Thưa ông, kể từ khi Luật HTX sửa đổi có hiệu lực (tháng 7.2013) đến nay, có vẻ như tốc độ “chuyển biến” của các HTX quá chậm, nếu như không muốn nói là chưa có thay đổi?
- Có thể thấy, trong gần 2 năm vừa qua, số HTX thành lập mới, tổ chức làm ăn có hiệu quả không nhiều. Vì theo luật quy định, các HTX kiểu cũ phải chuyển đổi theo Luật HTX 2012, tức đến hết 2016 phải chuyển đổi xong. Trong gần 11.000 HTX nông nghiệp, đến nay mới chuyển đổi được hơn 1.000 HTX. Như vậy, tiến độ quá chậm và chỉ còn hơn 1 năm nữa, phải chuyển đổi khoảng 10.000 HTX là một vấn đề rất đáng lo bởi nếu không chuyển đổi thì đến hết năm 2016 coi như không còn là HTX nữa.
Một vấn đề cũng đáng quan tâm nữa là, sau khi có luật, có khoảng 2.500 HTX đã chết lâm sàng, “chết chưa kịp chôn”, cần phải giải thể dù đã làm rất tích cực, nhưng vẫn còn 780 HTX cần tiếp tục giải thể. Khó nhất của giải thể 780 HTX là vấn đề tài sản HTX vay nợ của xã viên thì bây giờ xử lý thế nào, bởi có người thì góp bằng ruộng, người góp bằng tiền, đây là vấn đề rất phức tạp.
Không chỉ có vấn đề chuyển đổi và giải thể, việc thành lập các HTX mới thời gian qua cũng rất chậm chạp. Bộ NNPTNT đã có đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Theo ông, có những nguyên nhân nào dẫn tới việc các HTX hoạt động kém hiệu quả như trên, thậm chí là không phát triển được?
- Chiếm gần 60% các HTX hiện nay là các HTX nông nghiệp, với tổng số gần 11.000 HTX. Trong số các HTX nông nghiệp này hiện có rất nhiều loại hình như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Nếu chiếu theo Luật HTX và Nghị định 193 thì các HTX nông nghiệp không biết đứng ở đâu trong đó cả. Có thể thấy, chúng ta quy định một hành lang pháp lý rất chung, trong khi HTX nông nghiệp lại muôn hình vạn trạng, rất khác nhau, đối tượng khác nhau, ngành nghề khác nhau, địa bàn hoạt động khác nhau, có cả vấn đề về trình độ dân trí.
Một nguyên nhân quan trọng nhất hiện nay là chưa đủ cơ sở pháp lý và các chính sách để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp có địa bàn hoạt động thường ở chỗ đang đói nghèo, đang khó khăn nên sản phẩm làm ra không ai tiêu thụ cả. Do đó, HTX nông nghiệp phải được ưu tiên, chứ không phải một chính sách chung cho cả các HTX khác. Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng nghị định về HTX và sau nghị định này sẽ có một loạt vấn đề phải hướng dẫn nữa thì mới rõ.
Một số ý kiến cho rằng, ngay cả khi chúng ta có đủ cơ sở hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, song nếu không có bộ máy quản lý hiệu quả thì HTX nông nghiệp cũng khó phát triển được?
- Đúng là công tác quản lý nhà nước về HTX hiện nay, đặc biệt HTX nông nghiệp đang có vấn đề. Trong luật có ghi là giao cho Bộ KHĐT chủ trì, nhưng các bộ ngành phải thành lập bộ phận, các tổ chức để thực hiện quản lý nhà nước về vấn đề này. Bây giờ, Bộ KHĐT có Vụ HTX, tại các Sở KHĐT thì cái liên quan đến HTX thường nằm ở phòng đăng ký kinh doanh và thường là không hiểu gì về HTX cả. Ở Bộ NNPTNT, có Cục Kinh tế hợp tác và PTNT thì tàm tạm, nhưng ở các chi cục địa phương bây giờ chỉ có Chi cục PTNT, chứ không có HTX. Ở các địa phương người ta chỉ phân một cán bộ theo dõi HTX, thậm chí có nơi không ông nào. Bộ máy, con người như thế thì ai mà quản lý được?
Có nhiều quan điểm cho rằng, HTX là một mô hình hoạt động phù hợp nhất là ở giai đoạn của nền kinh tế tập trung, bao cấp. Còn hiện nay nói đến HTX là người ta “sợ”. Đây có phải là nguyên nhân cản trở sự phát triển của HTX, thưa ông?
- Hiện nay đúng là đang có vấn đề về nhận thức với HTX. Tôi đã xem báo cáo chính trị trình đại hội đảng bộ của một tỉnh, thì thấy chỉ ghi có mấy dòng về HTX. Cái này là không ổn, vì chuyển động phải bắt đầu từ địa phương, chứ T.Ư làm gì có HTX. Nếu tình trạng này không được giải quyết, rõ ràng dù có chủ trương của Đảng, luật, HTX cũng không đi vào cuộc sống được.
Có thể thấy trong thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản đã không thể tiêu thụ được, tình trạng sản xuất của chúng ta còn quá hạn chế, nhất là chưa có sự liên kết giữa các hộ dân dưới các mô hình hợp tác. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
- Tôi có thể nói rằng, một khi HTX đã không thể phát triển, nâng cao chất lượng lên, thì tình trạng dân tự làm, tự bán là phổ biến trong cả nước. Cho nên, đây là mấu chốt của tổ chức sản xuất của Việt Nam hiện nay, việc này đang rất yếu kém. Chính vì thế, vai trò HTX rất quan trọng, nếu không làm được thì nền nông nghiệp đất nước này vẫn sẽ như thế. Bởi kinh tế hộ chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp, người ta làm đủ ăn, thừa mới bán. Có một số trang trại, có thể người ta làm hàng hóa tự bán, nhưng trang trại không thể nào đi xuất khẩu được. Còn doanh nghiệp thì cũng có lợi thế hơn nhưng họ cũng không thể nào ký thỏa thuận với hàng nghìn hộ nông dân được. Vì vậy, nếu có HTX xã với tư cách pháp nhân rõ ràng, thì doanh nghiệp sẽ ký với HTX, HTX sẽ vận động các xã viên tham gia và đây là một chuỗi liên kết rất quan trọng.
Tôi cho rằng, hiện nền nông nghiệp của nước ta năng suất rất cao, nhưng không thể tổ chức liên kết sản xuất nên không thể bán được giá cao, kể cả chất lượng cũng không kiểm soát được. HTX sinh ra là để tạo sự liên kết nên có thể thấy vai trò của HTX là rất quan trọng.
Nói như ông, bây giờ mình phải chuyển đổi sang HTX kiểu mới, như vậy về hình thức, nội dung chuyển đổi sẽ được hình dung như thế nào?
- Thực ra chuyển đổi không có gì khó, trừ những cái đang giải thể. HTX bây giờ cơ bản đúng luật, chỉ có một số HTX xã lợi dụng danh nghĩa HTX để hưởng chế độ ưu đãi.
Tóm lại, để nói một cách ngắn gọn về HTX nông nghiệp kiểu mới, theo ông chúng ta phải hình dung về mô hình HTX này ra sao?
- HTX trước đây lấy lợi nhuận cho HTX là chính, đấy không phải là bản chất của HTX kiểu mới. HTX kiểu mới là lấy thu nhập của xã viên làm cốt lõi, HTX có thể không có thu nhập. Còn HTX mà lấy thu nhập của mình là chính thì nó giống doanh nghiệp. Bản chất cốt lõi nó khác nhau ở chỗ ấy.
Xin cảm ơn ông!
Theo danviet.vn