Học tập đạo đức HCM

Tin NN Tây Bắc: Triển vọng cây mắc ca ở Tuần Giáo

Thứ tư - 03/03/2021 00:17
Sau hơn 5 năm cây mắc ca được đưa vào trồng thí điểm trên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên), đến nay nhiều diện tích đã sinh trưởng và phát triển tốt.
mac-ca.jpg
Công nhân Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên chăm sóc diện tích cây mắc ca tại xã Quài Nưa. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

Sau hơn 5 năm cây mắc ca được đưa vào trồng thí điểm trên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên), đến nay nhiều diện tích đã sinh trưởng và phát triển tốt; 47ha mắc ca trồng thí điểm tại xã Quài Nưa đã bắt đầu cho bói quả với tỷ lệ đạt hơn 90% diện tích, sản lượng từ 3 - 4kg/cây.

Từ những kết quả bước đầu, huyện Tuần Giáo kỳ vọng mắc ca sẽ trở thành cây trồng mũi nhọn, mở ra cơ hội để người dân xóa đói giảm nghèo, góp phần cải tạo đất trống đồi núi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.

Dẫn chúng tôi mục sở thị khu vườn trồng mắc ca, ông Lù Văn Hiêng, bản Chăn (xã Quài Nưa) phấn khởi nói: “Tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, bạc màu, năm 2013 gia đình tôi quyết định trồng thử nghiệm gần 1ha cây mắc ca. Ðặc biệt, được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra, theo dõi sát sao, cây sau khi trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển tốt. Từ năm 2018, cây mắc ca đã bắt đầu ra hoa và cho lứa quả đầu tiên, đến năm 2020 trên diện tích gần 1ha, gia đình tôi thu hoạch hơn 4 tạ quả, xuất bán với giá 50 nghìn đồng/kg (quả tươi), mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng”.

Ông Lù Văn Hiêng cho biết thêm: Khi mới trồng thử nghiệm tôi rất băn khoăn về sự phù hợp của loại cây này. Tuy nhiên sau hơn 5 năm chăm sóc, cây bắt đầu ra quả, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước thì đó là tín hiệu đáng mừng, mở ra hi vọng về cây có khả năng xóa đói giảm nghèo cho gia đình nói riêng, người dân trong bản nói chung.

Ðể phát triển kinh tế, từ năm 2017 các hộ dân bản Phung (xã Quài Cang) đã tự nguyện góp đất, chuyển đổi hơn 100ha đất dốc bạc màu, đã bỏ hoang, sang trồng mắc ca. Anh Lò Duy Thiểm, Trưởng bản Phung cho biết: Sau hơn 4 năm trồng, đến nay cây sinh trưởng và phát triển ổn định. Bước sang năm thứ 5, trên 70% diện tích trồng mắc ca đã trổ hoa và bói quả lứa đầu tiên; dự kiến trong tháng 8 - 9 sẽ cho thu hoạch. Từ năm thứ 6 sẽ cho thu hoạch đại trà. Hi vọng rằng, loại cây mới này sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Ðặc biệt, ngoài góp đất trồng mắc ca, hiện trong bản có 8 lao động được Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên nhận vào làm công nhân với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; từ đó góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập cho người dân trong bản.

Bà Lò Thị Thủy, Trưởng phòng Hành chính (Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên) cho biết: Có thể khẳng định, dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Ðồng thời, phía Công ty đã và đang thực hiện hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của các hộ góp đất đúng với cam kết. Trong đó, ngoài số tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu tiên thì theo hợp đồng đến năm thứ 6 cây mắc ca chưa cho đủ sản phẩm thu hoạch Công ty sẽ hỗ trợ người dân tối thiểu gần 5,9 triệu đồng/ha. Công ty cam kết sau khi thu hoạch người dân được hưởng 15%/giá trị 1kg (quả tươi) trên diện tích đất góp. Hiện nay khi cây mắc ca sinh trưởng và phát triển ổn định, có sản lượng quả năm đầu tốt đã góp phần tạo thêm niềm tin cho người dân góp đất về nguồn thu nhập từ cây này.

Huyện Tuần Giáo có 1.400ha mắc ca. Trong đó, xã Quài Nưa: 600ha (trồng 168.000 cây); xã Quài Cang: 800ha (trồng 224.000 cây). Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Qua quá trình theo dõi, đánh giá cho thấy cây mắc ca trồng tại Tuần Giáo khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai; tốc độ và khả năng sinh trưởng tốt; tỷ lệ cây sống đạt trên 98%. Hiện 47ha mắc ca trồng thí điểm từ năm 2015 tại xã Quài Nưa đến nay đã bắt đầu có quả với tỷ lệ đạt hơn 90% diện tích, sản lượng từ 3 - 4kg/cây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Ngoài ra, từ khi triển khai, dự án đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động/năm để tham gia các hoạt động của dự án như: Trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác mắc ca. Với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng tương ứng từ 48 - 60 triệu đồng/năm.

Ta Gia phát triển nghề chăn nuôi thủy sản

Ta Gia (Than Uyên, Lai Châu) là xã vùng II có 12 bản với 967 hộ, 5.477 nhân khẩu, 3 dân tộc (Mông, Thái, Khơ Mú) cùng sinh sống đoàn kết. Nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Từ tháng 12 năm 2015 lòng hồ thủy điện Huổi Quảng được tích nước tạo nên một mặt hồ rộng lớn với tổng diện tích lòng hồ trên địa bàn xã là 385,6 ha, mực nước thường xuyên giữ ổn định, ít biến động cùng điều kiện khí hậu nóng ẩm, tạo thuận lợi để xã phát triển nghề chăn nuôi thủy sản, giúp người dân tăng thu nhập.

thuy-san-lai-chau.jpg

Thành viên Hợp tác xã Thanh niên xã Ta Gia (huyện Than Uyên) chăm sóc cá lồng. Ảnh: Báo Lai Châu.

Từ những lợi thế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền vận động Nhân dân hưởng ứng việc chăn nuôi thủy sản. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp của huyện khảo sát các địa điểm thích hợp để nuôi cá lồng; thực hiện các chính sách hỗ trợ như: làm lồng nuôi, cá giống. Lựa chọn những giống cá có giá trị kinh tế cao như: tầm, trắm, chép lai, rô phi đơn tính, trắm cỏ, lăng… để nuôi. Hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn cá đảm bảo cá được nuôi lồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo tính toán của một số bà con đang nuôi thì hiệu quả chăn nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá lồng trên mặt hồ thủy điện nói riêng cho giá trị kinh tế cao. Mỗi năm trừ chi phí 1 lồng thu khoảng gần 10 triệu đồng. Chị Lường Thị Thảo, bản Khem, xã Ta Gia chia sẻ: “Gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển 6 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng. Nguồn giống được gia đình mua ở cơ sở cung ứng con giống trên tỉnh với chủ yếu là loại cá: trắm, chép và rô phi. Nhờ chăm sóc tốt nên cá sinh trưởng nhanh cho thu nhập ổn định. Nhưng đầu ra đang là trăn trở, lo lắng của bà con vì chưa tìm được thị trường để xuất bán”.

Ông Lò Văn Chài – Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho biết: “Chính quyền xã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền tới bà con các chủ trương, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là các đề án, dự án của tỉnh, huyện về phát triển vùng nuôi trồng thủy sản. Vận động người dân đầu tư mở rộng nghề chăn nuôi thủy sản, để phát huy tiềm năng lợi thế của mặt nước lòng hồ thủy điện. Các tổ chức Hội luôn đồng hành cùng hội viên, bà con giúp trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư phát triển nuôi cá lồng để tăng thu nhập”.

OCOP nâng tầm thương hiệu nông sản Mường La

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện Mường La, đã thu hút nhiều nông dân, HTX tham gia với những sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu của huyện. Đến nay, Mường La đã có 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, được đánh giá đạt 3 đến 4 sao.

son-la.jpg

Thành viên HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú (Mường La) thu hoạch táo đại.

Từ món ăn đặc sản của của đồng bào dân tộc Thái, chị Lò Thị Thúy, chủ cơ sở sản xuất thịt bò hun khói Thúy Sương, bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong đã dành tâm huyết xây dựng sản phẩm thịt bò hun khói đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để có món thịt bò hun khói thơm ngon, chị Thúy cẩn thận, tỉ mỉ từ lựa chọn thịt, sơ chế, tẩm ướp nhiều loại gia vị, hun, sấy kỳ công. Quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng chất bảo quản, hóa chất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Lò Thị Thúy chia sẻ: Với mong muốn sản phẩm thịt hun khói đặc sản của dân tộc mình được nhiều người biết đến, tôi đã đăng ký sản phẩm OCOP. Trong quá trình xây dựng sản phẩm đạt OCOP, cơ sở được các đơn vị chuyên môn tư vấn để hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm khi tổ chức đánh giá; lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng... Từ ngày được công nhận OCOP cuối năm 2020, sản phẩm thịt hun khói của cơ sở ngày càng được nhiều người biết đến, đã có mặt tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh và bán ra một số tỉnh, thành phố, như: Lai Châu, Hà Nội, Hồ Chí Minh... Năm 2020, cơ sở chế biến, bán được 800 kg thịt bò hun khói, thu lãi gần 400 triệu đồng.

Triển khai chương trình OCOP, huyện Mường La đã ban hành kế hoạch, trong đó có định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa; ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn khác để đầu tư, hỗ trợ xây dựng sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm cấp huyện nhằm lựa chọn, đề xuất sản phẩm đánh giá cấp tỉnh và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

Yên Bái: Hơn 56.000 hộ gia đình, cá nhân được hưởng dịch vụ môi trường rừng

Ông Tô Xuân Quý - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đã có 56.332 hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân vùng cao.

rung.jpg

Ngoài ra, chính sách này cũng góp phần quan trọng chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Những năm trước đây khi chưa thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi ha rừng được chi trả rất thấp, mỗi năm khoảng 200 nghìn đồng/1 ha, nhưng từ khi thực hiện chính sách này số tiền chi trả đã tăng lên từ 600 đến 800 nghìn đồng/1 ha/năm.

Riêng trong năm 2020, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh Yên Bái đã tăng lên 114 tỷ đồng từ nguồn thu được của 26 nhà máy thủy điện, 9 công ty cung cấp nước sạch và 23 cơ sở sản xuất công nghiệp.

Sau hơn 8 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã có 56.332 hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh Yên Bái được hưởng lợi, gần 200 nghìn ha rừng được bảo vệ từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng.

Theo V.N (tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-tay-bac-trien-vong-cay-mac-ca-o-tuan-giao-post40861.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập113
  • Hôm nay24,611
  • Tháng hiện tại1,037,998
  • Tổng lượt truy cập91,101,391
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây