Nhiều loại sâu bệnh tăng cao hơn cùng kỳ
Vụ đông xuân 2019 - 2020 của các tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thường. Ngay từ đầu năm, thiên tai, thời tiết và dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến các đối tượng cây trồng, đặc biệt là đối với cây lúa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Tĩnh
Đến nay, bệnh đạo ôn có xu hướng giảm ở các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc (9.948 ha, giảm 4.640 ha so cùng kỳ năm trước) thì ở vùng Bắc Trung bộ, bệnh lại có xu hướng tăng. Trong đó, bệnh đạo ôn lá là 3.610,73 ha (tăng 178% so cùng kỳ năm trước), phân bố nhiều nhất tại Nghệ An 1.830,7 ha (nặng 179,3 ha, cháy chòm 18,5 ha), Hà Tĩnh 775 ha (nặng 57,7 ha)…; đạo ôn cổ bông: 204,2 ha (tăng 283% so cùng kỳ năm trước)
Sâu cuốn lá tăng ở tất cả các vùng với mức độ tăng 115% so với cùng kỳ tại vùng Bắc Trung bộ và trên 5.500 ha tại vùng Đồng bằng Sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc. Rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại xuất hiện nhiều ở các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và Trung du miền núi phía bắc.
Ngoài ra, ở một số tỉnh còn xuất hiện bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu trên ngô…
Đạo ôn lá xảy ra khá nặng ở một số diện tích lúa xuân ở Hà Tĩnh
Nhận định của các cơ quan chuyên môn và Bộ NN&PTNT, thời tiết ở cả hai vùng trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài. Theo đó, bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ có nguy cơ gây hại và bùng phát diện rộng ở khắp các tỉnh trong khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: mặc dù từ đầu vụ đến nay, thời tiết trên địa bàn Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, song Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chuyên môn liên tục bám sát, chỉ đạo bằng công điện, công văn về tập trung sản xuất, phòng trừ dịch bệnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đến tận cơ sở.
Nhờ vậy, Hà Tĩnh đã chủ động và kiểm soát tốt dịch bệnh gây hại đến cây trồng vụ xuân, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lúa. Đến nay, bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân đã được khống chế; đồng thời các địa phương đã tiến hành phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên 3.178 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, do tổng tích ôn của vụ xuân 2020 lớn đã rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa, cộng với một số bà con chưa tuân thủ lịch thời vụ gieo cấy đã khiến nhiều nơi xuất hiện lúa trổ sớm, trùng với thời điểm không thuận lợi của thời tiết.
Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức kiểm tra đồng ruộng để có giải pháp phòng trừ đối với từng đối tượng sâu bệnh trên cây lúa, cây ăn quả và cây trồng cạn. Riêng đối với đạo ôn cổ bông trên lúa, tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn rà soát tình hình sinh trưởng, tiến độ trổ các trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng, từng giống có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; những vùng lúa tốt, thừa đạm, từ đó khoanh vùng và tổ chức phun phòng kịp thời.
Liên quan đến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm, không lơ là, kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.
Chủ động, “chắc tay” trong kiểm soát dịch bệnh
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nông nghiệp một lúc đối mặt 3 thách thức: đại dịch Covid-19 khiến sản xuất trì trệ, diễn biến thời tiết cực đoan, nhiều loại dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: VG.
Đặc biệt, rét Nàng Bân biểu hiện điển hình ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ với thời tiết diễn biến âm u, độ ẩm cao, mưa phùn kéo dài... đang đe dọa đến những diện tích trổ sớm của các tỉnh.
“Ba tháng trông cây, không bằng một ngày trông quả, đây là thời kỳ then chốt quyết định thắng lợi vụ đông xuân. Mục tiêu cao nhất chúng ta chính là phải đạt được 7 triệu tấn sản lượng lúa tại vùng Đồng bằng Sông Hồng và miền núi phía Bắc; Đồng bằng Bắc trung bộ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh phải tăng cường cao nhất, tổng lực nhất cho công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng đông xuân. Theo dõi sát từng đối tượng dịch hại, đặc biệt là đạo ôn cổ bông trên lúa cần phân theo trà, theo từng nhóm giống để có chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng đúng thời điểm, đúng loại thuốc đặc trị.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, tăng cao tính dự tính dự báo; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên trung ương theo quy định. Tất cả với mục tiêu cao nhất, đồng hành cùng ngành nông nghiệp chiến thắng dịch bệnh Covid-19 và giành thắng lợi sản xuất vụ đông xuân 2020.
Theo N.O/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã