Sau cơn bão số 10 năm 2017, hàng chục ha ao tôm của Công ty TNHH Growbest ở xã Kỳ Nam thị xã Kỳ Anh, đã bị nước biển san phẳng. Do nằm sát biển, lại không có hệ thống đê kè bảo vệ, nên mùa mưa bão thực sự trở thành mối lo lớn của doanh nghiệp.
Con đê do Công ty TNHH Growbest đắp sau cơn bão số 10 năm 2017 |
Năm nay, dù bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng cho mình một tuyến đê bảo vệ riêng, song doanh nghiệp vẫn chưa hết lo lắng, bởi mức đầu tư có hạn, đê kè chỉ xây dựng trên phần đất doanh nghiệp được cấp. Vì vậy khi bão đổ bộ, nước biển dâng ngập úng diện tích nuôi là điều không thể tránh khỏi.
Ở xã Kỳ Nam, từ nhiều đời nay đê cát tự nhiên và rừng phi lao này đã trở thành tuyến đê bảo vệ cho hàng trăm hộ dân trong xã. Tuy nhiên hiện nay, do quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên nhiều khu vực bãi cát đã bị nước biển san phẳng, rừng phi lao hàng trăm tuổi cũng đã bị mất hơn 1/3 diện tích. Lo lắng cho tính mạng, tài sản của nhân dân, xã đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng, nhưng câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ.
Nhiều đoạn đê biển bị hư hỏng sau mưa bão các năm trước |
Việc đầu tư, tu bổ hệ thống các tuyến đê xung yếu hàng năm đều được tỉnh bố trí nguồn để thực hiện. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây đó là do việc bố trí, phân bổ nguồn thường vào nửa cuối năm, địa phương lại phải mất thời gian để tổ chức các bước đấu thầu, nên khi thi công thường lại trúng vào mùa mưa bão.
Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và công trình chậm phát huy được tác dụng. Dự án tuyến đê biển xã Thạch Kim là một ví dụ, sau nhiều thủ tục đến đầu tháng 9 dự án mới được triển khai, do thời gian này mưa gió diễn biến thất thường, nên các đơn vị thi công gần như không thể tập trung nhân lực để thi công công trình.
Việc tu bổ các tuyến đê đều chậm khi vào mùa mưa bão |
Một bất cập lớn hiện nay trong việc xây dựng, tu bổ các tuyên đê kè, đó là do nguồn kinh phí có hạn, nên việc đầu tư tu bổ. Vì vậy có tình trạng, đê kè hư hỏng lớn, nhưng nguồn vốn bố trí lại chỉ đủ tu sửa nhẹ, nên gần như việc tu bổ này cũng chỉ như muối bỏ bể. Bên cạnh đó, nhiều dự án đê kè được xây dựng dang dở, không khép kín nên cũng đã mất tác dụng phòng chống.
Theo con số thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện nay có hàng chục km tuyến đê sông, đê biển xung yếu bị hư hỏng, xuống cấp, cần được khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nên việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc nhiều công trình phòng chống lụt bão tiến độ thi công khá chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.
Phía sau mỗi tuyến đê sông, đê biển là tính mạng, tài sản, đất đai sản xuất của nhân dân. Việc nhiều tuyến đê sông, đê biển, hư hỏng xuống cấp đã trở thành nỗi lo lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương và của người dân trong mùa mưa lũ, và với thực trạng hiện nay, khi mưa bão đổ về nỗi lo vỡ đê, triều dâng gây ngập úng là điều khó tránh khỏi.
Nam Trung
http://hatinhtv.vn