Những ngày nắng tháng 5 đổ lửa, chúng tôi thấy rất nhiều su hào ở chợ nên tưởng hàng Trung Quốc. Được các tiểu thương tiết lộ mới biết là su hào Việt Nam. Tò mò tìm hiểu, chúng tôi thấy bất ngờ trước công nghệ trồng su hào trái vụ của nông dân Thủ đô.
Su hào là loại cây trồng ôn đới có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Trước đây, chỉ mùa đông bà con nông dân nước ta mới trồng được su hào. Nhưng vài năm trở lại đây, sự ra đời các bộ giống chịu nhiệt kết hợp công nghệ trồng rau có mái che nilon nên giữa mùa hè oi ả, người tiêu dùng vẫn có su hào ăn mà không phải quá lo lắng về tồn dư thuốc BVTV.
Theo Chi cục BVTV Hà Nội thì xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là một trong những địa phương dẫn đầu Thủ đô về phát triển cây su hào trái vụ. Có mặt tại thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với những ruộng su hào được che nilon trắng cả một vùng.
Ông Đỗ Duy Chuyên, Phó Chủ nhiệm HTX Sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau, củ, quả an toàn xã Tiên Dương cho biết: "Là xã thuần nông nên người dân Tiên Dương 90% sống dựa vào nông nghiệp. Cách đây khoảng 10 năm, Tiên Dương bắt đầu hình thành vùng trồng rau xanh cung cấp cho Thủ đô.
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, khi áp dụng trồng rau có vòm che mang lại rất nhiều lợi ích. Ngoài việc giúp tăng hệ số quay vòng SX rau trong năm nhờ chủ động hoàn toàn thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết còn giảm chi phí phân bón do không bị rửa trôi. Giảm chi phí mua thuốc BVTV vì cây trồng không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, sương muối, bộ lá của cây trồng luôn khô ráo nên hạn chế bệnh do nấm, vi khuẩn phát sinh gây hại. |
Ban đầu, nhiều loại cây trồng được đưa vào nhưng cuối cùng su hào trụ lại do hợp thổ nhưỡng đất pha cát của Tiên Dương. Nhưng ngặt một nỗi là càng về sau giá su hào càng thất thường, có lúc chỉ còn vài trăm đồng/củ do quá nhiều nơi trồng loại rau này nên người dân nơi đây phải tìm hướng đi mới".
Cũng theo ông Chuyên, cách đây chừng 5 năm, khi mô hình trồng rau có mái che xuất hiện, nhiều gia đình tiền hành trồng thử su hào trái vụ vào mùa hè. Lúc đầu, tỉ lệ thất thoát rất cao, năng suất lại thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng vì giá bán cao, nhiều gia đình tại Tiên Dương vẫn kiên trì theo đuổi cây su hào trái vụ.
Đi đầu trong phong trào này không ai khác chính là ông Phó Chủ nhiệm HTX Đỗ Duy Chuyên, người có công rất lớn trong việc mày mò đưa các giống cây trồng mới về khảo nghiệm, sau đó tìm đầu ra cho bà con nông dân.
Để hình thành nên quy trình kỹ thuật cũng như lựa chọn được bộ giống su hào trái vụ như ngày hôm nay, người dân Tiên Dương thất bại và trả giả không phải là nhỏ. Hiện, ngoài thị trường có hàng chục giống su hào nhưng ở Tiên Dương chỉ chọn được hai giống, một giống chịu nhiệt của Pháp để trồng trái vụ, một giống của Hàn Quốc để trồng chính vụ vào mùa đông.
“Khi làm chủ được công nghệ, việc trồng su hào trái vụ trở nên khá đơn giản. Mùa hè là thời điểm có khí hậu nóng ẩm mưa nhiều mà cây su hào lại kỵ nhất mưa và úng. Do đó, dùng nilon che phủ sẽ hạn chế ảnh hưởng của thời tiết vì cây trồng không bị mưa và sương muối tác động trực tiếp. Qua đó, bộ lá của cây luôn khô ráo nên hạn chế bệnh do nấm, vi khuẩn phát sinh gây hại.
Thực tế, trước đây khi nông dân thử nghiệm trồng không có mái che, tỉ lệ su hào bị chết lên tới 70%. Ưu điểm rất lớn khác là khi che nilon giúp hạn chế sâu bệnh nên người trồng su hào ở Tiên Dương ít phải sử dụng thuốc BVTV. Vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm dùng sản phẩm su hào giữa mùa hè, chứ quan niệm rau trái vụ phải phun nhiều giờ không còn đúng nữa", ông Chuyên cam kết.
Được biết, xã Tiên Dương đã quy hoạch được 80 ha rau an toàn, trong đó su hào là cây trồng chủ lực. Trồng su hào trái vụ tuy năng suất không cao, song hiệu quả kinh tế gấp đôi, gấp ba so với lúc chính vụ. Hiện su hào được bà con Tiên Dương bán tại ruộng với giá 4.000 - 5.000 đồng/củ. Với quy mô 1 sào cho khoảng 2.500 củ, nông dân có thu nhập 10 - 12 triệu đồng.
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã