Xác định thương mại điện tử là hướng đi mới giúp sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cạnh tranh trên thị trường và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng nên trong thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tìm đến các sàn giao dịch để đăng ký, tìm đầu ra cho mình nhờ đó đã tiếp cận được với các kênh phân phối lớn.
Điển hình như HTX Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa. Trong năm 2018, thông qua sàn thương mại điện tử của tỉnh, HTX đã tiếp nhận hàng trăm đơn hàng từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam mua sản phẩm mỳ gạo bao thai. Nhờ đó qua 2 năm, HTX đã tiêu thụ trên 6 tấn mỳ gạo bằng hình thức này.
Với việc đưa nông sản lên sàn giao dịch đã giúp các đơn vị sản xuất cũng như doanh nghiệp địa phương trong quảng bá, mở rộng thị trường và tạo sự thuận tiện hơn với người mua. Không chỉ trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, nhiều đơn vị còn chủ động tiếp cận các sàn khác như Voso.vn, gcaeco.vn, postmart.vn…
Chị Phạm Thị Thủy, Chủ nhiệm HTX Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên cho biết, tháng 07/2019, sau khi Hội Nông dân tỉnh có chương trình về việc quảng bá, giới thiệu và cung cấp nông sản trên sàn Voso.vn, HTX đã đăng ký để đưa sản phẩm chè lên sàn.
Từ khi tham gia sàn giao dịch điện tử và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, các sản phẩm chè của HTX được thị trường ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, đối tác cũng được mở rộng, do vậy mà số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ đã tăng lên đáng kể.
Là một người tiêu dùng, chị Hoàng Thị Duyên, phường Lương Sơn, TP Sông Công cho hay, thông qua các trang thương mại điện tử uy tín, người tiêu dùng như chúng tôi có thể dễ dàng mua các sản phẩm nông sản an toàn bằng cách trực tuyến.
Đồng thời cảm thấy yên tâm hơn khi mua hàng hóa qua mạng, bởi sản phẩm được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu, rất cần thiết.
Hiện nay, để kinh doanh nông sản, đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài việc sản xuất theo hình thức tập trung, có truy xuất nguồn gốc, mã code, đạt quy chuẩn an toàn thì việc giới thiệu sản phẩm cho các đối tác để ký kết rất quan trọng. Do đó, thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động đưa nông sản an toàn lên nhiều sàn giao dịch điện tử.
Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường sự phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác triển khai, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm để nâng cao tính minh bạch, tính cạnh tranh và phát triển bền vững thương hiệu.
Anh Hà Quang Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương Thái Nguyên) cho biết: Sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, HTX, nông dân có điều kiện tham gia phân phối sản phẩm nông sản an toàn cho cộng đồng qua hình thức bán hàng trực tuyến.
Đây cũng là kênh thông tin giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình trên hệ thống chợ thương mại điện tử một cách dễ dàng, thuận lợi, chi phí thấp hoặc miễn phí...
Kiều Hải - PV/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã