Theo Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) Nguyễn Xuân Linh, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng Đông Anh thành quận đến năm 2025, lãnh đạo huyện xác định việc phát triển nông nghiệp phải theo hướng mới, chất lượng cao, quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa.
Phát triển vùng trồng quất cảnh
Đã có một thời, người dân Thủ đô lo lắng về một thú chơi không thể thiếu trong những ngày Tết đến Xuân về, đó là thiếu vắng những cành đào Nhật Tân đỏ thắm, những cây quất Quảng Bá lá xanh mướt, quả to, mọng, chín vàng khoe sắc trong nắng Xuân. Do tiến trình đô thị hóa, vùng đất trồng đào, quất của Nghi Tàm, Quảng Bá đang dần bị thu hẹp. Đây cũng là điều kiện để bà con nông dân xã Tàm Xá chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ rau màu sang trồng quất cảnh.
Nhận thấy thổ nhưỡng được con sông Hồng bồi đắp qua hàng nghìn năm tương đồng và cũng là cơ hội để đưa cây quất trồng thử nghiệm, người dân xã Tàm Xá đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ rau màu sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là quất cảnh. Sau hơn 10 năm trồng quất cảnh, nhiều gia đình ở đây đã thoát nghèo và vươn lên khá - giàu.
Không giấu niềm vui sướng trước vườn quất sai trĩu quả, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp đến gần, ông Hoàng Hữu Ty (thôn Đông, xã Tàm Xá) cho biết, nhà có hơn 600m2 vườn, trồng 200 gốc quất cảnh, sau một năm canh tác, trừ chi phí, thu lãi khoảng 400 triệu đồng, so với trồng lúa, ngô và rau màu trước đây thì thu nhập cao gấp hàng chục lần.
“Người dân Tàm Xá phải nói là đổi đời, làm giàu chính bằng việc chuyển đổi cây trồng từ rau màu sang quất cảnh. Nhiều gia đình có diện tích rộng, trồng nhiều quất, hàng năm thu nhập lên đến trên tỷ đồng”, ông Ty nói.
Chủ tịch UBND xã Tàm Xá Lê Huy Du cho biết, diện tích trồng quất hiện nay của địa phương có khoảng 90ha, có 348 hộ trồng quất cảnh, hàng năm cung cấp cho các địa phương khoảng 169 nghìn cây. Quất cảnh được các hộ dân bán trong dịp Tết Nguyên đán là khoảng 69 nghìn cây, thu nhập bình quân 1,7 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Du cho biết thêm, khoảng 10 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã Tàm Xá thay đổi rõ rệt, nhiều hộ trồng quất mua sắm được những tài sản có giá trị như ô tô, xây được nhà cao tầng kiên cố, ngoài việc đầu tư từ chính quyền địa phương, bà con ở đây còn tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng vui mừng nói với chúng tôi: Tháng 11 vừa qua, Tàm Xá được thành phố quyết định công nhận làng nghề. Đây không chỉ là niềm vui, mong đợi của chính quyền và nhân dân, mà còn là một trong những công việc hết sức khó khăn và vất vả của huyện.
Nhờ vào sự phát triển đô thị bên kia sông Hồng, cây quất Quảng Bá đang dịch chuyển dần sang Tàm Xá, do vậy, huyện đã xây dựng quy hoạch vùng đất bãi nơi đây trở thành vùng trồng hoa, cây cảnh, gắn với phát triển du lịch. Không những phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, huyện còn quy hoạch và xây dựng những vùng chăn nuôi con giống chất lượng cao cung cấp cho các địa phương.
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi
Ở Đông Anh hiện nay có một số cơ sở chăn nuôi tư nhân mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ vào chăn nuôi con giống chất lượng cao và có những thành công bước đầu.
Đưa chúng tôi đến một cơ sở chăn nuôi gà giống chất lượng cao theo hướng hữu cơ, ông Nguyễn Văn Thiềng cho biết, đây là cơ sở chuyên kinh doanh về con giống chất lượng cao trên địa bàn, với mô hình chăn nuôi khép kín, thu lợi nhuận tương đối lớn.
Theo ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng, đơn vị chăn nuôi con giống chất lượng cao tại Liên Hà (Đông Anh), mô hình chăn nuôi này được ông thực hiện từ năm 2004, đến năm 2016 chuyển ra địa điểm mới hiện nay.
Nói về công việc kinh doanh, sản xuất giống gia cầm, ông Ngọc cho biết, gà được chăn nuôi tại đây không phát triển theo hướng thương phẩm. Gia cầm được cơ sở chăn nuôi tại đây là các loại gà bản địa nổi tiếng như gà Mía (Sơn Tây) gà Hồ (Bắc Ninh) và gà Đông Tảo (Hưng Yên). Đây là những giống có chất lượng cao, được chăn nuôi theo phương thức bảo tồn gien và bán con giống.
Ông Ngọc cho biết, gà bố mẹ được nuôi riêng biệt trong lồng và được thụ tinh trực tiếp, do vậy, không có hiện tượng lai tạp. Trong quá trình chăn nuôi, công tác vệ sinh thú y luôn được bảo đảm.
“Để nâng cao giá trị sản phẩm, doanh nghiệp đầu tư máy ấp sản lượng 1,5 vạn con gà con xuất chuồng,/ngày. Hiện nay, thị trường tiêu thụ trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Với sản lượng trung bình hàng năm 45 vạn con, doanh thu ước đạt 4,5 tỷ đồng, doanh nghiệp giải quyết việc làm cho 30 công nhân với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng”, ông Ngọc chia sẻ.
Cũng là doanh nghiệp kinh doanh con giống chất lượng cao, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Giống gia cầm Tiến Đạt Ngô Thị Tuyến cho biết, công ty hiện có khoảng 4 vạn con gà sinh sản được nuôi tại cơ sở Đông Anh và có 4 vạn gà hậu bị được thuê nuôi ở huyện Chương Mỹ.
Sau 3 năm liên tục nghiên cứu và cho lai tạo giống gà chọi O-shamo của Nhật Bản với nhiều giống gà thuần chủng ở Việt Nam, Công ty Giống gia cầm Tiến Đạt đã thành công trong việc lai tạo để cho ra đời giống gà chất lượng cao, được thị trường lựa chọn.
“Bình quân công ty cung ứng 5 vạn con một phiên (4 ngày 1 phiên) với giá 19.000 đồng/con, nhưng không đủ cung cấp cho người chăn nuôi. Gà nuôi 100 ngày đạt trọng lượng 2,5-2,6kg/con, giá bán 75.000 đồng/kg, người chăn nuôi thu lãi 70-80 triệu đồng/1.000 con”, bà Tuyến chia sẻ.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi được xây dựng khép kín; gà sinh sản, gà bố mẹ đều được nuôi trong những chiếc lồng riêng biệt, chính vì vậy, việc chăm sóc, kiểm tra và thu nhặt trứng gà đều rất thuận lợi. Việc phối giống cho gà, Công ty đã thực hiện phối giống trực tiếp, chính vì vậy, chất lượng trứng gà có trống khi được ấp nở đều thành công rất cao, lên đến 97%.
Tạo thế mạnh mới
Ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng kinh tế huyện Đông Anh, cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp chăn nuôi cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đây có thể coi là thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế.
Trong những năm qua, Phòng Kinh tế huyện đã xây dựng kế hoạch và đề xuất với huyện một số chủ trương để phát triển doanh nghiệp chăn nuôi phù hợp với xu thế phát triển khi Đông Anh trở thành quận; phối hợp với các phòng ban tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy hoạch.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, trong đề án xây dựng huyện Đông Anh trở thành quận, UBND huyện xác định nông nghiệp vẫn là một trong những thế mạnh, tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp phải gắn với sự phát triển sau này khi Đông Anh trở thành đô thị theo hướng là trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại giao dịch quốc tế; trung tâm du lịch sinh thái và thể thao, vui chơi giải trí của Hà Nội.
Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp sạch, hài hoà và bền vững với môi trường, góp phần tạo cảnh quan, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.
Ông Linh cũng cho biết, phát triển nông nghiệp hiện đại với công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh, các vành đai xanh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh, tăng hiệu suất sử dụng đất và tăng năng suất lao động nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, thích ứng với quá trình đô thị hoá sẽ diễn ra trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Những quan điểm và định hướng xuyên suốt về sự phát triển nông nghiệp của Đông Anh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 là rất rõ ràng và cụ thể, điều này càng khẳng định Đông Anh chắc chắn trở thành đô thị theo hướng là trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại giao dịch quốc tế; trung tâm du lịch sinh thái và thể thao, vui chơi giải trí của Hà Nội là không xa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã