Đề xuất hỗ trợ hơn 56,6 tỷ đồng cho những hộ nuôi nghêu bị thiệt hại do nghêu chết tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (cán bộ xã Tân Thành khảo sát nghêu chết tại ấp Cấu Muống).
Theo đó, UBND huyện Gò Công Đông cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan như Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên – Môi trường, UBND xã Tân Thành phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương xác minh, lập hồ sơ và tổng hợp danh sách các hộ dân thiệt hại do nghêu chết năm 2015. Qua đó xác định tổng diện tích nghêu nuôi bị thiệt hại tại xã Tân Thành là 225 sân nuôi với diện tích thiệt hại 1.580,0819 ha; tỷ lệ thiệt hại từ 75 - 90%. Trong đó, UBND huyện Gò Công Đông đề nghị hỗ trợ các sân nuôi đủ điều kiện theo Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ là 218 sân/1.416,79 ha với số tiền là 56,6 tỷ đồng (mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/ha).
Trước đó, UBND huyện Gò Công Đông cũng cho biết, qua nắm tình hình nghêu chết vào những ngày đầu tháng 3/2015, nhận định nguyên nhân gây chết nghêu ban đầu là do độ mặn nước biển vùng nuôi nghêu tăng cao đột ngột lên đến 38‰ (trong hai ngày 12 và 13/3/2015), nguồn nước rất trong không có nguồn thức ăn cho nghêu sinh trưởng kết hợp với gió chướng thổi mạnh liên tục nhiều ngày (từ ngày 20 đến ngày 30/3/2015) làm nghêu nuôi chết nhiều, tỷ lệ thiệt hại cao tại các sân nghêu của hộ dân và Ban Quản lý Cồn bãi. Vào ngày 02/4/2015, UBND huyện phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT khảo sát tình hình nghêu chết đã phát hiện thêm có váng dầu loang màu tím trên các sân nuôi nghêu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, mật độ vi khuẩn Vibrio sp. ở khu vực nghêu chết nhiều cao hơn gấp 14 đến 83 lần so với khu vực bình thường. Tuy nhiên trong số vi khuẩn tìm thấy thì vi khuẩn có hại chiếm tỷ lệ thấp nên rất ít khả năng gây ảnh hưởng cho nghêu. Đối với chỉ tiêu ký sinh trùng Perkinsus sp thì kết quả xét nghiệm mô học trên nghêu cho thấy chưa có dấu hiệu biến đổi mô bệnh học qua các mẫu xét nghiệm.
Trước đó, từ đầu tháng 3/2015, theo kế hoạch tăng cường quan trắc môi trường và mầm bệnh đối với nghêu nuôi của Chi cục Thú y thì các số liệu chỉ tiêu quan trắc môi trường có liên quan và tỷ lệ cảm nhiễm, cường độ cảm nhiễm ký sinh trùng Perkinsus sp đều nằm ở mức độ bình thường. Riêng đợt quan trắc vào giữa tháng 3/2015 thì có hiện tượng độ mặn tăng cao đột ngột lên đến 35 - 36‰. Tuy nhiên, theo tài liệu nghiên cứu khoa học, ở nghêu trưởng thành độ mặn gây chết được xác định là dưới 9‰ và trên 42‰ do đó độ mặn của nước biển vùng nuôi nghêu Tân Thành trong thời gian này rất ít khả năng là tác nhân gây chết nghêu hàng loạt.
Công Bằng
Nguồn tin: Báo Công Thương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã