Ngăn chặn dịch Covid-19 nhưng không 'triệt" đường kinh tế của người dân là điều mà lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố và các cấp chính quyền địa phương đắn đo, suy ngẫm.
Hôm nay, 17/2, ngày làm việc đầu tiên của năm mới, cũng là lúc việc quyết định của Hải Phòng về tạm dừng tiếp nhận công dân và hàng hóa đến từ tỉnh Hải Dương trong thời gian tỉnh này thực hiện cách ly xã hội đang có hiệu lực.
Tình huống trên khiến Hợp tác xã Thành Công (tỉnh Hải Dương) không thể về thu mua bắp cải đã ký bao tiêu cho nông dân xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) như đã ký kết.
Bởi nếu đưa người về thu hoạch bắp cải mới đảm bảo quy chuẩn xuất khẩu thì sẽ không được vào TP Hải Phòng. Nếu để nông dân thu hoạch mang tới điểm giáp ranh thì không đảm bảo kỹ thuật để xuất khẩu.
Lái xe Hải Phòng cũng không muốn chở rau bắp cải của nông dân đi Hải Dương bởi khi về sẽ phải vào ở tại khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu để xét nghiệm dịch bệnh Covid-19… Mà có chở về tận kho tại tỉnh Hải Dương thì hàng cũng không xuất khẩu được vì dịch Covid-19.
Oái oăm, theo ông Phạm Khắc Tuấn- Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến, 3ha trồng bắp cải đã ký bao tiêu, lại đã đến kỳ thu hoạch. Nếu để chậm ít ngày, vào mùa mưa sẽ hư hại và hơn nữa, không thu hoạch sẽ không có đất để sản xuất tiếp vụ lúa Chiêm Xuân quan trọng của địa phương.
Nghiệt ngã hơn, doanh nghiệp bao tiêu chỉ hỗ trợ 30% vốn giống, kỹ thuật …, còn lại nông dân bỏ ra đầu tư trồng rau bắp cải phần lớn. Hàng tháng trời trồng trọt, tiền bạc công sức đổ ra mà ngay đầu năm mới tan hoang thì thiệt hại không chỉ vật chất mà cả tinh thần người nông dân và ảnh hưởng tới kế hoạch cải cách sản xuất mà chính quyền đã đề ra.
Thế là ngay sáng ngày làm việc đầu tiên của năm mới, thay cho lễ lạt chúc tụng, ông Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến đã ra lời kêu gọi giải cứu nông sản cho nông dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông, công chức, viên chức chính quyền xã Cấp Tiến cùng vào cuộc, vận dụng mạng xã hội, facebook, zalo và "xắn quần" lội ruộng giải cứu bắp cải.
Việc đầu tiên là mỗi cán bộ, công chức bỏ tiền túi mua trước 2 túi (30.000 đồng/túi 5 trái bắp cải) và kêu gọi người nhà cùng mua; "xắn quần" lội ruộng thu hoạch bắp cải cùng dân; gọi điện nhắn tin, sử dụng mạng Facebook, Zalo của cá nhân kêu gọi cơ quan tổ chức đoàn thể và cả con em gia đình mua bắp cải giải cứu cho nông dândân.
Xã Cấp Tiến báo cáo nhưng "kèm" cả kêu gọi cấp trên (Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng) và các doanh nghiệp địa bàn Hải Phòng mua bắp cải giúp dân; vận động tất cả xe ô tô tổ chức, cá nhân và xe 4 bánh các loại của người dân để "ship" hàng. Đích thân Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến đến lãnh đạo đoàn thể còn nhận "đặt hàng" qua điện thoại, tin nhắn, zalo, facebook.
Kết quả rất… "thần tốc" và tuyệt với! Không chỉ cán bộ, công viên chức xã Cấp Tiến mà hàng loạt cán bộ từ lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng mua và còn vận động các phòng ban như Tài chính-Kế hoạch, Y tế, thậm chí cả Ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng, Trung tâm bảo trợ xã hội đều mua hàng trăm túi bắp cải; nhiều doanh nghiệp đặc biệt cả doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vingroup tại Hải Phòng cũng đặt mua hàng trăm túi bắp cải.
Tới cuối chiều cùng ngày 17/2, cả cánh đồng bắp cải hàng ha của xã Cấp Tiếp đã vơi đi 2/3. Với đà này, theo Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến Phạm Khắc Tuấn, dự kiến chưa hết ngày 18/2, toàn bộ bắp cải của nông dân xã sẽ được giải cứu.
Thực hiện thành công việc giải cứu nông sản, tức cứu dân đồng thời "gỡ" cho doanh nghiệp gặp nạn vì Covid-19 là điều mà nhiều tỉnh, thành phố kể cả phía Bắc và phía Nam, kể cả TP.HCM hay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (nơi là vựa nông sản lớn nhất nước) cần suy ngẫm. Bởi ngăn chặn covid-19 không chỉ dừng ở việc chặn dịch, phong tỏa, giãn cách mà còn cần song hành giải pháp giải cứu nền kinh tế, giải cứu khó khăn của dân và doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 16/2/2021, UBND tỉnh Hải Dương có công văn số 517/UBND-VP gửi Bộ Công thương, UBND TP.Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh, thành phố có cửa khẩu cho biết, hiện trên địa bàn Hải Dương, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm… cơ bản đã tổ chức sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại hoạt động tăng nhiều sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, đã xuất hiện việc các tỉnh, thành phố giáp ranh với Hải Dương không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh. UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương, UBND TP.Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh, thành phố có cửa khẩu chỉ đạo đơn vị có liên quan, các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh, UBND các xã phường, thị trấn tạo điều kiện cho phép các phương tiện, người lái xe, người giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được ra, vào các địa phương (đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định) để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ và thông quan xuất khẩu theo đúng kế hoạch.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã