, do khâu chọn giống ban đầu không tốt, và do giá cà phê liên tục lao dốc nên không có tiền đầu tư cho vườn cây.
“Mấy năm liền, nhìn vườn cà phê cứ xuống cấp dần, cho năng suất thấp, giá lại hạ đến sát đáy, gia đình tôi buồn lăm”, Sil Pớp nói.
Năm 2018, Sil Pơp quyết định đưa vườn cà phê của mình tham gia vào Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Nông nghiệp Ia Mơ Nông (HTX). Đến năm 2019, Dự án VnSAT triển khai lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tại gốc, Sil Pơp là người đầu tiên trong tổng số gần 200 hộ thành viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia lắp đặt hệ thống này.
Bỏ ra 43.592.000 đồng (đối ứng 50% của Dự án), anh mua hệ thống ống nước, van, bơm, đào giếng… cho hệ thống tưới phun mưa tận gốc. Cứ dưới mỗi gốc cà phê là một ống nước cao trên mặt đất khoảng 40cm.
Từ đây, mỗi lần tưới, chỉ cần bật công tắc là hệ thống ống dẫn đưa nước đến tận mỗi gốc cà phê. Sil Pơp cho biết: Tưới đợt đầu, chỉ cần mở cầu giao điện, tưới khoảng 5- 6 tiếng là đủ. Sau 10 ngày tưới lại đợt 2, chỉ cần 2 tiếng là đủ lượng nước cho cây cà phê. Tùy thời tiết mỗi năm mà tưới nhiều hay ít đợt.
“Từ khi lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tận gốc, việc chăm sóc vườn cà phê nhàn lắm. Chỉ cần mở cầu giao rồi… đi chơi, đến giờ về tắt cầu giao là xong việc. Không như trước kia cứ phải cong lưng kéo ống nước đến gí tận mỗi gốc cà phê”, Sil Pơp chia sẻ.
Cũng theo Sil Pơp thì từ khi áp dụng hệ thống tưới nước phun mưa tận gốc, vườn cây của gia đình anh nhanh chóng xanh tốt trở lại, cứ như có “phép màu” vậy.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX cho biết: Việc áp dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc đã mang đến hiệu quả to lớn cho vườn cà phê. Theo ông Thanh thì áp dụng công nghệ tưới này đã tiết kiệm được rất nhiều trong quá trình đầu tư, chăm sóc cho vườn cây.
Trước tiên là tiết kiệm công lao động: Nếu như trước kia cứ phải kéo ống đến tưới cho từng gốc cây sẽ rất mất thời gian, không như bây giờ chỉ cần mở cầu giao là xong; trong quá trình tưới nước, nông dân có thể tranh thủ làm cành hoặc làm những công việc khác. Áp dụng công nghệ tưới này cũng đã tiết kiệm được đến 50% lượng nước theo cách tưới trước đây, bởi nước xuống gốc mà không bị bốc hơi hay tràn lênh láng đi nơi khác như cách tưới truyền thống.
Nếu trước kia, mỗi lần tưới cần đến 450- 500 lít nước cho mỗi gốc cà phê, giờ chỉ cần một nửa là đủ. Lượng phân bón cũng được tiết kiệm đáng kể do phân được định lượng, cho vào hệ thống dẫn nước đưa đến từng gốc cây, tránh trường hợp gốc nhiều phân gốc ít phân, hoặc phân bón rơi vãi ra khắp vườn cây. Rồi tiết kiệm điện, tiết kiệm được sức khỏe…
“Nếu không lắp đặt hệ thống này, vườn cà phê năm nay chắc bị bỏ chết khô do năm nay thiếu nước nghiêm trọng”, Sil Pơp nói.
Tiết kiệm là vậy, nhưng hiệu quả mang lại là một bất ngờ lớn. Cũng theo Sil Pơp thì ngoai việc tiết kiệm công và kinh phí đầu tư, áp dụng công nghệ tưới này đã cải tạo đáng kể chất lượng vườn cây: Quả to, sai và chắc hơn, năng suất vượt trội so với lối canh tác cũ. Sau năm đầu áp dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc, vườn cây của anh cho thu hoạch trên 5 tấn nhân/ha. “Vụ này chắc sẽ được năm tấn rưỡi đến sáu tấn mỗi ha", Sil Pơp vui vẻ nói.
Trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, không ít vườn không dám mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ nên năng suất giảm thì vườn cà phê của Sil Pơp, quả là một hình mẫu đáng để học tập.
Nhận xét về vườn cây của Sil Pơp, ông Thanh cho biết: “ Sil Pơp là hộ thành viên có sự đầu tư bài bản nhất cho vườn cà phê. Nhờ sự đầu tư đúng cách này mà năm nào, vườn cây của gia đình anh cũng dẫn đầu cả về năng suất lẫn chất lượng quả. Liên tiếp nhiều năm, Sil Pơp đều được công nhận đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi”.
Cũng theo ông Thanh, ban đầu vận động các hộ thanh viên là đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng công nghệ tưới này rất khó, bởi đồng bào cứ phải “thấy rồi mới tin”. Từ khi thấy Sil Pớp áp dụng và có hiệu quả rõ rệt, rất nhiều hộ thành viên là đồng bào dân tộc thiểu đã tự nguyện làm theo, mang lại hiệu quả tích cực cho vườn cây. “Sil Pơp xứng đáng là người tiên phong trong phong trào áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của đồng bào làng Yố 2”, ông Thanh khẳng định.
Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Nông nghiệp Ia Mơ Nông có trên 500 hộ thành viên, với khoảng trên 700 ha cà phê. Trong đó, khoảng 190 hộ thành viên là người dân tộc thiểu. Nhờ học tập cách làm của Sil Pơp mà đến nay, vườn cà phê của đồng bào được cải thiện đáng kể về chất lượng, năng suất vượt trội so với lối canh tác truyền thống lạc hậu.
Theo Đăng Lâm - Tuấn Anh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/sil-pop-nguoi-jrai-tien-phong-cua-lang-yo-2-d292173.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã