Trước khi trồng chanh tứ quý, trên diện tích 0,5 ha đất ruộng của gia đình, chị Đặng Thị Phương chủ yếu trồng lúa. Nhưng chị nhận thấy trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập lại thấp, nhất là những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Chị Phương cùng bạn bè đi tham quan và học hỏi một số mô hình trồng cây có hiệu quả ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó có trồng chanh tứ quý.
Nhận thấy cây chanh tứ quý phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương, dễ trồng, giá bán lại ổn định, năm 2018, chị Phương quyết định chuyển từ trồng lúa sang trồng chanh tứ quý cho đến nay.
Chị Phương chia sẻ, hiện tại, vườn chanh tứ quý của chị có hơn 1.200 gốc. Cây chanh tứ quý dễ trồng, phát triển nhanh, chỉ cần trồng khoảng 6 tháng là cây bắt đầu cho trái, có thể thu hoạch.
Nhưng để cây chanh tứ quý mang lại giá trị kinh tế lâu dài thì khoảng 1 năm mới cho cây để trái. Mỗi ngày chị Phương thu hoạch đều đặn 100kg trái chanh bán ra thị trường.
Chị bán trái chanh tứ quý với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, chị có thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng.
Không chỉ bán trái chanh, chị Phương còn chiết cành chanh để bán cây chanh tứ quý giống cho những hộ dân có nhu cầu với giá 10.000 đồng/cây.
Ngoài ra, chị còn lựa những trái chanh chín làm chanh muối để bán nhằm tăng thêm thu nhập. Hiện, đầu ra chủ yếu cho trái chanh là những người buôn bán nhỏ lẻ trong và ngoài xã. Gia đình chị nhờ đó có thu nhập ổn định, cải thiện.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng chanh tứ quý đem lại nên chị Phương vận động bà con trong ấp cùng trồng.
Đồng thời, chị nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh và hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây chanh như tỉa cành, bón phân để cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.
Theo chị Phương, cây chanh tứ quý cho trái quanh năm, năng suất ổn định, trồng trong nhiều năm thì vốn đầu tư sẽ giảm, lợi nhuận năm sau sẽ cao hơn năm trước.
Ông Đinh Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết, mô hình trồng chanh tứ quý rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt, trong tình hình xâm nhập mặn kéo dài như hiện nay. Do đó, xã sẽ cố gắng vận động bà con trên địa bàn xã nhân rộng mô hình trồng chanh tứ quý này.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai trên địa bàn, những năm qua, nông dân trên địa bàn xã Phước Trung đã mạnh dạn đầu tư và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi hơn 40 ha đất trồng lúa sang trồng các loại hoa màu khác mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Thùy Trang (Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang)/danviet.vn
https://danviet.vn/tien-giang-trong-loai-cay-gi-ra-trai-chum-ban-qua-quanh-nam-cham-nhan-ma-loi-30-trieu-thang-20210302235607425.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã