Đưa sản phẩm gần hơn với thị trường
Được thành lập từ năm 2015, từ lâu, sản phẩm cá lóc của HTX TM –DV – NN Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) đã được nhiều địa phương biết đến bởi quy trình canh tác theo kiểu thuận thiên. Theo đó, nhờ tận dụng lượng cá dạt dồi dào bên lòng hồ Dầu Tiếng, các xã viên tận dụng làm thức ăn cho cá lóc, từ đó, cá lóc của HTX không khác gì cá lóc tự nhiên nên chất lượng cá rất thơm ngon, chắc thịt được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vừa qua, sản phẩm cá lóc của HTX này được huyện Dương Minh Châu chọn là 1 trong 42 sản phẩm chủ lực của huyện tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Đây là cơ hội để HTX mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu, đưa đặc sản địa phương đến với người tiêu dùng cả nước. Bên cạnh làm các lóc tươi, hiện nay, HTX còn liên kết người dân trong vùng sản xuất khô cá lóc và chế biến các loại mắm cá lóc, bước đầu, sản phẩm của HTX đã được dân ẩm thực sành điệu khen ngợi.
Bà Lâm Thị Có, Phó Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm cá lóc của HTX đã có uy tín, với việc được chọn làm sản phẩm OCOP sẽ là tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm cá lóc địa phương, xã viên HTX sẽ có nhiều cơ hội quảng bá đến người tiêu dùng cả nước, kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho HTX và bà con trong vùng liên kết. “HTX kỳ vọng tương lai không xa, sản phẩm cá lóc của HTX sẽ có mặt tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước”, bà Có nhấn mạnh.
Giữ gìn làng nghề truyền thống
Còn nhắc tới thị xã Trảng Bàng, mọi người có thể nghĩ ngay đến món bánh tráng phơi sương, đây là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương nổi tiếng cả nước, thậm chí là thế giới. Tuy nhiên, để làm ra được sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều công đoạn chế biến rất kỳ công, giá thành lại chưa tương xứng. Trong bối cảnh công nghiệp ngày càng phát triển, người lao động, nhất là lao động trẻ thường chọn làm công nhân để phát triển kinh tế, từ đó khiến nghề truyền thống này dễ mai một.
Thế nhưng, từ khi nắm bắt được các chính sách từ Chương trình OCOP, người dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để cải tiến phương thức sản xuất, từ đó, không chỉ duy trì được làng nghề, sản phẩm làm ra đồng đều, chất lượng cải thiện, sản lượng tăng lên giúp bà con tăng thu nhập đáng kể và hơn hết gắn bó với nghề.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng phơi sương, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ở phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng đã gây dựng được một cơ ngơi khang trang với công suất 20.000 chiếc bánh/tuần, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, với nguồn nguyên liệu chính là gạo, chị Thúy đã liên kết với người dân trong vùng bao tiêu sản phẩm gạo cho bà con.
Sản phẩn bánh tráng phơi sương của chị Thúy đã có thương hiệu, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Trần Trung.
Theo chị Thúy, từ khi được thị xã Trảng Bàng chọn làm điểm để thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm OCOP”, nhận thấy đây là một chương trình ý nghĩa và là cơ hội phát triển, chị đã không ngần ngại đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Theo đó, ngoài chiếc máy cắt bánh tráng chạy bằng mô tơ điện, chị còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để chế tạo ra chiếc máy nướng bánh tráng phơi sương.
“Từ khi có máy móc không những giúp tôi chủ động được nguồn bánh cung cấp, máy còn cho ra những chiếc bánh có chất lượng tốt hơn bánh nướng thủ công. Do nướng bằng máy nên chín rất đều, không bị cháy, không bị sống so với nướng thủ công đôi khi mắc phải, công suất máy gấp 3 lần so với 1 người nướng bình thường. Sắp tới tôi sẽ đặt thêm 3 chiếc máy nướng, máy cắt bánh và 1 máy tráng bánh để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh và phát triển theo xu thế”, chị Thúy hồ hởi nói.
Kỳ vọng nâng tầm đặc sản địa phương
UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình OCOP của tỉnh này là là 238,434 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2020 – 2025 sẽ huy động hơn 140 tỷ đồng cho các hạng mục như xây dựng hệ thống quản lý điều hành; triển khai chu trình OCOP thường niên; các dự án ưu tiên đầu tư... Trong đó, vốn ngân sách là 68,77 tỷ đồng (chiếm 49,03%); vốn ngoài ngân sách 71,485 tỷ đồng (chiếm 50,97%). Giai đoạn 2026 – 2030 tỉnh sẽ huy động 98,178 tỷ đồng còn lại để thực hiện các hoạt động như xúc tiến thương mại; hỗ trợ chính sách và tổ chức tham quan học tập…
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương có khá nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, những ưu thế nổi bật của tỉnh là vị trí địa lý kinh tế thuận lợi cho việc mở rộng thị trường và tham gia xuất khẩu. Đồng thời, Tây Ninh có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú; một số ngành nghề truyền thống với sản phẩm hàng hóa nổi tiếng cùng đội ngũ thợ, nghệ nhân có trình độ tay nghề khá cao là nền tảng tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn bền vững hơn.
Theo Trần Trung - Hồng Thủy/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã