Cơ sở đóng tàu chờ… tàu
Hợp tác xã Đóng tàu Hải Hà (Thạch Kim - Lộc Hà) là một trong 2 cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh thẩm định, có quyết định công nhận đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo NĐ 67, nhưng gần 1 năm qua, cơ sở này chưa hề nhận được hợp đồng nào. “Sau khi được tỉnh công nhận đủ điều kiện để đóng tàu cá theo NĐ 67, chúng tôi đã tiến hành san lấp mặt bằng, mở rộng diện tích, đầu tư, nâng cấp phương tiện, máy móc để đóng tàu mới. Đội ngũ thợ thuyền cũng đã sẵn sàng nhưng cho đến nay, chưa có hợp đồng nào nên đành phải vừa chờ, vừa sửa chữa các loại tàu nhỏ phục vụ ngư dân trong vùng”, ông Lê Tiến Hải - Giám đốc HTX Đóng tàu Hải Hà cho biết.
HTX Đóng tàu Hải Hà được công nhận đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67 nhưng gần 1 năm qua chưa nhận được hợp đồng nào |
Theo chính sách hỗ trợ tín dụng đóng mới tàu cá theo NĐ 67, Hà Tĩnh được Bộ NN&PTNT phân bổ đóng mới 29 tàu cá, gồm 3 tàu dịch vụ, 26 tàu khai thác. Theo kế hoạch của tỉnh thì trong năm 2015, sẽ đóng mới 20 tàu và 2016 là 9 tàu. Tuy nhiên, cho đến nay, Hà Tĩnh chỉ mới phê duyệt được 4 đối tượng đăng ký đóng tàu vỏ thép có công suất từ 830-1.100 CV (3 tàu ở Xuân Hội - Nghi Xuân, 1 tàu ở Kỳ Lợi - Kỳ Anh) và các ngân hàng thương mại đã tiếp cận với 4 chủ tàu nhưng đến nay, vẫn chưa thể giải ngân.
Theo ông Trần Quốc Rạng (Xuân Hội), một trong 4 ngư dân được phê duyệt đóng tàu theo NĐ 67 thì đã tiến hành làm thủ tục đăng ký đóng tàu với thiết kế 1 tàu vỏ thép công suất trên 800 CV, tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Mặc dù đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục từ tháng 3 nhưng đến nay, vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay. Và trên thực tế, với tiến độ giải ngân chậm như hiện nay thì rất khó có thể hoàn thành kế hoạch đóng 20 chiếc tàu trong năm 2015.
Nguồn hỗ trợ chưa hấp dẫn
Có thể nói, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo NĐ 67 là do sự tiếp cận, thẩm định của các ngân hàng còn khá chậm. Để được hỗ trợ đóng tàu mới, các ngư dân phải đăng ký tại xã, sau đó, xã lập danh sách gửi huyện, huyện lại gửi Sở NN&PTNT để thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Tuy nhiên, công đoạn cuối cùng là phải chờ các ngân hàng tiếp cận chủ tàu, thẩm định hồ sơ, thủ tục, nếu không đảm bảo điều kiện thì ngân hàng sẽ không cho vay. Cho nên, rất nhiều ý kiến cho rằng, để NĐ 67 được triển khai nhanh thì các ngân hàng thương mại nên vào cuộc thẩm định ngay khi chính quyền cấp xã, huyện tổ chức đăng ký, xét duyệt.
Nghề đóng thuyền ở Trường Sơn (Đức Thọ) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động |
Một nguyên nhân quan trọng khác đó là chính sách hỗ trợ từ NĐ 67 chưa thật sự hấp dẫn ngư dân. Ông Nguyễn Hữu Sửu - Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Chi nhánh huyện Lộc Hà cho biết: “Theo phân bổ của tỉnh, Lộc Hà có 6 thuyền được đóng theo NĐ 67. Trong đó, năm 2015, đóng 4 chiếc và 2016 là 2 chiếc. Tuy nhiên, đến nay, dù ngân hàng đã 2 lần xuống tận các xã để nắm tình hình nhưng vẫn chưa có ngư dân nào đăng ký làm hồ sơ, xin hỗ trợ”.
Theo ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thì NĐ 67 ra đời với mục đích muốn tàu vươn khơi với máy móc, phương tiện hiện đại, đảm bảo an toàn cho ngư dân hành nghề, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, để đóng được tàu gỗ thì ngư dân phải có vốn đối ứng 30% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu, khiến cho ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc huy động. Hơn nữa, nếu để đóng tàu gỗ theo NĐ 67 với giá trị khoảng 5 tỷ đồng thì người dân cần có khoảng 1,5 tỷ đồng tiền đối ứng mới được vay 3,5 tỷ đồng. Với số tiền đối ứng 1,5 tỷ đồng, ngư dân có thể đóng được 1 tàu vỏ gỗ phù hợp với điều kiện luồng, lạch của địa phương mà không cần vay vốn ngân hàng. Chính điều này khiến cho NĐ 67 chưa hấp dẫn nhiều ngư dân.
Mặt khác, Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới đang là “lực hút” hấp dẫn hơn so với NĐ 67 của Chính phủ. Theo quy định của Nghị quyết 90 thì khi đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản, đối với tàu công suất từ 400 CV/chiếc trở lên, được tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu; từ 250 CV đến dưới 400 CV/chiếc, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu; 90 CV đến dưới 250 CV/chiếc, được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu. Hơn nữa, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 90 đơn giản, nhanh chóng hơn nhiều so với NĐ 67. Chính sự hấp dẫn, hiệu quả từ Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh nên ngư dân đều mong muốn khi đóng tàu mới được hỗ trợ từ NĐ 67 thì vẫn có thể được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 90.
Có thể nói, NĐ 67 đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao sản lượng, giá trị đánh bắt, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển. Tuy nhiên, đối với ngư dân Hà Tĩnh, với những khó khăn về nguồn vốn đối ứng, luồng lạch còn nhỏ, hẹp thì việc triển khai NĐ 67 còn gặp nhiều khó khăn.
Chính sách tín dụng theo NĐ 67: đóng mới tàu vỏ thép: chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 95% giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó, chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm; đóng mới tàu vỏ gỗ: chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 70% giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó, chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Thời hạn cho vay 11 năm, trong đó, năm đầu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. |
Phúc Quang – Thanh Hoài
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã