Để hiểu thực hư ra sao, tôi phải đến gặp trực tiếp tại gia đình. Anh là Hoàng Văn Nhương 45 tuổi ở thôn 1, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Anh Nhương chỉ tay ra phía cánh đồng dọc theo tuyến đường sắt Bắc Nam độ 1 km, nói: "Anh thấy đấy, cánh đồng 35 ha của thôn 1 (làng Đoài Thôn) nằm ở ngoại đê, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa xuân.
Trước đây, nhiều vụ lúa mất trắng hoặc thất bát do lụt tiểu mãn tháng 3 âm lịch không kịp trở tay “với trời” cho nên mới có câu nói cửa miệng lưu truyền tới tận bây giờ: “Hai bát úp một” (ý nói cấy lúa một vụ ăn cả năm).
Anh Nhương nhắc lại câu nói dân gian xưa làm lòng tôi se lại...và càng thấu hiểu, thán phục nghị lực dẻo dai của người dân nơi đây đã bao đời sống chung với vùng “rốn lũ” để tồn tại, phát triển...
Tận dụng lợi thế cánh đồng một vụ, anh Nhương nhận thầu 7 sào ruộng và mặt nước (sào Trung bộ 500 m2/sào) để nuôi vịt thương phẩm, trồng lúa. Sau nhiều lần trăn trở, tính toán, hạch toán sao cho có lãi, anh quyết định đầu tư vốn vào con vịt thời vụ.
Cùng với kinh nghiệm nhà nông và chịu khó học hỏi cách làm ăn ở các nơi để lựa chọn, áp dụng. Anh chọn vị trí làm chuồng trại nuôi nhốt, nơi cho vịt ăn, chăn thả hợp lý, vừa tiện cho việc chăm sóc, vừa bảo vệ an toàn để phát triển sản xuất. Vịt giống đặt mua ở cơ sở đảm bảo chất lượng, uy tín. Cho nên từ khi thả nuôi, chăm sóc đàn vịt phát triển tốt cho đến khi xuất bán.
Thức ăn cho vịt là ngô hạt, cám tổng hợp (đặt mua ở cơ sở có uy tín), cộng với thức ăn đa dạng phong phú sẵn có trong tự nhiên.
Hàng ngày cho đàn vịt ăn đủ lượng thức ăn và tùy theo trọng lượng cho ăn 2 lần/ngày vào những thời điểm thích hợp. Vịt con lúc mới nở độ 3 ngày tuổi trở lên thường mắc bệnh tiêu chảy, anh chủ động tiêm phòng cho cả đàn.
Do làm tốt vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh (dọn dẹp sạch sẽ, rải vôi bột, hóa chất khử trùng) nên đàn vịt đảm bảo an toàn, phát triển tốt cho đến khi xuất bán ra thị trường.
Làm kinh tế như vợ chồng anh có lẽ trong thôn ít người theo kịp mà thu nhập một năm cũng kha khá, tôi hỏi. Anh khiêm tốn cho biết: “Không giấu gì anh, tiền thu được từ con vịt mỗi năm trừ chi phí (khoảng 100 triệu đồng tiền mua thức ăn) cũng thu về trên hàng trăm triệu đồng, lúa được 15 triệu đồng, các khoản thu nhập khác cũng đều đều, tạm ổn, mọi thứ chi tiêu trong nhà bớt khó khăn, tằn tiện dành dụm xây được ngôi nhà hai tầng kiên cố, đầy đủ tiện nghi...”.
Anh tự tin nói:“Nuôi vịt hết ít thời gian (3 tháng 1 lứa), ít cực nhọc, chi phí không lớn, nhưng lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa hay sản phẩm nông nghiệp khác”.
Anh cho biết thêm: “Ngoài thu nhập từ con vịt thương phẩm là chủ yếu, các nguồn thu nhập khác do lặn lội “một nắng, hai sương” ngoài đồng với mấy sào ruộng lúa, đánh bắt cua tép cá tôm... mải mê có nhiều hôm tối mịt với về nhà.
Vợ anh cũng chịu khó thức khuya dậy sớm giúp sức cùng với anh, đồng thời hàng ngày đi chợ buôn bán thực phẩm tại chợ thị trấn”.
Trước đây gia đình anh ở trong làng, nhưng do chật chội lại khó làm ăn, nên chuyển đến nơi đây khai thác lợi thế để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Anh phân tích: "Mỗi năm 7 sào ruộng đấu thầu chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, thu hoạch trên 5 tấn thóc, giá trị đạt 33 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn thu lời 15 triệu đồng, tuy nhiên vẫn thấp không đủ trang trải cuộc sống.
Còn nuôi vịt, mỗi năm 3 lứa (riêng năm nay 4 lứa). Lứa thứ nhất, từ tháng 12 năm trước thả nuôi đến cuối tháng 3 xuất bán, lứa thứ hai từ tháng 3 đến tháng 5, lứa thứ ba từ cuối tháng 4 đến tháng 6, lứa thứ tư từ cuối tháng 9 đến tháng 12.
Mỗi lứa nuôi hàng ngàn con và trên 3 ngàn con một năm (trừ hao hụt 6%/1 ngàn con), khi xuất bán trọng lượng từ 1,8 - 2,2 kg/con, bán ra thị trường với giá trung bình (năm ngoái 40 ngàn đồng/1 kg), tại thời điểm hiện nay 30 ngàn đồng trở lên/1 kg.
Tôi vừa bán hết đàn vịt 1 ngàn con lứa đầu tiên của năm 2020, cũng với giá 25 ngàn đồng/kg tuy nhiên nhiều khách hàng hỏi nhưng không có vịt để bán và chỉ dăm, bảy ngày nữa tiếp tục thả nuôi lứa vịt thứ 2".
Lê Như Cương/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã