Lâm Đồng: Xây vùng nông nghiệp thông minh
Cái bắt tay giữa Hợp tác xã (HTX) Sunfood Đà Lạt, và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn đầu tư Thái Sơn Sài Gòn, cuối năm 2020 đã chính thức khởi động, với hàng loạt dự án xây dựng vùng nông nghiệp thông minh từ Đà Lạt xuống Lâm Hà.
Rau Sunfood Đà Lạt kết nối giao thương với đối tác trong nước.
Tại buổi lễ ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp thông minh giữa HTX Sunfood Đà Lạt với Công ty Thái Sơn Sài Gòn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, đánh giá cao bước phát triển vượt bậc của HTX Sunfood Đà Lạt, sau 3 năm thành lập.
Đó là sản xuất theo chuỗi liên kết từ 5 ha rau công nghệ cao tại Đà Lạt với 15 cửa hàng phân phối trong cả nước. Hiện, đã mở rộng ra các huyện phụ cận, với diện tích 60 ha phân phối tại 170 cửa hàng ở tất cả đô thị lớn nhỏ trong cả nước.
“Với 120 loại rau công nghệ cao, tiêu thụ ổn định hàng ngày, Sunfood Đà Lạt đã trở thành điển hình các HTX nông nghiệp đạt tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất ở Lâm Đồng.
Đặc biệt, khi hợp tác với Công ty Thái Sơn Sài Gòn, HTX Sunfood sẽ đi từ nông nghiệp công nghệ cao, đến phát triển nông nghiệp thông minh. Đây là xu hướng phát triển tất yếu, để nâng cao chất lượng nông sản an toàn theo chuỗi giá trị toàn cầu...”, ông Phạm S nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sunfood, ông Phạm Ngọc Thạch khẳng định, thương hiệu HTX Sunfood đã và đang phát triển rộng khắp cả nước, là nhờ tuân thủ phương châm “Chất lượng - Giá cả - Dịch vụ - Từ tâm”.
Theo đó, đối với thành viên liên kết, Sunfood cung ứng vật tư, phân bón, giống cây chất lượng cao, hỗ trợ toàn bộ quy trình kỹ thuật canh tác. Sunfood cung cấp đa dạng sản phẩm rau chuẩn VietGAP, với giá bình ổn hàng năm. Sunfood giao hàng đến tận nhà theo yêu cầu khách hàng, để tăng giá trị thương hiệu Sunfood trước mắt và lâu dài.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cam kết: “HTX Sunfood luôn cung ứng 100% sản phẩm rau gắn nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho những bữa ăn ngon, tuyệt đối an toàn cho khách hàng trong và ngoài nước, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ở Đà Lạt...”.
Tại buổi lễ giới thiệu hệ sinh thái liên kết HUB INNOVATION CENTER ở Đà Lạt, TS Lương Thị Sao Băng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn Sài Gòn, giới thiệu các dự án liên kết Sunfood, để triển khai sản xuất các giống rau chất lượng cao, canh tác sâm rau mầm Hàn Quốc…
Đồng thời, hợp tác đầu tư du lịch canh nông, du lịch nghỉ dưỡng; phát triển nông nghiệp thông minh 120 ha, ở vùng phụ cận Đà Lạt; xây dựng quy trình sản xuất các tiêu chí chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu nông sản…
Hiện, Công ty đang xây dựng vùng nông nghiệp thông minh 120 ha ở vùng phụ cận Đà Lạt, với quy trình khép kín, từ sản xuất giống đến liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, đảm bảo mức lợi nhuận khá hàng năm cho nông dân.
Căn cứ giá thị trường hàng năm, Sunfood - Thái Sơn sẽ bảo lãnh cho nông dân vay vốn khoảng 600 triệu đồng/1.000 m2 nhà kính, có hệ thống điều khiển thông minh như cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng trong đất; tưới tự động nhỏ giọt; máy điều hòa nhiệt độ; lưới tản nhiệt, lưới chắn côn trùng... Đặc biệt, Sunfood - Thái Sơn liên kết với nông dân sản xuất rau sâm mầm Hàn Quốc theo phương pháp thủy canh.
Đây là giống rau chưa phổ biến ở Việt Nam, vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa tăng cường chức năng đề kháng của cơ thể để ngăn ngừa ung thư, bảo vệ gan, giảm cholesterol trong máu...
Ngoài ra, gắn với phát triển du lịch canh nông, nghỉ dưỡng, Sunfood - Thái Sơn triển khai khoảng 10 ha ở vùng phụ cận Đà Lạt. Du khách trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp thông minh và được nghỉ dưỡng tại chỗ với tiện nghi hiện đại.
Dự kiến, năm đầu tiên đi vào hoạt động, Sunfood - Thái Sơn thu hút khoảng 500 lượt khách/ngày, sau đó tăng nhanh từ năm thứ hai, ba trở đi…
Ở Đà Lạt, Sunfood - Thái Sơn mở rộng, chuyển giao công nghệ cho hộ nông dân thành viên “đi thẳng” từ nông nghiệp công nghệ cao đến nông nghiệp thông minh trên hàng chục hecta diện tích liên kết.
Riêng 11.000 m2 du lịch canh nông tại Đà Lạt, Sunfood - Thái Sơn tập trung phát triển nông nghiệp thông minh với 30 loại rau đặc trưng của “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, nhằm tạo ra một điểm du lịch mới lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt là học sinh, sinh viên đến khám phá, thực hành công nghệ thông minh, kết hợp bảo vệ bền vững môi trường…
Khi các vùng nông nghiệp thông minh Đà Lạt và vùng phụ cận đi vào sản xuất, Sunfood - Thái Sơn sẽ đạt sản lượng bao tiêu thời gian đầu 100 tấn rau các loại/ngày. Sản lượng rau này đưa về sàn giao dịch nông sản các đô thị lớn trong nước để “khớp lệnh” cung cấp kịp thời cho khách hàng và xuất khẩu.
Ngoài ra, Sunfood - Thái Sơn cũng đã đưa vào kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến rau, củ, quả tươi và sấy khô, cùng nhà hàng buffet rau tại Đà Lạt, tạo sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp thông minh theo nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…
Từ khát vọng xây dựng vùng nông nghiệp thông minh quy mô lớn ở Đà Lạt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị ghi nhận, đây là bước đi đúng hướng, để phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp quy luật cung - cầu của thị trường.
“Liên minh HTX Việt Nam có trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ nguồn lực đầu tư để HTX Sunfood Đà Lạt, trở thành một trong những mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu trong cả nước”, ông Nghị nói.
Gia Lai: Sẽ đầu tư hàng ngàn tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao
Cuối năm Canh Tý, đã diễn ra sự kiện gây tiếng vang, trong giới đầu tư Việt, đó là tỷ phú Trần Bá Dương nắm vị trí Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Agrico và công bố chiến lược mới của Công ty, sẽ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, để phát triển các đại dự án.
Đây cũng là cú hích lớn đối với Gia Lai, trong việc liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng khó khăn.
Vườn chuối công nghệ cao của HAGL Agrico: Ảnh: Trần Hiếu
Cái bắt tay giữa 2 đại gia Việt là tỷ phú Trần Bá Dương và Đoàn Nguyên Đức đã mang đến cơ hội cho Gia Lai thu hút đầu tư, góp phần định danh rõ phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam cũng như khu vực Tam giác phát triển. Đặc biệt, trong thời điểm Việt Nam cũng như thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Trong lễ giới thiệu Chiến lược đầu tư giai đoạn 2021-2023, và Ban Quản trị mới tỷ phú Trần Bá Dương cho biết, sẽ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phát triển nông nghiệp ở Gia Lai, Lào, Campuchia.
Đặc biệt, Gia Lai sẽ là điểm nhấn của chiến lược này. “Chúng tôi đã rót 40 ngàn tỷ đồng vào đây, nên bắt buộc phải làm và sẽ phát triển bằng được, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn”-ông Dương khẳng định.
Thông tin xác tín này là cú hích trong phát triển kinh tế-xã hội của 13 tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển. Đây cũng là cơ hội để khu vực này có thêm những vùng dân cư trù phú, thúc đẩy kinh tế vùng biên mậu.
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-vui mừng: “Về nông nghiệp, khi có sự tiếp quản điều hành của tỷ phú Trần Bá Dương, sẽ giúp phát triển công nghệ cao về chăn nuôi, cây ăn quả, góp phần hình thành vùng trồng cây ăn quả lớn, chuyển dịch cây trồng theo chuỗi.
Hình thành các trang trại chăn nuôi bò, heo theo hướng đại gia súc công nghệ cao; các nhà máy chế biến cây ăn quả, sản xuất phân bón, chế biến thức ăn gia súc.
Đặc biệt, các sản phẩm được chuyển xuống cảng Quy Nhơn sẽ hình thành nên chuỗi vận chuyển. Đây là cơ hội biến Gia Lai thành thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, cũng như phát triển, nâng tầm công nghệ chế biến”.
Theo thông báo của HAGL Agrico, ngay đầu năm 2021 sẽ triển khai 2 dự án lớn tại Gia Lai gồm: Dự án chăn nuôi bò thịt xã Ia Púch (huyện Chư Prông), 35.000 con, công suất nuôi 140.000 con/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.993 tỷ đồng; Dự án chăn nuôi heo thịt kết hợp chăm sóc và phát triển cây cao su ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), quy mô 160.000 con, công suất 400.000 con/năm, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Với lợi thế tài chính, kinh nghiệm phát triển các phương tiện máy móc phục vụ sản xuất, việc Tập đoàn Trường Hải tiếp nhận quản lý HAGL Agrico, đang tạo nên lợi thế lớn.
Hiện, HAGL Agrico đang có quỹ đất hơn 84.000 ha ở vùng Tam giác phát triển. Đây là điều kiện quá tốt để phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, chăn nuôi quy mô lớn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Gần đây, dù được quan tâm đầu tư nhưng việc phát triển kinh tế vùng biên giới, đặc biệt là kinh tế khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh còn khó khăn.
Với hướng đầu tư của HAGL Agrico sau tiếp quản từ Tập đoàn Trường Hải mang lại cơ hội mới cho phát triển kinh tế khu vực này. Nền tảng công nghiệp cơ khí, tự động hóa và trình độ quản trị doanh nghiệp tiên tiến cùng với tiềm lực tài chính, đang là lợi thế của tập đoàn.
Để cụ thể hóa định hướng này, nông nghiệp Gia Lai đang phát triển theo hướng hữu cơ, đầu tư công nghệ và gắn với chuỗi giá trị. Sự đầu tư mạnh mẽ của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao những năm qua đã giúp tỉnh có thêm cơ hội thúc đẩy, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Gia Lai sẽ giải quyết được phần nào nhân lực đang dôi dư. Và tỉnh cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp, không chỉ lao động thuần nông mà còn là nông nghiệp chất lượng cao, từ Trường Cao đẳng Gia Lai, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết, Gia Lai sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp, để thuận lợi trong đầu tư, phát triển, và nhấn mạnh: “Nông nghiệp hữu cơ có vai trò vô cùng to lớn, không chỉ đối với sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nông nghiệp.
Tôi mong muốn 2 tập đoàn sớm thực hiện kế hoạch đầu tư của mình, tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, hình thành, phát triển vùng trồng cây ăn quả, vật nuôi quy mô lớn, giá trị cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Sự hợp tác của 2 tập đoàn lớn, ngoài việc tạo sự phát triển cho chính mình, còn đóng góp cho kinh tế Gia Lai, và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia”
Hiệu quả từ tưới tiết kiệm ở phía Đông tỉnh Gia Lai
Dự án phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Tổ chức iDE Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Gia Lai, tại các huyện, thị xã phía Đông, từ năm 2018 đến nay, đã mang lại hiệu quả tích cực.
Tưới phun mưa giúp tiết kiệm nước. Ảnh: Lê Nam
Tại huyện Đak Pơ, Dự án được triển khai ở các xã: Tân An, Cư An, Phú An, Yang Bắc, Hà Tam và thị trấn Đak Pơ. Hiện, khu vực này đã có 855 hộ tham gia. Trong đó, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 50% mua vật tư lắp đặt hệ thống tưới cho 1.000 m2.
Anh Đinh Lê (xã Yang Bắc) cho biết: anh có 3 sào ớt, dưa leo, khổ qua. Được Dự án hỗ trợ 2,5 triệu đồng lắp hệ thống tưới tiết kiệm cho 1 sào ớt, thấy năng suất tang, anh mua thêm ống, béc lắp hệ thống tưới diện tích còn lại.
“Với hệ thống này, mình có thể bón phân qua đường ống, giảm thất thoát phân, công lao động, năng suất tăng 50-70%. Đặc biệt, vào mùa khô, không lo thiếu nước”-anh Lê chia sẻ.
Ở huyện Kông Chro, các xã: Yang Nam, Yang Trung, Kông Yang, Đak Kơ Ning và thị trấn Kông Chro có 912 hộ tham gia. Chị Phạm Thị Thúy (thôn 9, xã Yang Trung) cho biết: “Trước đây, tôi trồng 1 sào ớt nhưng tưới xả tràn nên rất lãng phí. Năm 2019, được Dự án hỗ trợ 2,5 triệu đồng, tưới tiết kiệm nước. Sử dụng hệ thống này vừa đỡ công lao động, giảm lượng nước, năng suất tăng gần gấp đôi so với trước. Năm nay, ớt lại được giá lãi 60-70 triệu đồng/sào”.
Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-cho biết: Khi lắp đặt hệ thống, người dân được hướng dẫn trồng, chăm sóc, cách vận hành, bón phân nhằm tiết kiệm phân bón, công lao động.
Hy vọng, Dự án kết thúc, người dân vẫn tiếp tục nhân rộng mô hình, để tiết kiệm nguồn nước, nâng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, mô hình tưới tiết kiệm được thực hiện trên 28.130 ha cây trồng/608 hộ tham gia Tuy diện tích còn rất nhỏ, so số cây trồng của tỉnh, nhưng đã giúp người dân tiếp cận với kỹ thuật canh tác, và mở rộng diện tích.
“Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân, tiếp tục mở rộng mô hình trong sản xuất”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã