"Cắm" 2 sổ đỏ vay tiền làm ăn
Mạc Tuấn Hải (33 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, rồi học Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải chuyên ngành cơ khí sửa chữa ôtô. Hải tâm sự, ngày xưa rất yêu thích các loại xe bốn bánh, thuộc làu làu công suất, các tính năng của từng loại xe... Tuy nhiên, trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện khắp các tỉnh thành phía Bắc, Hải quen và giao lưu cùng nhiều người đang làm trang trại thành công. Sau đó, anh trở lại tham quan các mô hình trang trại, tìm hiểu và rồi niềm đam mê nuôi trồng cũng ngấm dần...
Hệ thống đại lý phân phối các sản phẩm trong trang trại của Hải hiện đã lên tới hơn 20 cửa hàng và còn tiếp tục mở rộng. Bên cạnh đó, kênh bán hàng online qua website, mạng xã hội, các diễn đàn lớn cũng được anh chú trọng. Năm 2014, trang trại này đã được cấp chứng nhận VietGAP và được tham gia vào chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ của tỉnh Vĩnh Phúc.
"Từ chỗ mê 4 bánh, tôi đã chuyển sang mê 4 chân và 2 chân từ lúc nào không hay" - anh Hải cười nói.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, thay vì vào làm ở các công ty ôtô lớn thì Hải quyết định phóng chiếc xe máy cà tàng đi lang thang tìm hiểu kỹ hơn các trang trại nuôi lợn và gà đồi, rồi thường xuyên sang Trường Đại học Nông nghiệp học hỏi, tham khảo ý kiến các thầy, chuyên gia về chăn nuôi.
Cuối năm 2007, tình cờ Hải đi qua vùng Lập Thạch, Vĩnh Phúc, thấy nơi đây còn hoang vu rất thích hợp làm trang trại nên anh đã quyết định dừng chân để thực hiện kế hoạch ấp ủ bấy lâu. "Cũng nhờ lập nghiệp ở mảnh đất này mà tôi có duyên làm rể tại đây" - anh Hải cho hay.
Lúc mới làm, Hải mượn bạn bè 70 triệu đồng để nuôi thử nghiệm 20 con lợn rừng. Từ năm 2013, anh mới bắt tay vào đầu tư phát triển mạnh về nuôi gà và lợn sạch với số vốn bỏ ra gần 2 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng là 900 triệu đồng (vay từ 2 sổ đỏ, một của bố mẹ đẻ, một của bố mẹ vợ).
Thời gian đầu, do kinh nghiệm còn ít nên Hải gặp rất nhiều khó khăn như lợn, gà còi cọc do thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt, sản phẩm bán ra thị trường rất ít, do chưa tìm được khách hàng, trong khi chi phí chăn nuôi hàng ngày phải bỏ ra không hề nhỏ. Có những lúc anh kỹ sư trẻ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và muốn bỏ cuộc.
Thành ông chủ trang trại tiền tỷ
Nhưng với quyết tâm đeo bám niềm đam mê, rồi mọi khó khăn cũng trôi qua, Hải dần có kinh nghiệm hơn trong cách chăm sóc gà, lợn. Đàn vật nuôi của anh phát triển tốt hơn, đầu ra sản phẩm cũng khá ổn. Hiện tại, tổng đàn trong trang trại của Hải có hơn 7.000 con gà, 2.000 lợn, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng và tổ chức có nhu cầu mua nguyên con để sử dụng. Nhờ quy trình nuôi chặt chẽ, chăn thả hoàn toàn tự nhiên, nên chất lượng thịt lợn rừng của Hải được các nhà hàng tin tưởng và ưa chuộng.
Theo anh Hải, giá bán tuy cao hơn ở chợ khoảng 20% nhưng sản phẩm thịt gà, lợn và trứng của trang trại anh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy trình chăn nuôi sạch cộng với chất lượng thơm ngon nên bán rất chạy tại các đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch, nhận phản hồi tốt từ khách hàng đặt mua online.
Ông chủ trang trại trẻ này thông tin thêm, hiện nay, doanh thu trung bình mỗi tháng của trang trại đạt hơn 600 triệu đồng, tức mỗi năm khoảng 7,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho chăn nuôi sạch, khu giết mổ và đóng gói đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cùng hệ thống vận chuyển hàng từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội khá cao nên lợi nhuận hiện tại chỉ đạt khoảng 10%. "Trong thời gian tới, sau khi mở rộng thị trường và chạy hết công suất, chắc chắn lợi nhuận sẽ tăng thêm" - Hải kỳ vọng.
Nhờ việc kinh doanh thuận lợi, năm vừa rồi Hải đã có thể trả được khoản nợ ngân hàng và lấy ra được một sổ đỏ cho gia đình.
Để đạt được thành công ban đầu như ngày hôm nay, theo anh Hải thì chất lượng sản phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu. Và đó là thành quả của việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà cụ thể ở trang trại của anh là việc ứng dụng công nghệ EM (hệ vi sinh vật hữu ích) của Nhật Bản vào việc lên men để phối trộn thức ăn chăn nuôi hàng ngày từ nguồn tự nhiên như: Ngô, thóc, cám gạo, đỗ tương… Tuy chi phí có cao hơn chăn nuôi thông thường, nhưng lợn, gà ăn vào sẽ khoẻ mạnh hơn, chất lượng thịt cao hơn, đồng thời cũng đáp ứng yếu tố sạch mà Hải đang theo đuổi.
Nguồn tin: Hà Nguyễn/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã