Tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, ngành tiếp tục hoàn thiện các xã, huyện đã đạt tiêu chí, tăng tỷ lệ xã đạt nông thôn mới lên 60 - 70% và có khoảng 7 - 9 huyện đặt các tiêu chí huyện nông thôn mới. Các xã còn lại đặt từ 15 tiêu chí trở lên. Tập trung thực hiện tốt đề án mỗi xã một sản phẩm - OCOP, triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Triển khai các giải pháp nhằm không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hạ tầng kinh tế xã hội và bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 78/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 125% so với chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020. Hiện đã có huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2020, có thêm 2 huyện nữa đạt chuẩn nông thôn mới.
Các tiêu chí nông thôn mới được nâng lên và thực hiện khá đồng bộ, bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm. Đường giao thông liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 80%, 99% hộ sử dụng điện an toàn. Giải quyết việc làm cho khoảng 35 - 40 ngàn lao động/năm, sử dụng lao động qua đào tạo đạt 67%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 85%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện đã có 21 sản phẩm đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể, có nguồn gốc từ nông nghiệp, như: khóm Tắc Cậu, khô cá sặc rừng U Minh Thượng, sò huyết An Biên - An Minh, hồ tiêu Hà Tiên, gạo một bụi trắng U Minh Thượng, nước mắm Phú Quốc… Các sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, đều có giá cao hơn sản phẩm thông thường từ 15 đến 20% và dễ tiêu thụ.
Đã nghiên cứu thành công việc chọn tạo nhân giống lúa bằng công nghệ sinh học, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu mặn, chống chịu tốt với dịch bệnh, có cả cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, như: GKG 1, GKG 9… Ứng dụng mô hình nuôi tôm hai, ba giai đoạn, nuôi cá lồng ngoài khơi, mô hình sản xuất lúa hữu cơ, mô hình tôm - lúa… cho hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo điều kiện của từng vùng sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với sự tham gia của các doanh nghiệp, để liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi đặc trưng của tỉnh, có năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung phát triển 2 ngành hàng chủ lực, có tỷ trọng lớn của tỉnh đó là lúa gạo và thủy sản. Hình thành cánh đồng lớn theo từng loại ngành hàng nông nghiệp, mà trước mắt là cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, để liên kết sản xuất - tiêu thụ. Tổ chức lại sản xuất trên vùng biển ven bờ và vùng lộng, vùng khơi, phát triển hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.
Triển khai mạnh các cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, thông thoáng để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo đại diện Sở NN-PTNT Kiên Giang, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản được hơn 42 ngàn ha. Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm là trên 5 ngàn ha, chuyển sang cây lâu năm là gần 2 ngàn ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là hơn 35 ngàn ha.
Các huyện tập trung chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản với diện tích lớn, như: An Biên 26 ngàn ha, Vĩnh Thuận 6 ngàn ha, U Minh Thượng 1.500 ha. Chuyển đổi đất trồng lúa sang cây hàng năm, gồm: Giồng Riềng 1 ngàn ha, Vĩnh Thuận 800 ha, Hòn Đất 700 ha, Giang Thành hơn 600 ha, Rạch Giá 600 ha, Tân Hiệp 450 ha.
“Hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn thành, hệ thống kênh thoát lũ, dẫn ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, đáp ứng tới tiêu, ngăn mặn, phục vụ sản xuất 2 vụ lúa ổn định. Đặc biệt là hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, sẽ được hoàn thành và sớm đưa vào vận hành trong năm 2021, góp phần điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn của vùng bán đảo Cà Mau và vùng Tây Sông Hậu”.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và điều kiện tự nhiên đã mang lại hiệu quả cao hơn. Đồng thời tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất.
Tổng diện tích gieo trồng và thu hoạch lúa năm 2019, đạt trên 722 ngàn ha, sản lượng thu hoạch đạt 4,28 triệu tấn, năm 2020 ước đạt khoảng 4,3 triệu tấn. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao tăng từng năm, năm 2019 đạt trên 520 ngàn ha và dự kiến năm 2000 đạt trên 600 ngàn ha, chiếm hơn 80% diện tích gieo trồng.
Lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 692 ngàn tấn. Trong đó, nuôi trồng thủy sản ước đạt 267 ngàn tấn, tăng 71 ngàn tấn so với năm 2016. Riêng tôm nuôi nước lợ ước đạt 82 ngàn tấn. Đã chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất trên biển và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng, bảo quản và chế biến thủy sản.
Kiên Giang đã chú trọng giảm đội tàu nhỏ, khai thác ven bờ, giảm sản lượng khai thác, nhằm góp phần phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản. Tập trung phát triển nhanh hình thức nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái, là hướng phát triển có nhiều ưu điểm nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên, tăng năng suất, sản lượng. Đến năm 2020, tăng hơn 50% về diện tích và tăng gần 87% về sản lượng so với năm 2016. Nuôi cá lồng bè tăng 70% về số lượng và tăng 87% về sản lượng.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hợp tác liên kết sản xuất, bảo quản chế biến, gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm 2020, toàn tỉnh sản xuất lúa chất lượng cao ước đạt trên 80% diện tích gieo trồng đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về cây trồng, vật nuôi…
Giai đoạn 2021-2025, nhành nông nghiệp Kiên Giang đặt mục tiêu duy trì sản xuất lương thực đạt sản lượng từ 4 - 4,2 triệu tấn/năm, trong đó, sản lượng lúa đạt 3,8 - 4 triệu tấn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800 ngàn tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 375 ngàn tấn, riêng tôm nuôi đạt 100 ngàn tấn. Giá trị sản lượng trên 1 ha đất nông nghiệp đạt khoảng 130 - 170 triệu đồng, trong đó giá trị sản lượng bình quân trồng trọt đạt 100 - 110 triệu đồng/ha.
Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa tập trung
Kiên Giang sẽ rà soát, điều chỉnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Hướng đến tới một nền nông nghiệp hàng hóa tập trung và hội nhập quốc tế. Tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, bảo quản chế biến, đến tiêu thụ nông sản, để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, đặc biệt là kêu gọi đầu tư phát triển nuôi biển khơi. PHÚC NGHI
Theo Đ.T.Chánh - Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/san-pham-ocop--dong-luc-xay-dung-nong-thon-moi-kien-giang-d277360.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã