Xã Tà Mít là xã vùng sâu, cách trung tâm huyện 60km, tổng diện tích tự nhiên 10.500,06ha, hiện nay xã có 3 bản với 290 hộ, 1.527 nhân khẩu gồm 2 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 90,3%, dân tộc Dao 9,7%. Cuối năm 2011, Tà Mít đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định việc tăng cường phát triển kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng thành công nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã tập trung phát huy lợi thế vùng lòng hồ, diện tích đất đồi rộng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc. Đặc biệt, khuyến khích người dân chủ động, phát huy nội lực, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Đức Công - Chủ tịch UBND xã Tà Mít cho biết: Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng quy hoạch cơ cấu kinh tế vùng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, ưu tiên vào nuôi cá lồng, gà, trồng ổi, trồng quế… Cùng với đó, vận động Nhân dân đưa giống lúa mới vào gieo cấy; tận dụng diện tích vùng bán ngập trồng ngô để đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chăn nuôi; tích cực triển khai Đề án trồng quế, rừng kinh tế của huyện; khuyến khích Nhân dân đầu tư thuyền, công cụ đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ.
Bên cạnh đó, xã quyết liệt chỉ đạo các bản đẩy mạnh phát triển nông nghiệp; tích cực “Cầm tay chỉ việc”; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Do vậy, đến nay, Nhân dân trong xã trồng được 675 ha cây quế; tốc độ tăng đàn gia súc đạt trên 6%/năm, đàn gia cầm tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Xã đã thực hiện có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thế mạnh tiềm lực của địa phương về nuôi cá lồng; cá lăng, rô phi, tầm... Hiện trên địa bàn xã có Công ty Cổ phần Sông Thiên Đức đang liên kết với Nhân dân phát triển vùng nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Ngoài cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho bà con, Công ty còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Đến nay, xã Tà Mít có 130 lồng nuôi cá; năm 2019, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của xã đạt trên 100 tấn/năm (giá trị đạt trên 5 tỷ đồng). Nhờ đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện đã góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi; tạo việc làm mới cho 24 hộ theo mô hình nuôi cá lồng với thu nhập trung bình 200 triệu đồng/hộ/năm.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 54,46% (năm 2016) xuống 10,46% (năm 2019). Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người khoảng 8,4 triệu đồng/năm thì đến năm 2019 thu nhập đạt trên 30 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt xấp xỉ 100%.
Chất lượng cuộc sống được nâng lên là điều kiện để người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, bà con hiến đất, góp ngày công làm đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống điện chiếu sáng đường nội bản. Cùng với đó, phong trào chỉnh trang đường, ngõ, nhà ở, xây dựng đời sống văn hóa… được đoàn viên, hội viên, Nhân dân trên địa bàn hưởng ứng sôi nổi với nhiều hoạt động thiết thực. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước vào xây dựng nông thôn mới được xã triển khai khoa học, hợp lý, đảm bảo công khai, minh bạch. Từ việc xây dựng nông thôn mới, xã Tà Mít đã có 100% đường giao thông liên xã, 89% đường giao thông nội đồng được cứng hóa, đảm bảo đi lại và sản xuất thuận tiện quanh năm cho người dân; hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, 3/3 bản có điện lưới quốc gia, tổng số hộ được sử dụng điện an toàn từ các nguồn đạt 98%; số nhà ở đạt chuẩn quy định đạt 100%. Công tác Giáo dục và Đào tạo được quan tâm, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt 100%, không có học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng học tập các cấp học không ngừng được nâng lên; 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; người dân có ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Hệ thống chính trị được xã quan tâm thực hiện. Đến nay, xã có 95,4% cán bộ xã đạt chuẩn theo quy định. Đảng bộ, chính quyền xã hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt “Trong sạch, vững mạnh”. Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã cuối năm đều được xếp loại khá trở lên. Với những cố gắng của đảng bộ, chính quyền Nhân dân xã, năm 2019, xã Tà Mít đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Phạm Đức Công - Chủ tịch UBND xã Tà Mít cho biết thêm: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã Tà Mít sẽ tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp trên, thu hút nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp với phát huy tối đa nội lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; thường xuyên sâu sát, giúp cơ sở tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tận dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất hàng hoá; tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân...
Với những kết quả đạt được từ việc phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, diện mạo Tà Mít ngày càng đổi mới, đời sống Nhân dân nâng cao, quốc phòng - an ninh đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia giữ vững.
Nguồn tin: laichau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã