Kon Tum: Đất cằn cỗi thành miệt vườn cây ăn quả hữu cơ
Anh Bùi Xuân Thiện (36 tuổi) xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã “làm liều” chuyển đổi 4ha cao su già cỗi, sang trồng cây ăn quả hữu cơ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Dùng biện pháp sinh học và thủ công để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: VT
Ít ai nghĩ rằng, giữa vùng đất Sa Nhơn cằn cỗi lại có một “miệt vườn” với đủ loại cây trái, đang được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Anh Thiện kể: Trước đây, khu đất 4ha này trồng cao su, sau thời gian dài khai thác, cây già cỗi, năng suất mủ ít, giá bán lại thấp, nên tôi quyết tìm hướng đi mới.
“Mỗi lần xem trên ti vi, thấy ở miền Tây có nhiều vườn cây ăn quả đẹp quá, ở địa phương đang ít người trồng cây ăn quả sạch, nên đã “làm liều” một phen” - anh Thiện cho biết.
Nói là “liều” bởi khi ấy ai cũng khuyên tiếp tục trồng lại cao su, vì chưa biết khí hậu, thổ nhưỡng ở đây có phù hợp cây ăn quả không mà dám liều, đưa 4ha đất, một diện tích không hề nhỏ đi theo hướng đi mới đầy mạo hiểm.
Nhưng anh vẫn quyết tâm, sau khi chặt bỏ cao su, anh bắt đầu cải tạo đất. “Do trồng cao su nên hết chất dinh dưỡng, muốn trồng cây ăn quả phải cải tạo đất. Tôi đã mất hơn 3 tháng nghiên cứu, tìm hiểu cách cải tạo đất, chẳng nhớ nổi đã mua bao nhiêu bao trấu ủ vi sinh, các loại thuốc, men sinh học để xử lý đất trước khi trồng” - anh tâm sự.
Khi đất đã đủ độ phì, anh lại xuống các tỉnh miền Tây, sang Đắk Lắk để mua giống, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây non. Cây đầu tiên anh chọn là sầu riêng, sau đó đến cam, quýt, bưởi.
Trên 4ha, anh Thiện trồng 400 cây sầu riêng, 50 cây quýt, 100 cây cam và 50 cây bưởi. Để đảm bảo nước tưới, và tiết kiệm chi phí thuê công nhân, anh lắp đặt hệ thống tưới tự động, có thể pha phân bón khi cần thiết.
Anh kể: Trước khi trồng tôi nghĩ sẽ tốn nhiều chi phí hơn cao su, nhưng từ lúc cải tạo đến khi xuống giống, chỉ hết 150 triệu đồng. Sau một thời gian, chồi non cứ thế vươn lên, xòe tán phủ kín khu đất.
Đồng thời, đặt tiêu chí “sạch” lên hàng đầu, anh Thiện luôn tuân thủ quy trình bón phân, phòng sâu bệnh. Chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai, bón 3 lần/năm, phân hữu cơ bón trực tiếp vào gốc; phân chuồng đã qua xử lý bón vào rãnh, hố được đào giữa các hàng cây.
Dùng sản phẩm sinh học, sử dụng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh. Khi mới trồng cần theo dõi, để ý do cây chưa thực sự thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng nên còn rất yếu, dễ mắc bệnh. Sau đó, có thể nới giãn thời gian thăm vườn vì cây đã khỏe, phát triển nhanh.
Nếu cao su trên 7 năm mới khai thác, thì cây ăn quả chỉ 4 năm đã thu bói. Đây là năm đầu tiên vườn cây của anh Thiện cho thu hoạch, năng suất ngoài sự mong đợi.
“Nhờ chăm sóc hữu cơ đúng kĩ thuật, tuy là thu bói nhưng cây trái sum suê, nặng trĩu, vít cành xuống tận đất, phải dùng cây chống để không gãy cành. Từ đầu năm đến nay, ngoài sầu riêng còn thu hoạch thêm bưởi, quýt, tổng thu nhập gần 100 triệu đồng” - anh Thiện phấn khởi kể.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ người thân mà thương lái, các cửa hàng trong tỉnh đã đặt mua, đến ngắm cảnh, thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn.
Có lẽ, đó là lý do để anh Thiện thêm tự tin về sự “liều” của mình: “Trồng cây ăn quả hữu cơ rất có lợi, không lo đầu ra, chi phí cũng không cao hơn so trồng cao su, cà phê. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kĩ thuật cho bà con có ý định trồng cây ăn quả hữu cơ.”
Ông Lại Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn cho hay: Từ trước đến nay, địa phương chủ yếu trồng cao su. Vườn cây ăn quả hữu cơ của anh Thiện là hướng đi mới, nhiều tiềm năng cho thấy Sa Nhơn có thể phát triển các loại cây khác; ngoài ra còn tạo sự đa dạng cây trồng ở địa phương. Chúng tôi luôn vận động và tạo điều kiện để bà con phát triển cây trồng hữu cơ.
Lâm Đồng: Phát triển dâu tằm tơ bền vững
Tuy có nhiều thăng trầm và khó khăn, nhưng trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì cây dâu, con tằm có thể phát triển bền vững ở Lâm Đồng. Vì vậy, tỉnh đã khôi phục 10.000 ha dâu tằm
Mỗi cơ sở ươm tơ ở Lâm Đồng chế biến 1 tấn kén/ngày
Thời kỳ nở rộ nhất của ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng là những năm 1986 - 1995 với trên 10.000 ha, chiếm trên 50% diện tích dâu tằm cả nước.
Hàng loạt nhà máy ươm tơ, dệt lụa lần lượt đi vào hoạt động, thu hút việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Song, vào những năm 2000, giá tơ lụa thế giới giảm từ 40 - 50%, khiến Lâm Đồng suy giảm từ 10.000 ha xuống còn 2.900 ha.
Từ 2011 đến nay, giá tơ lụa thế giới gia tăng trở lại, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng từng bước khôi phục, phát triển. Năm 2019, Lâm Đồng phục hồi 8.277 ha dâu, đạt sản lượng 160.000 tấn lá dâu, 10.800 tấn kén, 1.500 tấn sợi tơ, gần 5,2 triệu mét vuông lụa các loại.
Tính đến tháng 6/2020, Lâm Đồng có 15.000 hộ sản xuất trên tổng diện tích dâu 8.700 ha, chiếm 70% diện tích cả nước. Các giống dâu mới năng suất, chất lượng cao đã và đang được Lâm Đồng trồng mới hiệu quả như: TBL-05, VA-201, S7-CB, TBL-03…
Đặc biệt, về nguồn trứng tằm lưỡng hệ, mỗi năm Lâm Đồng nhập từ Trung Quốc khoảng 270.000 hộp (khoảng 60 tỷ đồng). Với 200 cơ sở nuôi tằm con ở huyện Lâm Hà và T.p Bảo Lộc, bình quân mỗi cơ sở đạt 100 hộp/tháng vào mùa nắng và 200 hộp/tháng mùa mưa.
Toàn tỉnh có 150 cơ sở thu mua kén tằm, cung cấp cho 32 cơ sở ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn, công suất chế biến đạt1 tấn kén/cơ sở/ngày.
Mục tiêu đến năm 2023, diện tích dâu tằm Lâm Đồng đạt khoảng 10.000 ha, trong đó 8.500 ha giống dâu mới, dâu lai, đạt sản lượng lá dâu khoảng 210.000 tấn, tương ứng với lượng kén 14.500 tấn.
Như vậy trong 3 năm tới, mỗi năm, tỉnh trồng mới 700 ha dâu, đạt bình quân 22 - 23 tấn/ha. Tương ứng mỗi năm phải nhập trên 200.000 hộp trứng giống tằm từ Nhật Bản, Trung Quốc đưa vào sản xuất (khoảng 70%; còn 30% giống trứng tằm trong nước, năng suất kén khoảng 40 - 45 kg/hộp.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng: “Đã có khoảng 10 tổ chức, cá nhân nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc cung ứng cho các cơ sở nuôi tằm trên địa bàn. Đây là khâu then chốt, nhưng cũng là khâu yếu nhất, thiếu bền vững nhất trong toàn bộ khâu sản xuất của ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng…”.
Thực tế việc nhập khẩu trứng giống tằm lưỡng hệ từ Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, chưa được kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, gây khó khăn trong quản lý. Trong khi đó, nhiều cơ sở chưa có kho lạnh bảo quản đạt yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến chất lượng trứng giống tằm không ổn định.
Để Lâm Đồng phát triển dâu tằm bền vững, trước hết Trung ương cần làm việc với Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Lâm Đồng được nhập khẩu chính ngạch giống trứng tằm.
Đồng thời, nhập khẩu giống trứng đạt yêu cầu từ các nước khác, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay.
Để đạt mục tiêu 30% trứng tằm lưỡng hệ sản xuất trong nước, Bộ Nông nghiệp nên sớm giao việc đầu tư nghiên cứu, thực nghiệm sản xuất chủ động tại chỗ nguồn giống đảm bảo chất lượng, để giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu đầu ra.
Khi chủ động trứng giống, ổn định vùng nguyên liệu, Lâm Đồng sẽ xây dựng khoảng 10 mô hình cơ giới hóa, tự động hóa trồng dâu nuôi tằm, và nhân rộng ra toàn tỉnh.
Tiếp theo, thành lập 3 mô hình liên kết sản xuất, gắn tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tơ lụa liên huyện. Riêng các địa bàn Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà, khuyến khích phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, gắn phát triển du lịch canh nông, sản phẩm OCOP Lâm Đồng.
Mặt khác, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tơ lụa thị trường trong nước và xuất khẩu; mở rộng kết nối hợp tác bền vững ngành dâu tằm tơ, thế mạnh khu vực Nam Tây Nguyên.
Đắk Lắk: Chia sẻ kinh nghiệm: Đổi mới sáng tạo ngành cà phê
Buôn Ma Thuột, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã Hội thảo thành công Dự án đổi mới sáng tạo ngành cà phê.
Trải nghiệm nếm thử hương vị cà phê
Đây là dự án đầu tiên vào khu vực tư nhân, do GIZ thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ). Nhằm thúc đẩy sáng kiến đổi mới trong lĩnh vực cà phê tại Ethiopia, Indonesia, Myanmar và Việt Nam.
Ở Việt Nam, Dự án thực hiện các giải pháp sáng tạo và có thể nhân rộng, nhằm giúp nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ tăng lợi nhuận và tiếp cận thị trường.
Giai đoạn 2019 - 2020, có 5 sáng kiến, gồm: Cải thiện hương vị cho cà phê chè Catimor; Tiếp cận thị trường đối với cà phê đặc sản Tây Nguyên; Nhà sấy năng lượng mặt trời để nâng cao chất lượng và lợi nhuận; Xét nghiệm đất di động để tối ưu hóa sử dụng phân bón; Mô hình kinh doanh sản xuất cà phê vi sinh.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê được trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia của GIZ. Những đối tác tham gia Dự án có cơ hội tìm hiểu về những sáng kiến độc đáo, xu hướng thị trường cà phê và vị trí tiêu dùng cà phê đặc sản hiện nay.
Ngoài ra, hội thảo còn dành thời gian thảo luận trực tuyến, giữa các quốc gia về một số chủ đề như: Kinh nghiệm đầu tư chuỗi cung ứng cà phê; Sáng kiến tiêu biểu tại Ethiopia, Indonesia, Myanmar và Việt Nam; Đối mặt với các thách thức cà phê đặc sản thông qua đổi mới sáng tạo; Lựa chọn bán hàng phù hợp.
Nhất là, làm thế nào để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính ổn định của cà phê; Tăng thu nhập cho người trồng; Hướng đến kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà sản xuất…
Hội thảo cũng là dịp để các nhà quản lý nhìn nhận những thách thức lớn nhất của ngành cà phê, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do mới.
Đặc biệt là khả năng cạnh tranh thị trường với các quốc gia đã và đang phát triển sản phẩm cà phê chế biến sâu. Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng phải phân tích kỹ từng thị trường thì mới hội nhập tốt.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã