Ông Nguyễn Xuân Dương, cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn (chiếm 36 – 40% thị phần thịt lợn của Việt Nam) đồng loạt hạ giá lợn hơi từ 78.000 đồng/kg xuống dưới 70.000 đồng/kg.
Ước tính, mỗi ngày các doanh nghiệp trên đã bỏ ra tổng số khoảng 20 tỷ đồng để hỗ trợ người tiêu dùng phòng, chống dịch Covid-19.
“Thời gian qua, giá lợn neo ở mức quá cao. Nếu các doanh nghiệp lớn không chung tay đồng hành cùng chính phủ để kiểm soát giá lợn, thì nền kinh tế xã hội sẽ bị tác động rất lớn. Tại Trung Quốc, lợn hơi giữ ở mức 130.000 – 140.000 đồng/kg gần 2 năm nay rồi mà không kiểm soát được”, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.
Ông cũng khẳng định, Chính phủ và Bộ NN-PTNT kêu gọi các doanh nghiệp đưa giá lợn xuống dưới 70.000 đồng là hoàn toàn có căn cứ, đảm bảo tất cả các bên từ người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có lợi trong điều kiện cả nước đang căng mình phòng, chống dịch Covid-19.
Thông qua đó, Chính phủ cũng kiểm soát được chỉ số CPI, bởi thịt lợn là thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hàng này của người dân Việt Nam.
“Hoàn toàn không phải Chính phủ và Bộ NN-PTNT ép các doanh nghiệp vào thế khó”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ. Bởi quay trở lại thời điểm năm 2017, khi nguồn cung thịt lợn vượt quá cầu, giá lợn hơi ở mức dưới 20.000 đồng/kg, Chính phủ đã vận động toàn dân tăng cường sử dụng thịt lợn. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm, chúng ta đã kéo giá lợn tăng lên, còn các nước khác phải mất 3 năm.
Vậy bây giờ, trách nhiệm của người chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp lớn phải chung tay cùng Chính phủ để ổn định thị trường thịt lợn. Đây không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà nó bao hàm cả giá trị nhân văn và trách nhiệm xã hội.
Đề xuất đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá
Trả lời câu hỏi tại sao các doanh nghiệp lớn đã hạ giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, nhưng thịt lợn trên thị trường vẫn rất cao (có loại lên tới 180.000 – 200.000 đồng/kg), ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn cam kết bán giá 70.000 đồng/kg lợn hơi chỉ chiếm 36 – 40% thị phần thịt lợn. Còn lại hơn 60% thịt lợn vẫn đang ở chuồng của các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi.
Hiện nay, chúng ta hoàn toàn có công cụ pháp lý để kiểm soát giá thịt lợn, đó là Luật Chăn nuôi. Tùy từng thời kỳ, Chính phủ có thể đưa thịt lợn vào sản phẩm dự trữ quốc gia, hoặc sản phẩm bình ổn giá, hoặc sản phẩm kiểm soát giá. Ở Trung Quốc và Thái Lan cũng đã làm như vậy.
Vừa qua, Cục Chăn nuôi cũng đã có kiến nghị nên đưa thịt lợn là mặt hàng dự trữ quốc gia, bình ổn giá hoặc kiểm soát giá trong một giai đoạn nhất định.
Đặc biệt, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh truyền thông để người dân sử sử dụng thực phẩm thay thế thịt lợn. Hiện nay chúng ta có 467 triệu con gia cầm, 5 triệu con bò, 2,5 triệu con trâu. Sản lượng trứng gia cầm, sữa và thủy hải sản cũng tăng trưởng mạnh. Do đó, chúng ta không sợ thiếu thực phẩm mà chỉ thiếu thịt lợn.
Còn về lâu dài, chúng ta phải kiên trì tái đàn lợn để cân đối cung cầu. Ngành chăn nuôi phấn đấu đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn cả nước sẽ tương đương so với năm 2018. Để đưa giá lợn xuống thấp, chúng ta cũng cần tìm cách để cắt bớt lợi nhuận bất hợp lý từ khâu trung gian.
Bởi với giá lợn hơi xuất chuồng khoảng 70.000 đồng/kg, trừ chi phí vận chuyển, kiểm dịch động vật, giết mổ..., giá lợn móc hàm chỉ khoảng 110.000 đồng/kg. Việc ở đâu đó có hiện tượng giá thịt lợn lên tới 200.000 – 250.000 đồng/kg, theo ông Nguyễn Xuân Dương thì đó là hiện tượng thổi giá, bất bình thường.
Minh Phúc - Kế Toại/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã