Diễn đàn nhằm đánh giá hiện trạng sản xuất, tiêu thụ cây chè cả nước trong thời gian qua; định hướng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chè trong thời gian tới.
Thái Nguyên đẩy mạnh liên kết sản xuất
Là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, địa hình của tỉnh Thái Nguyên ít bị chia cắt so với các tỉnh miền núi khác trong vùng, có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực. Ngoài những thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, tỉnh Thái Nguyên còn có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Hầu hết diện tích chè của Thái Nguyên được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế (VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, hữu cơ...). Đến năm 2020, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP toàn tỉnh đạt 2.468 ha (tăng 1.826 ha so với năm 2015).
Để nâng tầm cây chè theo hướng hữu cơ trong thời gian tới, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Trước mắt tỉnh đã xây dựng đề án phát triển các sản phẩm chủ lực; trong đó phát triển cây chè đóng vai trò mang tính đột phá, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp sản xuất chè cần đẩy mạnh liên kết sản xuất vừa đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong canh tác, chế biến, bảo quản chè, tỉnh đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình về sản xuất chè an toàn, hữu cơ. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ định hướng thị trường, mời gọi các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm trà, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng chè Thái Nguyên đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm trà, đáp ứng các hàng rào kỹ thuật hội nhập...
Nhiều hạn chế, thách thức
Chè là một trong những cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Cây chè thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của vùng trung du, miền núi. Ở Việt Nam, chè được trồng tại 34 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung tại một số tỉnh như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lâm Đồng,...
Mô hình sản xuất chè an toàn tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích chè tuy có xu hướng giảm do một số diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất thấp đã được chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Tính đến hết năm 2019 đạt khoảng 123 nghìn hecta (trong đó khoảng 115 nghìn hecta chè kinh doanh), giảm khoảng 10 nghìn hecta so với năm 2015 (năm 2015 đạt 133 nghìn hecta) nhưng năng suất và sản lượng chè ngày càng tăng: năng suất chè đạt 94,8 tạ/ha (năng suất chè đạt cao nhất từ trước đến nay), cao hơn so với 2018 là 4,4 tạ/ha; sản lượng chè đạt trên 1,02 triệu tấn, tăng khoảng 32 nghìn tấn so với năm 2018.
Về xuất khẩu chè, năm 2019 đạt 136 nghìn tấn, giá trị 235 triệu USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 13,5% về giá trị so với năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2019 ước đạt 1.730 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2018.
Tuy nhiên, trước tình hình hội nhập sâu rộng, cạnh tranh gay gắt trên thị trường chè thế giới hiện nay, các nước nhập khẩu chè ngày càng siết chặt hàng rào kỹ thuật, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, sản xuất chè của Việt Nam cơ bản vẫn là sản xuất nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nhận thức của người dân còn hạn chế dẫn đến chưa thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật.
Do chưa có những nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, về giải pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh còn hạn chế, chưa có nhiều loại thuốc sinh học, thảo mộc phòng trừ sâu bệnh hại chè hiệu quả. Vì vậy, tình trạng lạm dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật diễn ra phổ biến khiến chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, khó tiêu thụ, thực tế đã có những lô hàng xuất khẩu bị trả về do chất lượng kém.
Xu thế tất yếu
Từ những tồn tại trên, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khẳng định: Trước nhu cầu khắt khe của thị trường và người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm an toàn như hiện nay, việc chuyển hướng sang nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có chè, là xu thế tất yếu. Đây được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập và hướng tới nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chè trên toàn quốc, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, các địa phương cần đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành các chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hình thành vùng sản xuất chè hàng hóa chất lượng cao, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã