QUÊ NGHÈO THAY DA, ĐỔI THỊT
Đầu xuân 2015, chúng tôi lang thang qua huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngỡ ngàng khi những mái nhà tranh lụp xụp, những mái ngói thấp lè tè bám quốc lộ 1A 5 - 7 năm về trước ở các xã Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Phương, Kỳ Liên... đã biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói khang trang 2 - 3 tầng mọc san sát nhau. Anh Trần Hoàng Sơn, công nhân tại Công trường Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng dẫn tôi đi tham quan các xã ven khu kinh tế vỗ vai tôi nói, “đúng là không ai nghĩ vùng đất cằn đá sỏi như Kỳ Anh lại có ngày thay đổi, phát triển như hôm nay...”
Bà Trần Thị Hảo (87 tuổi, trú thôn Nhân Hòa, Kỳ Phương) kể, bà theo con trai di dời về khu tái định cư này từ 3 năm trước để nhường nơi ở cũ cho các dự án của khu kinh tế Vũng Áng. “Trước đây gia đình tui mần hơn 1 mẫu ruộng, lúa gạo thì nhiều nhưng chỉ ở nhà tranh thôi. Di dời về đây, nhận đền bù, con xây được nhà to, đẹp hơn…”. Theo bà Hảo, khu tái định cư này, trước đây là cánh đồng làm đậu, lạc, rất thưa dân cư, hoang vắng đến mức đêm đến nhiều người sợ không dám đi lại. Ấy thế mà, nay nhà cửa cao tầng san sát nhau như đô thị.
Mới ngoài 30 tuổi, anh Nguyễn Văn Hùng (trú xã Kỳ Long) đã có một cơ ngơi với căn nhà 2 gác rộng rãi, tiện nghi bám quốc lộ 1A. Anh cho biết, cha mẹ nhận được tiền đền bù rồi cho anh mua đất lên đây làm nhà, cưới vợ. Hiện anh đang mua ô tô tải và máy xúc cho đơn vị thi công trong khu kinh tế Vũng Áng thuê, tháng cũng kiếm được 40 - 50 triệu. Anh kể, từ khi có khu kinh tế Vũng Áng, thanh niên làm ăn ở xa đã trở về quê làm công nhân, bình quân tháng cũng có 7 - 8 triệu đồng. Những nguồn thu từ các thành viên gia đình, đã góp phần làm cho kinh tế gia đình tăng lên, bộ mặt làng quê đang thay đổi chóng mặt.
TẤP NẬP NƠI ĐẠI CÔNG TRƯỜNG
Khu kinh tế Vũng Áng đang là một đại công trường tấp nập, gần 40 ngàn lao động với tiếng máy gầm rú không có phút nào lặng, những đoàn xe tải nối đuôi nhau, những máy đào, máy xúc cần mẫn, những chiếc cần cẩu dài, cao vút và những ống khỏi nhà máy cao chọc trời... Để đáp ứng nguồn nguyên liệu khổng lồ cho đại công trường này, cả ngày lẫn đêm, hàng trăm xe tải nối đuôi nhau chở đất, đá, sắt thép, xi măng. Xe ra, vào náo nhiệt nhất là khu vực trước ngã ba Formosa. Dường như khu kinh tế Vũng Áng đã hút hết lượng xe tải của tỉnh Hà Tĩnh, thậm chí cả các tỉnh lân cận về đây. Đến mức, trong năm 2014, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và gần nhất, đầu tháng 1.2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã vào các mỏ đá ở Kỳ Anh để bắt và xử lý xe quá tải.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, đến cuối năm 2014, khu kinh tế Vũng Áng có 100 dự án đầu tư, trong đó 61 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 44.702 tỉ đồng; 39 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 16 tỉ USD. Một số đại dự án chú ý là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200MW đã hoàn thành chính thức phát điện thành công lên lưới điện quốc gia.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 và Vũng Áng 3 đang chuẩn bị triển khai xây dựng. Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa cũng đang đầu tư 10 tổ máy nhiệt điện với công suất hơn 1.500 MW. Dự án khu liên hợp gang thép đang đáp ứng đúng tiến độ cam kết, dự kiến quý 3.2015, lò số 1 đi vào sản xuất và tháng 6.2016 hoàn thành lò số 2.
Công trình cảng biển, giai đoạn 1 gồm 11 cầu cảng đáp ứng tàu 30 vạn tấn cập cảng, kè bảo vệ và đê chắn sóng; một số cầu cảng đã đi vào hoạt động, dự kiến hoàn thành tổng thể vào đầu năm 2016. Dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng có tổng mức đầu tư 4.415 tỷ đồng, khởi công cuối tháng 12.2011; giai đoạn 1 đã hoàn thành bảo đảm cung cấp nước công suất 40.000m3/ngày đêm đưa vào hoạt động đầu năm 2015 cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Hạng mục đập dâng Lạc Tiến cấp nước cho Formosa công suất 173.400 m3/ ngày đêm, hoàn thành và dự kiến xong các hạng mục công trình trong năm 2017. Đây là dự án lớn cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng với công suất 1.005.000m3/ngày đêm…
MỘT ĐÔ THỊ ĐANG HIỆN HỮU
Năm 2006, khu kinh tế Vũng Áng được thành lập gồm 9 xã Kỳ Trinh, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Nam, Kỳ Hà, Kỳ Ninh với diện tích gần 23.000ha. Theo thiết kế, ở đó gồm khu liên hợp luyện gang thép công suất 22 triệu tấn/năm; trung tâm Nhiệt điện 6.300MW; cảng nước sâu công suất 50 triệu tấn/năm vào năm 2015 và 82 triệu tấn/năm vào năm 2020; trung tâm lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn/năm; cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với 59 cầu cảng có thể cập cảng tàu có trọng tải 300.000 tấn…
Văn phòng Công ty Formosa tại Vũng Áng - Hà Tĩnh. Ảnh: Minh Lý |
Từ khi thành lập, cuộc sống của người dân 9 xã thuộc khu kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nhà cửa, hạ tầng, dịch vụ không ngừng phát triển. Dọc quốc lộ 1A đoạn qua các xã Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương... chúng tôi ghi nhận các loại dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu, cà phê... mọc lên như nấm. Ngay cả dịch vụ sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo cũng đua nhau xuất hiện- điều không tưởng đối với những cầu thủ chân đất nơi quê nghèo này khoảng 5 - 7 năm trước. Trên các ngã đường, xe cộ qua lại như nêm. Dù trên giấy tờ chưa phải, nhưng chúng tôi cảm nhận đây đã là một đô thị tấp nập, sôi động.
Ngày 19.1.2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có kế hoạch số 18 về việc điều chỉnh địa giới tăng đơn vị hành chính tỉnh Hà Tĩnh theo thông báo số 11 của Văn phòng Chính phủ ngày 16.1.2015. Theo đó, thị xã Kỳ Anh có 12 đơn vị hành chính gồm 9 xã thuộc khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Nam; thị trấn Kỳ Anh, và các xã Kỳ Hoa, Kỳ Hưng). Trong đó, có 6 phường trên cơ sở lấy nguyên địa giới hành chính là thị trấn Kỳ Anh và các xã: Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương.
Trung tâm hành chính thị xã mới đặt tại khu hành chính của huyện Kỳ Anh hiện tại, tương lai mở rộng thêm khu vực tại xã Kỳ Trinh. Địa giới hành chính huyện Kỳ Anh sau khi điều chỉnh gồm 21 đơn vị hành chính còn lại: Kỳ Bắc, Kỳ Phong, Kỳ Xuân, Kỳ Tiến, Kỳ Khang, Kỳ Giang, Kỳ Phú, Kỳ Đồng, Kỳ Trung, Kỳ Tây, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Hợp, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Văn, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Tân, Kỳ Châu, Kỳ Thư. Trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh sau khi chia tách dự kiến đặt tại xã Kỳ Đồng.
Từ lưng chừng đèo Ngang phóng tầm mắt ra xa, chợt thấy câu thơ “lác đác bên sông, rợ (chợ) mấy nhà” trong “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan đã là quá khứ rất xa. Trước mặt chúng tôi lúc này là một khu công nghiệp rộng lớn nhìn mỏi mắt, cạnh đó là những khu dân cư trải dài, nối nhau bằng những ngôi nhà cao tầng, mái ngói đỏ chót... Một đô thị, một thị xã, thậm chí một thành phố đang dần hiện hữu.
Theo Báo Lao động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã