Ông Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác khảo sát mô hình trồng rau, củ, quả trên đất cát hoang hóa ven biển tại huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Trong 2 ngày, Đoàn công tác đã dành 3 buổi để khảo sát 10 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trong đó có các HTX nông nghiệp có năng suất và hiệu quả cao.
Bức tranh HTX đã có đường nét
Hà Tĩnh có 799 HTX đang hoạt động (từ 2010 đến 2015 thành lập mới 512 HTX; hợp nhất, sáp nhập, giải thể 134 HTX), với 123.150 thành viên, vốn điều lệ trên 827 tỷ đồng (trung bình 1 tỷ đồng/HTX). Kết quả sau gần 2 năm kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực (ngày 01/7/2013), đã có 252 HTX thành lập mới.
Trong đó, có 441 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm 55,2%; 133 HTX hoạt động dịch vụ môi trường, chiếm 17%; 86 HTX hoạt động thương mại, dịch vụ tổng hợp; 72 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 20 HTX kinh doanh vận tải;…
Toàn tỉnh hiện có 812 tổ hợp tác với tổng số 11.355 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Trong giai đoạn 2010 - 2015 đã thành lập mới 518, giải thể 78 tổ hợp tác; có 34 tổ hợp tác đã phát triển thành HTX.
Đến nay, toàn tỉnh có 54 HTX, 25 tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi, liên kết với doanh nghiệp, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn; trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát hoang hóa; nuôi tôm công nghệ cao; chế biến nông sản, thủy sản.
Chính những HTX này đã và đang góp phần tích cực tham gia thực hiện Chương trình Nông thôn mới, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Nhận dạng những khó khăn
Tuy đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp, nhưng Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Võ Kim Cự nhận định số lượng HTX quy mô lớn trên địa bàn vẫn ít, HTX tập trung nhiều ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều HTX phát triển còn mang tính tự phát, chưa đăng ký hoạt động theo quy định nên trong quá trình hoạt động còn gặp nhiều khó khăn.
Chưa có chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh dài hạn, hiệu quả nên việc tiếp cận các nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại; công tác quản lý tài chính, quản trị còn yếu; trang thiết bị, kỹ thuật và công nghệ còn lạc hậu; nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao chiếm tỷ lệ thấp nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động còn thấp, chưa tạo được thương hiệu và sản phẩm có uy tín để tăng sức cạnh tranh và chiếm lĩnh, mở rộng thị trường.
Nhiều HTX chưa nhận thức đầy đủ về mức độ ảnh hưởng của toàn cầu hoá, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực tới nền kinh tế trong nước, trong tỉnh. Việc cập nhật, nắm bắt các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, quản lý và phát triển của HTX.
Việc chấp hành các chính sách pháp luật về lao động chưa thực sự nghiêm túc; thực hiện chính sách đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong một số HTX chưa tốt; tỷ lệ HTX tham gia các loại hình bảo hiểm cho người lao động còn thấp; nhiều HTX chưa thành lập các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên hoặc được thành lập nhưng hoạt động còn mang tính hình thức, kém hiệu quả.
Ông Nguyễn Thiện Nhân tại một cơ sở nuôi tôm tại huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh trong xây dựng và phát triển các mô hình HTX nông nghiệp. Hà Tĩnh đã đi tiên phong trong việc thành lập những HTX quy mô nhỏ từ 7-10 người do xã viên trực tiếp điều hành nhưng hoạt động tốt, hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, qua khảo sát thực tế cho thấy có 6 yếu tố quan trọng góp phần tạo tính ổn định, phát triển của nông nghiệp Hà Tĩnh. Đó là quyết tâm chính trị, quyết liệt trong thực hiện của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với phát triển nông nghiệp và xây dựng HTX kiểu mới; khâu quy hoạch được thực hiện tốt; hệ thống chính sách được xây dựng đồng bộ hỗ trợ vốn, tiêu thụ; quan tâm phát triển hạ tầng; chăm lo xây dựng các mô hình, điển hình; và sự liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp.
Muốn tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nền nông nghiệp thì không thể phát triển nhỏ lẻ, mà phải hợp tác chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất tập trung có quy hoạch, chế biến sâu. Các địa phương phải có mô hình để thực hiện và nhân rộng.
"Đó là lý do mà vừa qua, Đoàn công tác Trung ương đã khảo sát tại khắp các vùng miền trong cả nước để trả lời câu hỏi trong thực tiễn có mô hình gì, tiền đề gì thực hiện cơ cấu nông nghiệp hiệu quả", ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Từ thực tế khảo sát, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tìm được nhiều mô hình để tự tin phát động phong trào phát triển HTX kiểu mới trên cả nước. Bởi HTX nông nghiệp kiểu mới sẽ tạo động lực để phát triển ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Người đứng đầu MTTQ Việt Nam đề nghị tỉnh Hà Tĩnh có sơ kết 3 năm xây dựng HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012, để qua đó có sự phân loại rõ và định hướng phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, cần quan tâm đến việc liên kết giữa các HTX có nhu cầu giống nhau để hình thành Liên hiệp các HTX của tỉnh; quan tâm đến việc thành lập các HTX lâm nghiệp; có thống kê về tình hình cán bộ kỹ thuật có trình độ đang làm ở HTX và có kế hoạch "phủ chất xám" đến từng HTX...
* Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh.
Theo: baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã