Có mặt tại xã Thạch Hải, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn những cánh đồng lạc, dưa đang phủ màu trắng xóa của nước. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trung Chiến: Toàn xã có 75 ha lạc và hơn 20 ha các loại dưa, trầu không, tập trung là thôn Liên Hải, Đại Hải gần như ngập hoàn toàn. Xã đang đi khảo sát ở các thôn để báo cáo tình hình thiệt hại lên huyện. Nguyên nhân của tình trạng ngập úng này là do hệ thống kênh tiêu úng không được đầu tư.
Đồng đậu ngâm trong nước |
Tại Thạch Lạc, nhiều diện tích bị ngập cục bộ, nhưng thiệt hại nặng nhất là thôn 1. Với 49 hộ dân, không sản xuất lúa, chỉ thuần túy trồng rau màu, bình quân mỗi hộ có hơn 1 mẫu đất trồng lạc, dưa. Đây là vụ thu hoạch chính, đem lại nguồn thu nhập cho cả năm. Xót xa bên ruộng dưa chỉ nay mai đã trở thành hàng hóa, ông Nguyễn Đình Diện cho biết: “Năm nay gần 60 tuổi, 2 ông bà làm 1 mẫu tư dưa và lạc. 6 sào dưa thì coi như mất trắng. 8 sào lạc thì ngập gần đến ngọn, nắng lên sẽ héo dần”.
Một người dân ở Liên Hải (Thạch Hải) xót xa khỉ khoảng 1 tuần nữa số dưa này sẽ cho thu hoạch |
Cùng tình cảnh như ông Diện là bà Trương Thị Thanh với 1 mẫu rưỡi dưa lê, dưa gang và lạc đang chung tình trạng. Bà Thanh nhìn ra ngoài trời chua xót: “Tháng 2 mưa lớn đã xóa sổ mất 6 sào, sau đó hai ông bà làm lại thì nay lại gặp trận lụt. Chưa năm nào tháng 3 lại có lụt. Mới hôm qua, ông nhà tôi vun hơn 8 vồng lạc, bón phân cho 1 sào dưa thì nay đã mất hết.”
Dưa gang của ông Diện thôn 1 (Thạch Lạc) bắt đầu vào thu hoạch, giờ phải chấp nhận mất hoàn toàn |
Một ruộng dư khác của ông Diện |
Bà Thanh còn cho hay, khoảng dăm ngày nữa là 3 sào dưa của bà sẽ cho thu hoạch, nhưng số diện tích này sẽ bị xóa sổ hoàn toàn. “Ở đất cát, sau khi bị ngập, nước rút, dưa sẽ chết hoàn toàn. Hầu như năm nào chúng tôi cũng chịu cảnh này” – bà Thanh rơm rớm.
Tại xã Thạch Khê, khi chúng tôi tìm đến xã thì đoàn cán bộ đã đi khảo sát ở các cánh đồng. Chủ tịch UBND xã Dương Đình Tiến cho biết: “Có 8/11 thôn có diện tích rau màu bị ngập úng, trong đó 6 thôn ngập nặng là Đan Khê, Tây Hồ, Long Tiến, Vĩnh Long, Tân Phú, Phúc Lan. Tổng diện tích rau màu hơn 100 ha gồm lạc, dưa gang, dưa lê nhìn chung đều bị ảnh hưởng, trong đó 30-40 ha gần như mất trắng. Đáng nói là chúng tôi có 3ha mô hình bầu sáp, vừa mới bón phân xong thì nay ngập trong nước”.
Người dân thôn Liên Hải (Thạch Hải) ngậm ngùi khi thành quả sắp đến ngày thu hoạch thì mất trắng |
Cũng trong vùng bãi ngang, các xã: Thạch Trị, Thạch Đỉnh, Thạch Văn đều chịu thiệt hại. Ở Thạch Trị, theo UBND xã, hơn 70ha rau màu các loại ở 7 thôn, trong đó bị ngập nặng nhất là ở các thôn Đại Tiến (vùng giáo), Toàn Thắng, Đồng Khánh. Ở Thạch Đỉnh, hơn 20 ha khoai và lạc cùng với hơn 3ha mô hình bí cùng chung tình trạng như các xã trong vùng. Ở Thạch Văn, số diện tích ít hơn nhưng cũng khoảng gần 40 ha rau màu và lúa chịu ảnh hưởng.
Trao đổi với lãnh đạo của các xã này, chúng tôi được biết, nguyên nhân ngập cục bộ là do không có kênh trục tiêu thoát nước. Lãnh đạo xã Thạch Hải cho biết, do không có kênh tưới nên hệ thống kênh tiêu úng cũng không được đầu tư. Vì thế, hễ mưa lớn là thường xảy ra ngập úng cục bộ. Đây cũng là tình trạng ở các thôn vùng đất cát bạc màu ở Thạch Lạc, Thạch Trị.
Người dân thôn Liên Hải (Thạch Hải) đánh cá ngay trên những ruộng dưa nhà mình |
Với người dân bãi ngang huyện Thạch Hà, tháng 3 âm lịch là mùa dưa cho thu hoạch. Dưa, lạc với nhiều vùng dân cư nơi đây được xem là lương thực vì đất cát bạc màu không thể trồng lúa, người dân trồng lạc và dưa để có nguồn thu, sau đó mua gạo từ những nơi khác. Cây rau màu quan trọng với họ là vậy song lâu nay, họ vẫn phải “đánh bạc” với trời vì không được đầu tư hạ tầng để cải thiện trong sản xuất.
Một số người dân thôn 1 (Thạch Lạc) cho rằng, vì không có kênh tưới nước nên không ai đầu tư kênh tiêu úng. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các cấp cần đầu tư cho người dân ở một số thôn đặc thù không thể trồng lúa, để những câu truyền miệng: “Bụng thì cứ nghĩ làm giàu/ Ai ngờ trận lụt theo sau đó giờ” của người dân sẽ dần quên lãng.
Mạnh Hà
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã