Nói về tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở Ninh Thuận, ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã cho hay: "Tôi đã kiến nghị lên Chính Phủ cần tìm địa điểm thích hợp để gấp rút xây nhiều hồ thủy lợi chứa nước lớn cho tỉnh Ninh Thuận,nếu không chỉ mươi năm nữa, Ninh Thuận sẽ không khác gì tình trạng của đất nước Israel hiện nay".
(Video VTV)
Ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, vừa ký quyết định công bố thiên tai hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/1/2015 đến nay. Tính đến ngày 9/6, hạn hán kéo dài đã khiến 20 hồ chứa trong tỉnh khô cạn, hiện dung tích nước chỉ còn 14,77 triệu m3, chiếm 7,68% so với tổng dung tích thiết kế 192,21 triệu m3. Hạn hạn đã khiến khoảng 5.500 hộ với hơn 23.100 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt; 1.300 con gia súc có sừng đã chết liên quan đến hạn. Diện tích cây trồng vụ đông xuân bị mất trắng 501 ha, diện tích giảm năng suất 1.578 ha…100.000 người dân đã nhận 3.000 tấn gạo cứu đói, nguy cơ tái nghèo cao.
Về tình hình hạn hán ở Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, chưa bao giờ với người dân Ninh Thuận hạn hán, nắng nóng như năm nay. Bản thân Bộ trưởng hàng chục năm theo dõi nông nghiệp cũng chưa bao giờ chứng kiến nắng nóng, khô hạn như thế ở Ninh Thuận.
Trước tình hình hạn hán kéo dài, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định hỗ trợ 172 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đã được giải ngân và 132 tỷ đồng đang rà soát để thực hiện giải ngân hỗ trợ.
Đã hơn 2 tháng quá, tỉnh Quảng Bình luôn duy trì nhiệt độ 39-40 độ, có khi lên tới 41 độ. Nắng nóng kéo dài, đã khiến nhiều vùng lâm vào cảnh hạn hạn khéo dài chưa hề có trong vòng một trăm năm trở lại đây. Các hồ nước với sức chứa hàng chục triệu khối nước đã bốc hơi, các giếng nước cạn trơ đáy, ruộng đồng toang hoác vết nứt, hàng trăm ha đất nông nghiệp không thể canh tác.
Trao đổi trên báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Sỹ (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết: Nắng nóng như bưng, làng có 500 cái giếng thì cạn kiệt cả 500 cái...Mỗi cái giếng ở đây đào sâu đến hơn 30m nhưng mót mãi cũng chỉ đủ nước rửa mặt còn dân phải mua nước nơi khác về sinh hoạt với giá mỗi bình 5 lít là 20.000 đồng.
Quảng Bình: Nắng hạn, rắn rết cũng chết (Ảnh PLO) |
Bí thư kiêm Chủ tịch xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch thì khẩn thiết :"Hạn hán quá nặng, người già chưa bao giờ nhìn thấy, còn tui thì bao nhiêu năm ở đây cũng không trải qua trận hạn hán nào nặng nề như thế này. Hơn 200 ha lúa gieo xuống chả lên được. 200 ha còn lại nói động viên bà con chuyển đổi mục đích canh tác, trồng loại chịu hạn nhưng thất bại. Đất cứng khấc, cuốc như bổ vào đá, không làm chi được. Bà con để hoang đất chứ thua rồi”.
Trong khi đó huyện Tuyên Hóa nơi "chảo lửa" ở miền Trung, nắng nóng kỷ lục đã khiến hàng trăm ha đất không canh tác được. Hàng ngàn nhân khẩu thiếu nước sinh hoat trầm trọng. Trao đổi trên Vietnamnet, ông Nguyễn Mạnh (58 tuổi) ở thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa cho biết: “Chừng này tuổi nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh nắng nóng kinh hoàng như năm ni”. Cả ba thôn với hơn 400 khẩu và hàng ngàn hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Các giếng nước trong thôn cạn trơ đáy, có giếng thì chỉ còn nước lấp xấp, không bơm hay múc để dùng được.
Cũng theo thống kê, do thời tiết nắng nóng nên từ cuối tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 5 vụ cháy rừng làm thiệt hại 12 ha rừng....
Bình Định: Cây trồng bị chết khô.
(Video VTV)
Theo tin tức từ Sở NNPTNT, toàn tình có 7.682 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, TP Quy Nhơn…, không một địa phương nào thoát khỏi sự giày vò của nắng nóng. Nhiều công trình cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt trơ đáy. Chi cục Thủy lợi Bình Định cho biết, tổng lượng nước của 161 hồ chỉ còn 286,5 triệu m3, bằng 49% dung tích thiết kế.
Miền Trung nắng hạn khốc liệt: Hàng ngàn gia súc bị chết |
Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh có 4.628 ha lúa hè thu bị hạn hán… nuốt chửng. Địa phương chịu áp lực và tổn thất nhiều nhất là Phù Mỹ: 2.114 ha. Xếp sau là danh sách dài các huyện Hoài Ân (1.030 ha), Phù Cát (712 ha), Tuy Phước (216 ha), Vĩnh Thạnh (254 ha), Tây Sơn (129 ha)... Dự báo trong 10 ngày tới, nếu không có mưa, diện tích lúa bị hạn hán tấn công sẽ lên tới trên 10.000 ha.
Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của nắng nóng nặng nề nhất là xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Nắng nóng diễn ra đúng dịp mùa lúa đang trổ bông khiến bông lúa đen sì, người dân phải cắt mang về cho bò ăn. Trao đổi trên Vietnamnet, bà Thân Thị Cúc nhọc nhằn ôm từng ôm lúa non mang về cho hay: Nhà có 3 sào lúa thì mất trắng hơn 1 sào. Đất cằn ít được mùa, mấy năm trước còn được 2 tạ/sào, đủ cho 6 miệng ăn. Mấy hôm nay cả nhà thay phiên nhau trực ở ngoài ruộng để tìm nước. Cũng như nhiều hộ khác bà Cúc đầu tư một máy bơm nước, khoan sâu xuống tìm nước. “Không biết có được hạt lúa nào chứ hôm trước mới cháy cái máy bơm hết cả nửa triệu bạc rồi”, bà Cúc thở dài.
Hà Tĩnh: Hạn hán khốc liệt
Theo tin tức trên VTV, đến thời điểm này hầu hết các hồ đập trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh đều đã cạn kiệt, khiến cho việc sản xuất và sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Nắng nóng đã khiến người chồng chè Sơn Kim (Hương Sơn- Hà Tĩnh) thiệt hại hàng tỷ đồng khi nhiều diện tích chè bị cháy, héo ngọn, khô cây.
Trao đổi trên báo Hà Tĩnh, anh Dương Văn Hoành- Xí nghiệp chè Sơn Kim cho biết: “Chưa có năm nào diện tích chè bị chết và hư hại nhiều như năm nay. Diện tích hư hại nhiều nhất là ở những khu vực có địa hình cao, khó cho việc tưới tiêu. Còn số chè ở khu vực đồng bằng bị chết là do cát trong đất quá nhiều nên chè bị khô rễ”.
Trước tình trạng nắng nóng, hạn hán, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành rà soát tất cả các công trình thủy lợi, cân đối điều tiết nguồn nước. Ngay từ bây giờ các địa phương cũng đã tính đến phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích lúa khô hạn. Tinh thần chống hạn của Hà Tĩnh là ưu tiên đảm bảo nguồn nước cho dân sinh, gia súc, gia cầm, trên cơ sở cân đối phục vụ sản xuất.
Học sinh miền Trung có thể nghỉ học để tránh nắng Trước tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài ở miền Trung, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa có công điện gửi các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Công điện nêu rõ: Tình hình khô hạn thiếu nước liên tục xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ, Nam Trung Bộ và đặc biệt là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, đặc biệt tại các trường mầm non, tiểu học khu vực miền núi khó khăn để sẵn sàng ứng phó với các tình huống do thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt gây ra; trong trường hợp cần thiết có thể cho học sinh nghỉ học. | |
H.Nguyen (Tổng hợp)
theo Người đưa tin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã