Theo số liệu báo cáo từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tại cuộc họp, hiện trên cả nước có hơn 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc đã tăng 33%. Nếu tính theo số ca mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 trên cả nước, chỉ sau TP.HCM.
Tính đến 09/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận 13.982 ca mắc, trong đó có 7 ca tử vong; số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016 do dịch đến sớm hơn 3 tháng.
Hà Nội đã ghi nhận 1.538 ổ dịch, tổng số bệnh trong ổ dịch là 3.580 bệnh nhân (chiếm 25.6%); trong đó hầu hết là các ổ dịch nhỏ, cụ thể: 1191 ổ (77%) có 1-2 bệnh nhân; 272 ổ (18%) có 3-5 bệnh nhân; 50 ổ (3%) có 6 - 10 bệnh nhân; 25 ổ có trên 10 bệnh nhân. Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa kết thúc, phân bố chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu trong cuộc họp: “Các cơ quan, các địa phương vào cuộc quyết liệt nhưng chưa hiệu quả. Tại sao các ca mắc nhiều, tăng mạnh mặc dù đã quyết liệt phòng chống dịch, bệnh nhân nhập viện vẫn có xu hướng tăng, để xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng?”.
Trả lời Bộ trưởng, ông Hoàng Đức Hạnh, PGĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Nguyên nhân khách quan gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư đông, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh. Trong khi đó, ý thức của cộng đồng trong việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch chưa cao, phần lớn các hộ gia đình đi vắng cả ngày, có những hộ không đồng ý cho phun hoá chất…”.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết lan rộng, Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết; Thiết lập văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh để đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nếu làm triệt để diệt bọ và phun hoá chất thì sẽ khống chế được dịch. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, triệt để của chính quyền các cấp và cộng đồng”.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân, nếu bị mắc bệnh cần đến ngay cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất, theo hướng dẫn của cán bộ y tế và nhập viện khi cần thiết. Không nên tập trung vào nơi có nguy cơ lây chéo, khiến bệnh nhẹ thành nặng. Khi điều trị ngoại trú cơ bản uống nhiều nước, oresol, nước cam chanh, ăn thức ăn lỏng, hạ nhiệt bằng quạt mát và khăn nóng. Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần báo ngay có chính quyền địa phương tiến hành phun hoá chất, tránh để hình thành ổ dịch mới, lây lan trong cộng đồng./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã