Người dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tam Dương lần thứ XXIX đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tập trung vào đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh tạo điều kiện thu hút đầu tư; đồng thời, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo sự chuyển biến trong giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - trật tự xã hội; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch - vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Để thực hiện hiệu quả, đưa nghị quyết vào cuộc sống, huyện đã đổi mới công tác tuyên truyền, triển khai các mục tiêu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Lãnh đạo huyện đã xác định và lựa chọn chủ đề từng năm để định hướng, tập trung nguồn lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tập trung lãnh, chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng nông thôn mới, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các biện pháp phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông. Nhờ đó, kinh tế của huyện phát triển ổn định, quy mô và hiệu quả của nền kinh tế được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,4%/năm; cơ cấu kinh tế theo ngành và lĩnh vực tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp - xây dựng chiếm 55,9%, thương mại-dịch vụ chiếm 22,5%, nông-lâm-thủy sản còn 21,5%. Thu ngân sách trên địa bàn bình quân đạt 287 tỷ đồng/năm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.856,2 tỷ đồng, tăng 64,7% so với giai đoạn 2010-2015.
Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân hằng năm ước đạt 3.229,3 tỷ đồng. Khu vực sản xuất công nghiệp đã thu hút thêm trên 5.479 lao động. Hạ tầng Cụm kinh tế - xã hội Hợp Thịnh, Khu công nghiệp Tam Dương II (Khu A) tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất cho các doanh nghiệp. Toàn huyện hiện có 248 doanh nghiệp hoạt động, tăng 126 doanh nghiệp so với năm 2015. Các sản phẩm chính như gạch ốp lát, gạch nung, cấu kiện sản phẩm bê tông đúc sẵn, giày da xuất khẩu... có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương. Một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển ổn định.
Trong nhiệm kỳ, Tam Dương đã tập trung khai thác tốt nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 6.856,2 tỷ đồng, tăng 64,7% so với giai đoạn 2010-2015. Nhiều công trình trọng điểm của huyện theo chương trình khung đô thị Vĩnh Phúc đã từng bước được hoàn thiện, đưa vào sử dụng như: Đường vành đai khu công nghiệp Tam Dương 1, đường vành đai 2 (từ quốc lộ 2B – quốc lộ 2C), đường vành đai 3 (Hợp Thịnh – Đạo Tú), đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh, hệ thống điện chiếu sáng quốc lộ 2C… Một số công trình đang tiếp tục triển khai đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: Đường tránh phía Đông, phía Tây thị trấn Hợp Hòa; cải tạo nâng cấp Đường TL309B, TL305; đường nối thị trấn Lập Thạch – đường Hợp Châu, Đồng Tĩnh; Trường THCS xã Đồng Tĩnh; Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi huyện; công viên quảng trường huyện; Khu đô thị Thị trấn Hợp Hòa,... Đến nay, 90% các tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trên địa bàn được cứng hóa. Công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch được quan tâm chỉ đạo, chú trọng xây dựng quy hoạch đi trước một bước vừa tạo môi trường thu hút đầu tư, vừa làm cơ sở nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư và xây dựng. Trên địa bàn hiện có 1 thị trấn, 2 xã được công nhận là đô thị loại V; đã hoàn thiện quy hoạch cụm công nghiệp Hợp Thịnh, cụm công nghiệp Hoàng Lâu để thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương.
Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền huyện Tam Dương quan tâm đầu tư; việc huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng hợp lý và hiệu quả, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Giai đoạn 2015 – 2020, huyện đã hoàn thành xây dựng 5 xã còn lại đạt xã nông thôn mới với tổng số vốn đầu tư đạt 458,5 tỷ đồng.
Hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống điện được đầu tư xây dựng mới và cải tạo các trạm biến áp, đường dây hạ thế đạt chuẩn theo quy định thông qua các dự án KFW, dự án RELL mở rộng và các dự án khác. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống lưới điện đã bảo đảm đạt chuẩn. Hằng năm, tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Từ việc huy động các nguồn lực đầu tư, đến nay, toàn huyện đã xây mới, cải tạo nâng cấp được 8 chợ, tạo điều kiện để hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân thuận lợi, nâng cao đời sống của nhân dân trong xã và các vùng lân cận, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Với việc sử dụng hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 37 triệu/người/năm. Các trạm y tế cơ sở được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mua sắm đầy đủ trang thiết bị cần thiết, bảo đảm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cả 12/12 xã và hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới. Giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.
Trên 90% các tuyến giao thông nội đồng trên địa bàn huyện đã được cứng hóa
Những kết quả đạt được là tiền đề vững chắc để Tam Dương bước vào nhiệm kỳ mới 2020-2025. Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đồng thời, tập trung huy động hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư tạo năng lực giá trị tăng thêm cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Gắn phát triển với an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, tăng cường trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hồng Yến/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã