Sau hơn 4 năm trồng, vất vả chăm sóc, gần 60 cây bưởi Phúc Trạch của gia đình anh Hồ Sỹ Tấn (thôn 10, xã Hà Linh) bắt đầu cho thu hoạch quả. Nhờ được chăm bón tốt, bưởi cho quả to, quả nhiều (trung bình mỗi cây từ 30 - 50 quả). Thế nhưng, nhiều thương lái đến hỏi mua đã khẳng định đây không phải giống bưởi Phúc Trạch chính hiệu.
Anh Tấn tâm sự: Năm 2014, gia đình đến Trung tâm giống cây bưởi Phúc Trạch (xã Phúc Trạch, Hương Khê) hỏi mua cây giống nhưng đơn vị đã hết. Trên đường về đến đoạn qua xã Hương Trà, thấy biển quảng cáo bán giống cây nên vợ chồng ghé vào mua hơn 60 cây bưởi Phúc Trạch ghép.
Đem về trồng, cây bưởi phát triển nhanh, phấn khởi nên gia đình ra sức chăm bón. Song đến khi ra quả (năm 2017), bưởi không ngon, ngọt, còn có vị đắng dù về hình thức quả vẫn đẹp nhưng quan sát kỹ thì hơi khác bưởi Phúc Trạch. Khi đó, gia đình đã có ý định chặt bỏ nhưng cố để thêm 1 năm nữa mong vớt vát phần nào.
"Kết quả mùa sau cũng không khá hơn mùa trước, bưởi chín muộn, quả vẫn xanh, tép khô, nhạt và có vị hơi đắng. Nhiều thương lái đến hỏi nhưng không ai mua vì họ cho rằng đây không phải bưởi Phúc Trạch. Chúng tôi tính chặt bỏ phần thân trên, ghép mắt bưởi Phúc Trạch vào hy vọng có thể cải thiện được trong những mùa tới" - anh Tấn buồn nói.
Ông Phạm Văn Thu, thôn 11 xã Hà Linh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Do mua giống bưởi Phúc Trạch không có nguồn gốc rõ ràng, sau 4 năm chăm bón, gia đình mới ngã ngửa vì bưởi "dỏm" và đành hái bưởi… cho bò ăn vì chất lượng quá kém.
Đang hí hoáy ghép những mắt bưởi Phúc Trạch mới vào thân cây cũ, ông Thu chia sẻ: Cả vườn có gần 60 cây cho năng suất 3.000 quả. Nếu trồng đúng giống, năm nay, ít nhất gia đình cũng có thu nhập trên 60 triệu đồng. Chất lượng bưởi như thế này, nếu "tuồn" ra thị trường cũng vớt vát được trên chục triệu đồng nhưng tôi quyết định không bán ra thị trường vì sẽ mất uy tín của thương hiệu bưởi Phúc Trạch. Mấy ngày qua, tôi đi học cách ghép cây để về ghép mắt bưởi Phúc Trạch thật vào nhằm khôi phục vườn bưởi. Nếu thuê ghép cũng phải mất đến 14 - 15 triệu đồng. Trong thôn, còn có gia đình anh Nguyễn Văn Thưởng cũng có gần 10 cây bưởi "dỏm" như tôi.
Cố tình chọn một quả bưởi to, bà Nguyễn Thị Tý, vợ ông Thu gọt cho chúng tôi xem. Theo quan sát, tép bưởi có màu trắng xanh (bưởi Phúc Trạch thật có màu trắng trong hoặc màu phớt hồng), khi ăn hơi khô, vị nhạt và hơi đắng.
Gặp giống kém chất lượng, phần thua thiệt luôn thuộc về nông dân. Tuy nhiên, mạnh dạn hái bỏ, chấp nhận thiệt hại kinh tế cá nhân để bảo vệ cho thương hiệu Bưởi Phúc Trạch như một số người dân xã Hà Linh là rất đáng ghi nhận. Họ là minh chứng rõ nhất cho người nông dân thời hiện đại, dám chấp nhận tổn thất cho sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa.
Mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp quản lý nguồn giống để người dân yên tâm sản xuất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã