Xung quanh Chương trình THNDVN năm 2017, NTNN có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), Trưởng Ban tổ chức Chương trình. Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý cho biết, bước sang năm thứ 5 tổ chức, Chương trình THNDVN năm 2017 tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của người nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong thời kỳ Việt Nam đẩy nhanh tốc độ hội nhập với khu vực và thế giới.
Bà Nguyễn Hồng Lý- Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cùng các nông dân xuất sắc tìm hiểu các thành tựu nông nghiệp tại Hàn Quốc năm 2016. Ảnh: Đàm Duy
Nhìn lại 4 năm tổ chức, Phó Chủ tịch có thể chia sẻ ý nghĩa của Chương trình THNDVN?
- Năm 2017, Chương trình THNDVN do T.Ư Hội NDVN chủ trì tổ chức bước sang năm thứ 5. Sau 4 lần tổ chức thành công vào các năm trước, Chương trình đã trở thành một hoạt động không thể thiếu nhằm chào mừng Ngày truyền thống của giai cấp nông dân Việt Nam, Ngày thành lập Hội NDVN (14.10).
Chương trình sẽ tổ chức bình chọn danh hiệu “Tự hào Nông dân Việt Nam 2017”. Theo tiêu chí của Ban Tổ chức, có 4 nhóm nông dân tiêu biểu được bình chọn, bao gồm: Nông dân đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia; nông dân có sáng kiến, phát minh mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Hiện cả nước đang có khoảng 13,8 triệu hộ nông dân, trong đó có 10,5 triệu người là hội viên Hội NDVN. Cả nước có 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 1,5 triệu hộ có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp tỉnh, thành phố trở lên. Việc vinh danh 63 nông dân xuất sắc mỗi năm chỉ là một con số rất nhỏ, nhưng có ý nghĩa khích lệ, cổ vũ, động viên to lớn. Những nông dân xuất sắc thực sự là một biểu tượng để các hộ nông dân khác học tập, vươn lên xứng đáng trở thành những nông dân của thời đại mới, thời kỳ hội nhập quốc tế.
Qua 4 năm tổ chức, Chương trình đã nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các bộ, ngành T.Ư và địa phương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng lực cho người nông dân, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Chương trình THNDVN năm 2017 so với những năm trước có thêm điểm gì mới, thưa bà?
- Trong khuôn khổ Chương trình THNDVN năm 2017 có 10 hoạt động nổi bật. Một trong những điểm mới và nổi bật nhất của chương trình năm nay là 3 sự kiện: Một là, lần đầu tiên tổ chức Giải báo chí toàn quốc mang tên “Tự hào Nông dân Việt Nam 2017” được nâng cấp từ cuộc thi viết Tự hào nông dân VN; hai là, Chương trình sẽ tổ chức diễn đàn quy mô toàn quốc với chủ đề “Đường đến nông nghiệp công nghệ cao”; ba là, tổ chức xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Khao khát từ những cánh đồng”. Đây không chỉ là cuốn sách thể hiện các gương mặt nông dân xuất sắc và còn là những đánh giá, tổng kết, khẳng định ý nghĩa thiết thực của Chương trình.
Diễn đàn “Đường đến nông nghiệp công nghệ cao” dự kiến sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 9. Có thể thấy, nông nghiệp công nghệ cao đang là chủ đề thời sự của ngành nông nghiệp. Diễn đàn là không gian mở để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và quan trọng nhất là nông dân cùng tập trung nhìn nhận, chia sẻ, phân tích, đánh giá 3 vấn đề cốt lõi của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đó là: Cơ hội, thách thức của nông sản Việt Nam; những kỹ năng, công nghệ cần có để nông nghiệp Việt Nam trở thành ngành sản xuất công nghệ cao; những việc nông dân, doanh nghiệp cần làm để phát triển bền vững thời hội nhập.
Một điểm mới nữa là tại lễ tôn vinh nông dân xuất sắc, ngoài 63 nông dân được bình chọn năm 2017, Chương trình sẽ mời 24 nông dân được vinh danh trong 4 năm trước đại diện cho các vùng, miền.
Chương trình THNDVN năm 2017 tiếp tục duy trì những sự kiện, hoạt động nổi bật của các năm trước như đưa nông dân đi tham quan và học hỏi mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở trong và nước ngoài; tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; truyền hình trực tiếp lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”…
Để động viên, cổ vũ, hỗ trợ hội viên, nông dân hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng tốt nhất thì không chỉ Hội NDVN mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đảng, Nhà nước cần tập trung quan tâm đầu tư nguồn lực xứng đáng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi đó là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững đất nước”. Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý |
Là Trưởng ban Tổ chức và từng trực tiếp dẫn nông dân đi thăm và học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài, bà thấy việc làm này có ý nghĩa như thế nào?
- Năm 2016, lần đầu tiên trong khuôn khổ hoạt động của mình, Chương trình đã đưa nông dân đi tham quan và tìm hiểu mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài. Trong 7 ngày ở Hàn Quốc, đoàn đi thăm trang trại sản xuất nấm kim châm; làm việc với các Viện khoa học nghiên cứu về cây trồng, dược liệu, chăn nuôi của xứ sở kim chi; tham quan chợ buôn bán nông sản Garak…
Qua chuyến đi này, đoàn đã được trải nghiệm, học tập kinh nghiệm áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó những nông dân sản xuất giỏi đã hình thành nên ý tưởng, từ đó phác thảo ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn trong tương lai. Một số thành viên trong đoàn cũng đã chia sẻ rằng họ đã hình thành ý tưởng làm du lịch sinh thái, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho gia đình và đóng góp cho địa phương.
Đây là chuyến đi hình thành ý tưởng, cơ hội tìm kiếm thị trường, nắm bắt được nhu cầu từ Hàn Quốc, qua đó sản xuất được những sản phẩm rau củ quả, hoặc hàng thủ công mỹ nghệ phù hợp với thị trường này. Quan trọng hơn, tổ chức đoàn đi để nông dân giỏi của Việt Nam biết mình đang ở đâu, cần làm gì và phải làm như thế nào để thích ứng cạnh tranh, thích ứng hội nhập. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những chuyến đi như thế này rất cần thiết, bổ ích, giúp tầm nhìn của nhà nông thêm rộng mở hơn… Ông cha ta nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” rất đúng trong trường hợp này.
Ngoài những hoạt động ý nghĩa như bà vừa nêu, Trung ương Hội NDVN có thêm những giải pháp gì để hỗ trợ cũng như động viên, khích lệ hội viên, nông dân sáng tạo, hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới?
- Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu, rộng với khu vực và thế giới; độ mở cửa của nền kinh tế ngày càng lớn. Bên cạnh đó, trước sự khó lường của thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn dự báo tiếp tục tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để hóa giải những thách thức, khó khăn đó, những năm gần đây, các cấp Hội NDVN đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các chuỗi liên kết ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ; tăng cường công tác giúp nông dân quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tại hội nghị lần thứ 10, khóa VI, BCH T.Ư Hội NDVN đã phát động phong trào thi đua năm 2017 trong toàn hệ thống Hội với 5 nội dung, trong đó trọng tâm là 3 nhiệm vụ cốt lõi, xuyên suốt là bảo vệ nông dân; thực hiện tốt dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân và xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị…
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!
Theo Thu Hà/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã