Hải Dương: Làm chủ quy trình kỹ thuật đưa nông sản vươn xa
Những năm gần đây, Hải Dương chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và nỗ lực để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với nông sản chủ lực.
Đến nay, Hải Dương đã có nhiều nông sản được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: cà rốt Đức Chính (Cẩm Giàng), gà đồi Chí Linh, vải thiều Thanh Hà, na Chí Linh, bưởi đào Thanh Hồng, ổi Liên Mạc, nếp cái hoa vàng Kinh Môn, rau an toàn Gia Lộc, hành tỏi Kinh Môn...
Sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, các sản phẩm tiếp tục được chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, khẳng định chất lượng, không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước mà một số còn vươn ra thị trường thế giới.
Câu chuyện trái vải và nhãn Hải Dương năm 2020 chinh phục thêm những thị trường có nhiều yêu cầu khắt khe như Nhật Bản là minh chứng sinh động cho thành công trong nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản của Hải Dương.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, Hải Dương đã xây dựng 23 vùng trồng nhãn, vải với diện tích 220 ha được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu quốc tế.
“Đến nay, có thể nói, Hải Dương đã làm chủ được quy trình kỹ thuật, đặc biệt là bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật trong sản xuất vải, nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Đây là cơ sở quan trọng khẳng định chất lượng và thương hiệu vải, nhãn của Hải Dương trên thị trường quốc tế, giảm bớt áp lực vào thị trường Trung Quốc”, bà Kiểm chia sẻ.
Chất lượng là khâu then chốt để nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Vì thế, trong những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất theo quy trình GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ được Hải Dương quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 215 mô hình trái cây, rau màu sản xuất theo quy trình VietGAP quy mô 5 ha/vùng trở lên, với tổng diện tích 1.282 ha.
Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng đang mang lại những kết quả bước đầu, giúp các địa phương của Hải Dương nâng tầm thương hiệu cho nông sản.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, hiện nay huyện đã có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương đánh giá, xếp hạng. Các sản phẩm gồm: gạo hữu cơ, rươi, cáy. Từ nay đến năm 2025, Tứ Kỳ xác định tiếp tục mở rộng quy mô các sản phẩm OCOP và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực; phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại.
Trên phạm vi toàn tỉnh, sau hơn một năm triển khai Đề án OCOP, số đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia ngày càng tăng. Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, năm 2019, tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho 13 sản phẩm OCOP; trong đó có 12 sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện cơ quan chuyên môn đang tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình. Phấn đấu hết năm 2020, tỉnh sẽ có thêm khoảng 70 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam khi nhiều dòng thuế đối với các mặt hàng rau, quả tươi được EU giảm về 0%. Tuy vậy, đây là thị trường khó tính, đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ. Với những nỗ lực về xây dựng thương hiệu, sản xuất theo chuỗi liên kết…, nông sản Hải Dương hứa hẹn sẽ tự tin cạnh tranh với các đối thủ trong quá trình chinh phục thị trường EU và nhiều thị trường khó tính mới.
Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các địa phương chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại cho nông sản. Việc kiểm soát chất lượng nông sản ngày càng được chú trọng. Nhờ đó, ngày càng nhiều nông sản Hải Dương được “xuất ngoại”.
Đơn cử, năm 2020, sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường khó tính đạt khoảng 1.500 tấn, tăng 1.000 tấn so với năm 2019. Năm 2020 cũng là năm Hải Dương trở thành tỉnh duy nhất của miền Bắc xuất khẩu thành công trái nhãn sang các thị trường Mỹ, Australia và Singapore.
Như vậy, đến nay vải và nhãn Hải Dương đã đến tay người tiêu dùng nhiều nước như: Nhật Bản, Singapore, Australia, Mỹ, Trung Đông, EU, Trung Quốc… Tổng giá trị sản xuất vải, nhãn năm 2020 của Hải Dương đạt khoảng 1.286 tỷ đồng; trong đó riêng vải đạt 1.166 tỷ đồng.
Cùng với vải, nhãn, thị trường xuất khẩu các nông sản chủ lực của tỉnh như hành, tỏi, cà rốt, ổi…, cũng ngày càng vươn xa. Đầu năm 2020, nông dân trồng cà rốt ở Hải Dương đã có một vụ mùa bội thu khi rất nhiều doanh nghiệp đổ về thu mua xuất khẩu cà rốt. Giá bán cà rốt tăng cao gấp đôi so với thời điểm giá cao nhất của năm trước đó. Riêng huyện Cẩm Giàng, có trên 20 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, xuất khẩu cà rốt. Hiện nay, cà rốt Hải Dương đã có mặt ở nhiều thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Đông…
Hiện tại, một số cơ sở sơ chế, chế biến lớn đang tiếp tục được xây dựng tại Cẩm Giàng, đáp ứng nhu cầu bảo quản và xuất khẩu, nâng cao giá trị cho cây cà rốt những năm tiếp theo.
Cũng trong năm 2020, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng đỏ đã thu mua và xuất khẩu 5 tấn ổi Thanh Hà sang Dubai. Một số doanh nghiệp khác cũng đang tìm hiểu, nghiên cứu để đưa trái ổi tiếp cận các thị trường lớn, tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản…
Thời gian này đang là cao điểm sản xuất vụ đông năm 2020-2021 của các địa phương trong tỉnh Hải Dương. Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương nhận định, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn có nhiều cơ hội cho nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm cây vụ đông. Bên cạnh chủ động thị trường trong nước, Hải Dương đang lên kế hoạch để đưa một số loại rau thế mạnh xuất khẩu.
Theo đó, ngành nông nghiệp Hải Dương đã đề nghị các địa phương tập trung cao độ hỗ trợ vùng liên kết, mở rộng diện tích cây vụ đông, tập trung tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất, tiêu thụ nông sản vụ Đông thông qua hợp đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng có văn bản gửi các địa phương yêu cầu mỗi xã, thị trấn ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết; các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện tối đa cho các công ty, siêu thị, thương lái tổ chức sản xuất, vận chuyển tiêu thụ nông sản vụ Đông cho nông dân.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đang xây dựng kế hoạch “Mở rộng vùng sản xuất rau màu đủ tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Australia và các thị trường khó tính trong năm 2021” trình Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện.
Hà Nội: Mở rộng mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao
Với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, Hà Nội đã tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất rau màu... Thành công từ các cách làm này đang tạo tiền đề quan trọng để ngành Nông nghiệp Thủ đô, các địa phương tiếp tục mở rộng nhiều mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Trên diện tích hơn 5ha đất, Hợp tác xã Rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã đầu tư khoảng 8.000m2 nhà màng, nhà lưới trồng các loại rau hữu cơ có giá trị kinh tế cao như: Cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng, rau cải, rau dền, bông hẹ...
Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý Đặng Thị Cuối chia sẻ: “Nhờ áp dụng phương pháp canh tác theo công nghệ cao, toàn bộ quy trình sản xuất rau hữu cơ không sử dụng thuốc và phân bón hóa học, hạn chế nhân công lao động, hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, năng suất cao, bảo đảm chất lượng nên được thị trường ưa chuộng. Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại này cho nông dân để cùng phát triển sản xuất”.
Tương tự, với việc chuyên canh rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) mạnh dạn xây dựng công trình trồng rau trong nhà kính diện tích 5.000m2, tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng (trong đó, huyện hỗ trợ 70%, xã viên đóng góp 30%). Công trình được thiết kế hiện đại, đồng bộ, tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng cho hay, từ hiệu quả của mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng gấp đôi diện tích.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, trong lĩnh vực trồng trọt, tại các vùng trồng rau của Hà Nội đã có 127ha nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Ngoài các mô hình điển hình nêu trên còn có mô hình sản xuất rau thủy canh của hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao của hộ gia đình ông Bùi Văn Trung, xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa)...
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, hiện toàn thành phố Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau đạt 12.000ha, chủng loại phong phú với trên 40 loại; sản lượng rau đạt gần 700.000 tấn/năm. Giai đoạn 2020-2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu sản xuất rau an toàn đạt 12.000ha...
Ngoài khuyến khích xây dựng các mô hình trồng rau công nghệ cao toàn phần, khép kín, Hà Nội vận động nông dân, các hợp tác xã áp dụng công nghệ từng phần như tưới tiết kiệm; sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để thực hiện mục tiêu mở rộng các mô hình rau ứng dụng công nghệ cao đạt từ 20% diện tích trở lên, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành rau, củ các loại...
Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, trong đó quan tâm đến chính sách đất đai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã "đầu tàu" về sản phẩm chủ lực; từ đó, tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực trồng rau trên địa bàn thành phố.
Thanh Hóa: Để ngành nông nghiệp phát triển an toàn
Toàn tỉnh hình thành được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích ước đạt 12,56 nghìn ha; trong đó, diện tích gieo trồng áp dụng quy trình VietGAP là 4.000ha. Bên cạnh đó, nhờ việc sản xuất theo hướng an toàn nên có 17% diện tích rau, quả được tiêu thụ thông qua 219 chuỗi cung ứng an toàn. Tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.960 tỷ đồng, chiếm 14,4% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, lợi nhuận bình quân khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha/vụ.
Cùng với trồng trọt, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm giảm tỷ lệ dịch bệnh do có biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thu nhập. Sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và các địa phương đã thúc đẩy hình thành và nhân rộng những mô hình chăn nuôi an toàn trong Nhân dân.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP, với sự tham gia của 1.925 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm thực hành sản xuất chăn nuôi tốt (GAHP), 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ, 6 trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình GAHP với quy mô 15.000 con lợn thịt/năm và có 1 sản phẩm chăn nuôi là “Trứng sạch Hiền Nhuần” của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Hiền Nhuần tại xã Đông Tiến (Đông Sơn) được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh...
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Đào Duy Hòa, thôn Phong Lương, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương), với quy mô 500 con/lứa và 100 lợn nái đã được cấp chứng nhận VietGAHP. Trang trại hoạt động theo quy trình khép kín, áp dụng khoa học - kỹ thuật. Khu chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, xa khu dân cư, chất thải chăn nuôi được phân loại, xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ông Hòa, cho biết: Chuồng nuôi được trang bị hệ thống làm mát không khí, quạt thông gió, quạt khử mùi, hệ thống nước uống tự động, hầm biogas xử lý chất thải. Tất cả đều được xây dựng theo quy trình khép kín nên vận hành rất thuận lợi, hiệu quả. Lịch tiêm phòng được ghi chép vào sổ cẩn thận. Lợn được nuôi theo công nghệ an toàn sinh học nên không chỉ lớn nhanh, chất lượng thịt tốt tạo ra một thương hiệu “lợn sạch”. Vì vậy bếp ăn trong các trường học bán trú trên địa bàn huyện và một số địa phương trong tỉnh tin dùng sản phẩm của trang trại.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức xây dựng và xác nhận 783 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung ứng qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận ước đạt 26,1%. Một số chuỗi được mở rộng, phát triển cả về quy mô, sản lượng cũng như thị trường tiêu thụ, nhờ đó giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn với giá ngoài thị trường từ 20 - 30%.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bảo đảm môi trường đang từng bước thay đổi nhận thức của người dân về tái cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Để đạt hiệu quả cao, ngoài việc hoàn thiện thủ tục hành chính, như: Rà soát các quy định, ban hành bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật để siết chặt quản lý chất lượng nông sản, cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào chế biến nông sản an toàn; thực hiện các chuỗi sản xuất liên kết tạo ra các nông sản an toàn. Ban hành quy định, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi và tổ chức triển khai, nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước và tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã