Đổi thay trên những luống cày
Trên miền đất pha cát, cuộc sống người nông dân Xuân Mỹ (Nghi Xuân) dường như trôi chậm hơn với cây sắn, củ khoai. Nhưng hôm nay, cũng trên chính cánh đồng bạc màu đó, người nông dân đã thay đổi tư duy canh tác. Sức sống mới của nền sản xuất nông nghiệp đã hiện diện trên vùng đất cằn cỗi.
Nhờ thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nên hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích nông nghiệp được nhân lên nhiều lần. |
Trang trại của anh Lê Đức Thọ (thôn Hương Mỹ) được tiếp sức từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh cùng sự định hướng từ đề án phát triển sản xuất của xã, đã trở thành mô hình điển hình trồng cỏ nuôi bò. Với hơn 3 ha trồng cỏ, sau gần 2 năm bền bỉ áp dụng phương thức sản xuất mới đã cho gia đình anh “quả ngọt” đầu mùa. Theo tính toán, từ 30 con bò nái sinh sản và 50 con bò thịt, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng.
Chương trình cải tạo, phát triển đàn bò của Hội Nông dân tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đã giúp hàng trăm hộ dân ở Xuân Mỹ mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi. “Cái khó nhất của nuôi bò chính là vốn đầu tư ban đầu, tuy nhiên, khi có chính sách của Nhà nước về lãi suất vay và hỗ trợ 100% kinh phí mua giống trồng cỏ, chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi vùng đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cỏ để nuôi bò” - anh Hoàng Hữu Vân, (xóm Phúc Mỹ - Xuân Mỹ) cho biết thêm.
Theo thống kê của UBND xã Xuân Mỹ, hiện nay, trên địa bàn đã có hơn 100 hộ nuôi bò quy mô từ 5 con trở lên. Cùng với việc áp dụng phương thức chăn nuôi mới, người dân Xuân Mỹ đã xây dựng được 128 mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập từ 100 triệu đồng/mô hình/năm. Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Bình tâm đắc: “Nếu không có sự thay đổi tư duy để phát triển sản xuất thì Xuân Mỹ chưa chắc đã thoát được cái nghèo chứ nói chi đến việc 3 lần “xin” rút ngắn thời gian để về đích NTM trước thời hạn.
Kinh tế vườn lên ngôi
Trên diện tích hơn 2.000 m2, trước đây, khu vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (thôn Tân An, Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) chủ yếu trồng cây lưu niên. Do hiệu quả kinh tế thấp nên việc dành thời gian chăm sóc khu vườn cũng không được thường xuyên.
Xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) mở rộng diện tích trồng cỏ để phát triển chăn nuôi bò quy mô lớn |
“Hưởng ứng phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, trọng tâm là phát triển kinh tế vườn, được sự hướng dẫn của các kỹ sư Hội làm vườn và trang trại tỉnh, sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng hệ thống tưới nước phun mưa tiết kiệm và hệ thống cọc bê tông, chúng tôi đã đầu tư thêm 100 triệu đồng để cải tạo, quy hoạch lại các phân vùng sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất vườn. Trong 2.023 m2 đất sẵn có, gia đình dành 1.000 m2 để trồng rau - củ - quả, phần còn lại, ngoài nhà ở và công trình phụ là để chăn nuôi. Chúng tôi đã xây dựng bể biogas và hệ thống chuồng nuôi 50 con lợn, 300 con gà và 2 con trâu” - anh Hùng cho biết.
Cũng theo anh Nguyễn Văn Hùng, cái hay của phát triển kinh tế vườn không chỉ nằm ở mức thu nhập ổn định (gần 100 triệu đồng/năm) mà còn là việc đa dạng các sản phẩm để chủ động, linh hoạt trong tiếp cận thị trường. Ngoài ra, việc quy hoạch, chỉnh trang lại vườn hộ khiến cảnh quan, môi trường của ngôi nhà thêm gắn bó, gần gũi với thiên nhiên.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình - Nguyễn Thiên Toàn cho biết, từ 5 hộ xây dựng vườn mẫu ban đầu (quý I/2013), đến nay, toàn xã đã có gần 1.000 hộ cải tạo, xây dựng kinh tế vườn, trong đó, 235 hộ thực hiện quy hoạch theo quy chuẩn và có 100 vườn hộ cho thu nhập từ 150 triệu đồng/năm trở lên. Từ hiệu quả phát triển kinh tế vườn, xã Cẩm Bình đã thành lập Ban chỉ đạo nhằm nhân rộng mô hình trên toàn xã.
Theo kết quả kiểm tra tại 270 vườn mẫu trên địa bàn, thu nhập bình quân/vườn/năm đạt 51,4 triệu đồng (27,2 triệu đồng/1.000 m2 - gấp 4 lần trồng lúa). Đặc biệt, nhiều vườn cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập/vườn/năm đạt 300 triệu đồng, thu nhập trên đơn vị diện tích vườn đạt 50 triệu đồng/1.000m2/năm. Theo Phó Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh, thực tế kiểm tra tại các vườn mẫu được xây dựng theo quy chuẩn đã khẳng định tính hiệu quả của việc phát triển kinh tế vườn hộ, thay đổi tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, kết nối với thị trường, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng đất vườn, vừa tận dụng được lao động nhàn rỗi...
Sau 5 năm xây dựng NTM, tỉnh ta đã xây dựng mới hơn 7.000 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản (bình quân đạt 5,46%/năm), giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu đồng/ha (tăng 1,6 lần so với năm 2010). Đặc biệt, một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có chất lượng và sức cạnh tranh như: lợn, bò, hươu, tôm, sản xuất rau - củ - quả... đã khẳng định được giá trị kinh tế trên thị trường. Các hình thức tổ chức sản xuất cũng phát triển nhanh và đa dạng hơn, đã hình thành mới 919 doanh nghiệp (tăng 3,5 lần so với năm 2010), 429 HTX (tăng gần 1,5 lần) và 807 tổ hợp tác (tăng 160 lần), nâng tổng số hiện có lên 1.561 doanh nghiệp, 672 HTX và 812 tổ hợp tác. |
(Còn nữa)
Ngô Tuấn
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã