Hiệu quả từ dạy nghề ngắn hạn
3 ha đất cát của xã Thạch Khê (Thạch Hà) đang được bà con phủ xanh bằng những luống rau, củ, quả công nghệ cao. Dưới nắng gắt đầu hè, bác Phan Đình Tư (thôn Phúc Lan) vẫn cần mẫn chăm bón những luống rau bầu đang trong giai đoạn sinh trưởng. “Được hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón, lại được tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau gần 3 tháng nên gia đình bác mạnh dạn nhận 1,2 sào để phát triển sản xuất. Trước đây, bác cứ nghĩ trồng rau cần chi phải học, nhưng công nhận có học có hơn cháu à” - bác Tư chia sẻ.
Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề, ông Phan Đình Tư (thôn Phúc Lan, xã Thạch Khê) mạnh dạn đầu tư sản xuất với nhiều loại rau, củ, quả mới. |
Trên cơ sở lợi thế riêng có về những triền cát trắng dài tít tắp, chương trình đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn được tập trung đầu tư trong năm 2014. 7 lớp đào tạo trang bị những kiến thức cơ bản về trồng rau công nghệ cao, cách sử dụng phân bón, chăm sóc cây trồng… thu hút hơn 250 học viên tham gia. Tâm lý sản xuất theo hướng hiện đại dần được hình thành. “Tuân thủ quy trình chăm sóc rau, củ thì sản phẩm mới đáp ứng được đơn hàng của các công ty. Vậy nên, các bác mới phấn khởi đăng ký học để áp dụng vào sản xuất” - bác Nguyễn Thị Lan (thôn Phúc Lộc) cho hay.
Đến những hồ nuôi tôm của bà con xã Thạch Bàn, trong những ngày này, bà con đang gấp rút cải tạo ao hồ để chuẩn bị cho vụ nuôi tới. Tranh thủ nghỉ ngơi chờ bơm nước vào hồ, bác Nguyễn Phi Thắng - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Diêm Hải chia sẻ: “Trước đây, làm ăn xa quê, nhưng từ năm 2010, nhận thấy quê hương có điều kiện để phát triển kinh tế nên bác quyết định “hồi hương”. Được sự quan tâm, hỗ trợ vốn, mặt bằng sản xuất, đặc biệt là đào tạo nghề về nuôi trồng thủy sản nên hiện nay, HTX từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường”.
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn cho biết: “Để phát huy hiệu quả các chương trình dạy nghề cho bà con, chính quyền xã và các đơn vị liên quan xác định rõ hướng triển khai trên cơ sở đào tạo gắn với tiềm năng của địa phương. Theo đó, thời gian qua, xã chú trọng đào tạo các lớp về nuôi trồng thủy sản và đã cho kết quả khả quan. Hiện, toàn xã có đến 37 mô hình nuôi tôm thâm canh cho thu nhập khá, đặc biệt là tận dụng được lợi thế về diện tích mặt nước sẵn có”.
Theo số liệu từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà, năm 2014, có 12 lớp được mở với 412 học viên tham gia. Trong đó: nghề nông nghiệp 11 lớp (trồng rau an toàn, chăn nuôi gà, lợn; nuôi trồng thủy sản); nghề phi nông nghiệp 1 lớp/35 học viên nghề nề dân dụng, nâng tổng số lớp giai đoạn 2010-2014 tại các xã vùng mỏ lên 37 lớp với 1.108 lao động tham gia. “Mặc dù công tác đào tạo nghề đã có những kết quả khả quan, nhưng vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra như: việc áp dụng kiến thức đã được học vào quá trình sản xuất; khả năng nắm bắt thị trường; chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm... Thế nên, năm 2015, các đơn vị liên quan đã lên kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó, nhấn mạnh việc khảo sát nhu cầu học nghề và sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện để xây dựng kế hoạch sát với thực tế”, ông Nguyễn Trọng Thành - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thạch Hà cho biết.
Hướng mở cho đào tạo lâu dài
Cuộc họp mới nhất giữa lãnh đạo tỉnh và các đơn vị về những vấn đề liên quan đến mỏ sắt Thạch Khê, trong đó, nhiệm vụ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động vùng mỏ được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Theo đó, bên cạnh việc đào tạo ngắn hạn để giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho người dân là nhiệm vụ đào tạo dài hạn về kỹ thuật mỏ để đáp ứng được nhu cầu về lâu dài.
Được sự hỗ trợ vốn, mặt bằng và đào tạo nghề về nuôi trồng thủy sản nên HTX Diêm Hải đã dần khẳng định được chỗ đứng |
Ông Phan Xuân Hội - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn cho biết: “Sau khi triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, một số con em địa phương được tuyển đi đào tạo kỹ thuật Mỏ ở Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hồng Cẩm (Quảng Ninh) nhưng vì mỏ sắt Thạch Khê chưa đi vào khai thác cũng như những lý do khách quan khác nên số học viên đó không có cơ hội ứng dụng kiến thức được học trên quê hương”.
Tại cuộc họp trên, các đại biểu tham gia phân tích một số lý do và đưa ra những giải pháp khả thi như tích cực tuyên truyền để thu hút lao động quan tâm đến nghề đặc thù này, đặc biệt, việc đảm bảo đầu ra sau khi đào tạo được coi là cốt lõi để thực hiện.
“BQL dự án Mỏ sắt Thạch Khê đang yêu cầu Công ty CP Sắt Thạch Khê có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề dài hạn. Trong đó, chú trọng đến kế hoạch sử dụng lao động sau khi mỏ sắt đi vào hoạt động cũng như kế hoạch lập, tuyển dụng ưu tiên cho lao động vùng mỏ để đảm bảo ổn định, phát triển bền vững” - ông Nguyễn Hoài Sơn - Phó trưởng BQL dự án Mỏ sắt Thạch Khê cho biết.
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã