Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Nam Sách (Hải Dương) đã giúp hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, cải thiện thu nhập và đời sống, giúp hoàn thành tiêu chí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Nắm bắt nhu cầu của nông dân
Những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nam Sách đã đầu tư nghiên cứu, xây dựng giáo trình, giáo án, trang thiết bị dạy học để phục vụ tốt công tác đào tạo nghề ở địa phương.
Thực hiện Đề án 1956, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề cho trên 620 học viên là lao động nông thôn tại các xã trong huyện với các nghề chủ yếu: trồng trọt, điện nông thôn, cắt may, gốm…
Từ học nghề, học viên đã có sự thay đổi trong cách thức trồng trọt và chăn nuôi, biết bố trí cơ cấu cây, con phù hợp và đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất.
Dạy nghề phổ thông, theo kế hoạch của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, hàng năm Trung tâm dạy nghề cho trên dưới 1.500 học sinh THCS, 1.150 học sinh THPT được dạy nghề cơ bản, bước đầu tiếp cận lao động nghề nghiệp. Các nghề chủ yếu như: cắt may, điện dân dụng, tin học, nông nghiệp, gốm, trồng trọt.
Trung tâm đã thực hiện liên kết đào tạo trung cấp nghề với các trường Cao đẳng GTVT Đường thủy I; Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hà Nội, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Hà Nam, Cao đẳng Cơ giới và Xây dựng, với tổng 15/15 lớp, 713 học viên, các nghề chủ yếu như điện công nghiệp, kế toán, máy, tin, công nghệ ôtô…
Khó khăn trong tuyển sinh
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nam Sách, cho biết: Để thu hút đối tượng học nghề và công tác dạy nghề đạt kết quả, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền nâng cao nhận thức học nghề cho lao động nông thôn. Học nghề để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa; nội dung chương trình học nghề được biên soạn theo hướng kiến thức nông dân thực sự cần, giáo viên đưa ra phương pháp giảng dạy ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, học kết hợp với thực hành...
Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện để đào tạo nghề và hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm gặp khó trong công tác tuyển sinh, do một số công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động số lượng lớn, không yêu cầu về tay nghề. Kinh phí hoạt động còn hạn chế, rất mong cấp trên quan tâm bổ sung kinh phí cho hoạt động dạy nghề lao động nông thôn và đầu tư cơ sở vật chất cho dạy nghề phổ thông…, tạo điều kiện cho người học học tập tốt nhất.
Sự nỗ lực trong công tác đào tạo nghề ở Nam Sách không chỉ giúp nông dân tự tin làm giàu trên đồng ruộng tại quê hương mình, mà còn giúp các địa phương trong huyện hoàn thành tiêu chí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới..
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã