Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease - RHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Calici thuộc họ Caliciviridae, giống Lagovirus gây ra. Virus gây bệnh có đường kính 32 - 35 mm, vỏ protein capside gồm 2 mảnh nối với nhau bởi vùng bản lề: đầu tận cùng N 200 - 250 nằm ở bên trong, đầu C 200 - 250 ở phía bên ngoài và nhô ra.
Người nuôi chủ động các biện pháp phòng bệnh cho thỏ Ảnh: CTV
Bệnh được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1984 (Cooke.B.D, 2002) đã làm chết 140 triệu con thỏ ở các nông trại, sau đó bệnh lây lan sang Hàn Quốc vào năm 1985. Ở nước ta, năm 2000 một bệnh lạ xuất hiện trên thỏ và đã được Trung tâm chuẩn đoán quốc gia xác định là bệnh xuất huyết thỏ (Phạm Thành Long và Phương Song Liên, 2004). Sau đó, bệnh lây lan trên diện rộng và đến tháng 4/2003 hàng chục nghìn thỏ nuôi ở các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh bị nhiễm bệnh và chết.
Loài cảm nhiễm: Thỏ nuôi và thỏ hoang dại đều có thể mắc bệnh. Thỏ bị bệnh có tỷ lệ chết cao 80 - 100%.
Lứa tuổi mắc bệnh: thỏ trên 50 ngày tuổi, thỏ nái và thỏ sinh sản đặc biệt mẫn cảm với virus (OIE, 2000). Thỏ dưới 50 ngày tuổi ít nhạy cảm với bệnh.
Mùa vụ mắc bệnh: Xảy ra quanh năm.
Đường lây truyền: Bệnh có thể lây trực tiếp do tiếp xúc trực tiếp với thú bệnh hoặc gián tiếp thông qua xác thú đông lạnh hoặc các sản phẩm từ thỏ bệnh; Lây qua trang thiết bị, thức ăn bị nhiễm mầm bệnh, nước uống. Côn trùng, gặm nhấm có thể là véc tơ mang virus (Nathtaz, 2007).
Bệnh xảy ra rất nhanh, nhiều trường hợp thỏ không có biểu hiện gì trước khi chết. Thời gian nung bệnh ngắn, thông thường 1 - 3 ngày. Khi chết, tất cả đều có tư thế rất giống nhau đó là đầu hất về phía sau. Tùy vào độc lực, số lượng vi khuẩn và sức đề kháng của thỏ mà bệnh có nhiều thể khác nhau: thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính.
Thể quá cấp tính: Thỏ chết đột ngột sau khi bị nhiễm 10 - 12 giờ. Các biểu hiện rõ nhất là thỏ chạy nhảy, giãy giụa mạnh và kêu la trong chuồng trước khi chết. Thể này thường gặp vào giai đoạn đầu của ổ dịch.
Thể cấp tính: Biểu hiện sốt cao (trên 400 C), khó thở. Thỏ suy nhược, khát nước, bỏ ăn chỉ 3 - 4 giờ trước khi chết. Ngoài ra, thỏ có biểu hiện lờ đờ, di chuyển chậm chạp, trước khi chết trở nên bị kích động, chạy khắp chuồng, co giật, kêu ré lên, phân sệt đen kéo thành sợi và có dịch nhờn ở hậu môn. Một vài thỏ trong xoang mũi có dịch lẫn máu và bọt dẫn đến biểu hiện nghẹt thở. Thể này thường xảy ra ở giai đoạn giữa của vụ dịch.
Thể mãn tính: Thỏ có biểu hiện lờ đờ, giảm ăn và biếng ăn trong 1 - 2 ngày, biểu hiện gầy mòn, xù lông và tử vong. Ở thể này, thỏ trở thành thể mang trùng và có thể phát tán virus.
Bệnh tích vi thể: Các tế bào gan hoại tử, trong phế nang và tiểu cầu thận có nhiều cục huyết khối. Bệnh tích đại thể: Được quan sát ở nhiều cơ quan khác nhau. Tổ chức dưới da bị xuất huyết điểm; Gan, thận, lách của thỏ bệnh sưng to, xung huyết, xuất huyết; Hệ hô hấp xung huyết, xuất huyết và chứa nhiều bọt khí, dịch nhầy; Dạ dày, màng treo ruột xuất huyết…
bệnh Chuẩn đoán lâm sàng: Dựa vào lứa tuổi, triệu chứng và một số bệnh tích. Lưu ý phân biệt với bệnh tụ huyết trùng thể cấp tính (Pasteurella multocida), cầu trùng, ngộ độc… Chuẩn đoán phòng thí nghiệm: Virus gây bệnh không thể nhân lên trên phôi trứng hay môi trường tế bào nên việc phân lập virus là hoàn toàn không thích hợp. Để phát hiện kháng nguyên, một số các phương pháp sau có thể được dùng: phản ứng ngưng kết hồng cầu (HA), phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch, phương pháp ELISA, kỹ thuật PCR (Morisse và ctv, 1991).
Phương pháp lấy mẫu: Mẫu bệnh phẩm là huyết thanh chuẩn đoán thỏ mắc bệnh. Đối với thỏ chưa được tiêm phòng bệnh xuất huyết, mẫu được lấy sau khi thỏ có triệu chứng lâm sàng tối thiểu 10 ngày trở đi. Sau 3 - 4 tuần đối với thỏ đã tiêm phòng bệnh xuất huyết thỏ để phát hiện kháng thể. Lấy 5 - 10 mẫu huyết thanh. Mẫu được lấy ngay sau khi mổ khám, đựng vào lọ hoặc túi nilon sạch có dán nhãn, ghi ngày lấy mẫu, địa điểm lấy mẫu, chủ vật nuôi, lứa tuổi. Mẫu được bảo quản ở nhiệt độ từ 40 C - 80 C và gửi đến phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt, chậm nhất là 48 giờ và có kèm theo phiếu gửi bệnh phẩm (theo TCVN 8400-6:2011).
Bệnh do virus gây ra nên điều trị không có kết quả, chủ yếu là người nuôi chủ động các biện pháp phòng bệnh. Trong quá trình nuôi, lưu ý thực hiện một số biện pháp an toàn sinh học như: con giống trước khi nhập về nuôi cần được kiểm dịch rõ ràng, cách ly ít nhất 1 tháng mới cho nhập vào đàn; Tuyệt đối không nhập thịt thỏ, con giống hay thức ăn tại những vùng đang có dịch bệnh. Đảm bảo quá trình vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc tốt. Cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ thành phần dinh dưỡng, sạch sẽ, hợp lý. Định kỳ tiêu độc, sát trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi. Biện pháp quan trọng đó là tiêm vaccine phòng bệnh cho thỏ. Hiện, ở Việt Nam có hai nơi sản xuất vaccine phòng bệnh xuất huyết thỏ gồm: (Trung tâm chuẩn đoán thú y Trung ương) và vCông ty thuốc thú y Trung ương Navetco Tp Hồ Chí Minh. Vaccine vô hoạt có dạng keo phèn, tiêm cho thỏ trên 2 tháng tuổi, tiêm dưới da cổ hoặc tiêm bắp 1 ml/con. Tiến hành tiêm định kỳ cho thỏ 2 lần/năm. Đối với những đàn thỏ chưa tiêm lần nào cần tiêm lần 1 hai mũi. Mũi 2 cách mũi 1 thời gian 14 ngày để nâng cao khả năng miễn dịch. Sau 6 tháng tiêm lần 2. Khi có dịch bệnh xảy ra, việc đầu tiên phải thực hiện là cách ly thỏ bị bệnh với thỏ khỏe mạnh. Tiến hành quét dọn vệ sinh chuồng trại, chất thải, dụng cụ và lối ra vào chuồng trại bằng các chất sát trùng theo hướng dẫn của cán bộ. Công nhân phải thay trang phục bảo hộ và tắm rửa sạch sẽ trước khi ra khỏi trại. Thực hiện các biện pháp tăng sức đề kháng cho những thỏ khỏe mạnh. Thỏ bệnh, thỏ chết phải đốt xác hoặc chôn sâu giữa hai lớp vôi bột. Báo cáo ngay với cơ quan thú y để có biện pháp xử lý an toàn.
>> Virus xâm nhập vào gan, ruột non, các mô lympho chủ yếu qua đường hô hấp và tiêu hóa, từ đó gây tổn thương các bộ phận này. Tiếp đến, chúng xuyên qua thành mạch và vào máu. Tại đây, chúng làm hình thành nên các cục huyết khối gây bại huyết, xuất huyết và làm chết thỏ. |
Nguồn: nguoichannuoi.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã