Theo Phó Thống đốc, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao không có rủi ro lớn, do đó các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực này, cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đang “nới lỏng” phạm vi tài sản đảm bảo để “khơi thông” dòng vốn.
Đã sẵn sàng nhưng vẫn vướng
Tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các bộ, ngành bàn về việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), các ngân hàng cho biết đã sẵn sàng giải ngân, còn doanh nghiệp cũng có phương án kinh doanh hiệu quả, nhưng công tác giải ngân vẫn chậm.
Hiện nay, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nói chung của Ngân hàng Agribank gần 20 nghìn tỷ đồng bao gồm các mô hình nuôi trồng tôm giống, bò sữa, hoa lan… trong đó, vay tái canh cà phê lên đến 775 tỷ đồng. Riêng tín dụng NNCNC Agribank đã có gói 50 nghìn tỷ để giải ngân trong thời gian tới.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết gói tín dụng NNCNC sẽ dành ưu tiên số một cho đối tượng doanh nghiệp vì đây là đối tượng có đủ điều kiện hơn về vốn, kỹ thuật và có chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các hợp tác xã, các hộ gia đình, trang trại nếu có đủ điều kiện cũng sẽ được cấp vốn.
Hiện có rất nhiều dự án sản xuất công nghệ cao đang chờ các ngân hàng thẩm định. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quy định tài sản đảm bảo vay vốn chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết.
Ông Nguyễn Như Dương – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank, cho biết, trong quá trình thẩm định, có dự án sản xuất NNCNC có kế hoạch kinh doanh khả quan nhưng không có tài sản đảm bảo nên vẫn chưa giải ngân được.
“Các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các văn bản, hướng dẫn xử lý vấn đề tài sản đảm bảo hình thành trên đất nông nghiệp để ngân hàng thuận lợi hơn trong quá trình giải ngân”, ông Dương kiến nghị.
Trong quá trình triển khai, Agribank cũng gặp nhiều vướng mắc khiến số lượng các doanh nghiệp tiếp cận được vốn chưa nhiều. Đó là công tác quy hoạch các địa phương, vùng tiểu vùng, cây con ngành nghề chưa rõ, còn manh mún, tính chất tự phát nhiều. Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận DN ứng dụng CN cao đến nay chưa có tiêu chí cụ thể.
Trong sản xuất NNCNC, ở một số địa phương, xảy ra tình trạng là sau khi Uỷ ban nhân dân tỉnh định giá đất, giá trị lại giảm xuống 10 – 20 lần so với giá thị trường, khiến mức cho vay không được cao. Thậm chí, có tài sản không có giá trị đảm bảo.
Ngoài ra, vốn đầu tư cho nhà kính lưới, thiết bị công nghệ cao lớn, chiếm khoảng 30-40 tỷ đồng nhưng trong quá trình triển khai nếu gặp rủi ro, toàn bộ phải bán sắt vụn, không có hỗ trợ, bảo hiểm.
Trong khi đó, những tài sản này lại không được cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản nên các ngân hàng cũng không dám cho vay hoặc nhận thế chấp, khiến doanh nghiệp “nản”.
“Hiện nay, Agribank có hơn 3 triệu khách hàng đang vay vốn đầu tư vào NNCNC. Tuy nhiên, khi triển khai gặp nhiều khó khăn, do đó Agribank sẽ lựa chọn phối hợp chính quyền địa phương để triển khai mang lại hiệu quả nhất định”, ông Thành khẳng định.
Phó Thủ tướng giao NHNN nghiên cứu việc mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo trong lĩnh vực vay vốn NNCNC thế chấp bằng phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư, hay cho vay tín chấp.
Ngân hàng chủ động “khơi thông” dòng vốn
Trong lúc chờ các ban ngành liên quan gỡ vướng về chính sách và tài sản đảm bảo, một số ngân hàng đã chủ động tìm hướng “khơi thông” nguồn vốn, giúp doanh nghiệp sớm triển khai dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, cho biết BIDV sẽ triển khai theo hướng chọn người vay. Theo đó, người vay có năng lực sản xuất kinh doanh thật sự sẽ được giải ngân. Về phương thức cho vay, sẽ triển khai phù hợp với từng đối tượng khác nhau, vay ngắn hạn, trung và dài hạn.
“BIDV cho vay theo các công đoạn, cho vay theo chuỗi hoặc cắt khúc, nếu DN kết hợp chuỗi, hoặc chỉ làm một công đoạn cũng vẫn được vay. Vì đây là chương trình tín dụng thương mại do các ngân hàng tự quyết định gói vay, nên các bộ ngành cần có phương án để ngân hàng đánh giá cụ thể. Ví dụ BIDV dành 10 nghìn tỷ đồng, triển khai đến đâu làm đến đó, không ràng buộc thời gian nào giải ngân”, ông Tú kiến nghị.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tầm quan trọng của gói tín dụng cho NNCNC, nông nghiệp sạch để phục vụ chủ trương phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và trong bối cảnh tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chững lại.
Phó Thủ tướng đề nghị NHNN chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay NNCNC từ 0,5- 1,5% so với mặt bằng lãi suất cho vay. Các NHTM đẩy mạnh truyền thông quảng cáo chương trình tín dụng này để tạo điều kiện tiếp cận công khai, minh bạch tới các đối tượng vay.
Tin tưởng lĩnh vực này không rủi ro lớn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao NHNN nghiên cứu việc mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo trong lĩnh vực vay vốn NNCNC thế chấp bằng phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư, hay cho vay tín chấp.
Để hỗ trợ các ngân hàng, Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để ban hành trong thời gian sớm nhất, không thể trì hoãn thêm
Tác giả bài viết: Huyền Anh
Nguồn tin: thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã