Tại góc đường Kênh 19/5 - T1 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) có khu chợ nhỏ, mọi người thường gọi là chợ ông Năm Hấp. Bởi chợ này được ông Lý Văn Hấp (biệt danh Năm Hấp, 70 tuổi, ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) tự lấy đất thổ cư của tổ tiên mở cho những người bán hàng rong trên vỉa hè Sài Gòn đến buôn bán.
Khu chợ được ông Năm Hấp dựng lên trên đất của tổ tiên để người bán hàng rong vào buôn bán. |
Trao đổi với PV, ông Năm Hấp cho biết: “Những người bán hàng rong, mưu sinh trên vỉa hè đều là người từ các tỉnh thành khác đến Sài Gòn mưu sinh. Họ phải sống trọ trong những căn nhà tồi tàn, lo từng miếng ăn. Thế nhưng, mỗi ngày mưu sinh, họ lấn chiếm vỉa hè nên bị lực lượng phường kiểm tra. Những lần như thế, họ nháo nhào đẩy xe, kéo sạp chạy trông thật tội nghiệp".
"Vì thế, năm 2009, tôi đã dùng hơn 800m2 đất thổ cư 5 đời của gia đình để mở khu chợ. Việc làm này không chỉ sắp xếp lại được trật tự vỉa hè mà còn giúp bà con không phải nay đây mai đó, buôn bán ổn định hơn”, ông Năm Hấp chia sẻ.
Người bán hàng rong đã có nơi ổn định để vào buôn bán. |
“Lúc bấy giờ, tôi phải bỏ ra khoảng 50 – 60 triệu đồng để san lấp đất và xây dựng các sạp hàng cho người dân. Thời điểm đó, số tiền này là cả một gia tài. Khi tôi quyết định làm chợ, người thân của tôi không đồng ý. Mọi người cho rằng gia đình có thể xây dựng nhà cửa và cho thuê kiếm tiền trên mảnh đất đó”, ông Năm Hấp nhớ lại.
Ông Năm Hấp luôn thăm hỏi động viên bà con buôn bán ở chợ. |
Bà Hà Thị Huệ (43 tuổi, ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), một tiểu thương ở chợ cho biết: “Ngày trước, tôi bán rau ở vỉa hè đường Kênh 19/5. Cứ vài ba bữa, chính quyền đến dẹp trật tự nên hàng hóa rau củ buôn bán bị tịch thu hết. Thực sự, lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng mỗi lần như vậy là mất hết vốn liếng. Lúc này, thấy chúng tôi khổ quá, ông Năm Hấp đã dựng chợ cho vào buôn bán. Mỗi tháng, chúng tôi đóng khoảng 30.000 đồng tiền điện nước, vệ sinh thu gom rác,…”.
Ông Năm Hấp chia sẻ cùng PV Người Đưa Tin. |
“Từ ngày ông Năm Hấp cho đất làm chợ, cuộc sống của chúng tôi ổn định dần. Nhiều người từ nơi khác đến mưu sinh còn tiết kiệm cất được căn nhà nhỏ. Thậm chí, chị em nào nghèo, không có vốn liếng làm ăn, ông Năm còn cho mượn không lấy lãi để buôn bán. Thực sự, chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng nhân hậu của ông Năm”, tiểu thương Nguyễn Thị Tịnh (53 tuổi, ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) bày tỏ.
Từ những trăn trở, đồng cảm với cuộc sống của những người bán hàng rong, ông Năm Hấp đã góp phần giúp bà con ổn định kinh tế, giúp địa phương đảm bảo trật tự lòng lề đường.
Ông tâm sự: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất nghèo. Khi tôi được 3 tháng tuổi, má tôi đã qua đời. Đến năm 7 tuổi, ba tôi đi hoạt động cách mạng cũng hy sinh. Tôi cùng với một người anh nữa sống với ông bà nội. Thế nên, tôi rất hiểu cuộc sống của những người nghèo khổ, côi cút. Việc giúp bà con bán hàng rong có nơi buôn bán ổn định chính là tâm nguyện tuổi già của tôi”.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết: “Ông Năm Hấp là một trong những Đảng viên ưu tú trên địa bàn phường. Ông từng giữ các chức vụ như Phó bí thư Đoàn phường, Phó chủ tịch phường từ những năm 1978 – 1988. Ngoài ra, ông còn làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch hội Nông dân... Khi về hưu, ông cùng vợ mở khu chợ giúp bà con bán hàng rong có nơi buôn bán. Những việc làm của ông, chính quyền phường Tây Thạnh luôn ủng hộ và động viên”.
Dương Hạnh/ Người đưa tin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã