Ở tuổi lục tuần, bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (thường gọi là bà Ba Huân) chuyên cung cấp trứng sạch, cho biết đã nghĩ tới thế hệ kế nghiệp mình. Đó có thể là người thân, ruột thịt hay thậm chí là bất cứ người nông dân nào…
Tại sao bà lại muốn truyền nghề lại cho những người nông dân?
Vì những gì tôi có được hiện nay nhờ rất nhiều vào họ. Bản thân tôi cũng xuất thân từ một gia đình nông dân. Khởi nghiệp từ những gánh trứng mua gom từ các hộ nông dân, nghề là được cha mẹ truyền lại nhưng những thăng trầm trong hơn 40 năm làm nghề của tôi luôn luôn gắn với những người nông dân.
Dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát 2003 và 2005, thực sự là thử thách đối với tôi. Bao nhiêu vốn liếng đều theo những xe tải chất đầy trứng đi tiêu hủy hết. Đối diện với nguy cơ tay trắng đã khiến tôi có suy nghĩ muốn chuyển nghề, làm một công việc khác.
Trong mắt nhiều bạn bè, người thân lúc đó tôi thực sự là một người đáng thương, mọi người nhìn với ánh mắt thương hại. Nhưng dong duổi qua nhiều miền quê Đồng bằng sông Cửu Long, bắt gặp những người nông dân một nắng hai sương, đó là những bạn hàng của mình. Mình mà bỏ thì họ sẽ như thế nào? Vì chuyện cơm áo, học hành của rất nhiều người nông dân là trông chờ vào quả trứng, con gà, con vịt…
Tôi đã đánh liều, tìm một hướng đi khác. Phải đưa được quả trứng đi xa hơn, tới được tay người tiêu dùng ở Sài Gòn chứ không phải là ở mấy phiên chợ quê. Nhưng muốn làm được bắt buộc quả trứng phải được làm khác đi.
Không thể người tiêu dùng ăn quả trứng mà cứ nơm nớp nỗi lo về dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh… Nghe ai giới thiệu về công nghệ xử lý trứng, từ Trung Quốc, Úc đến Hà Lan… là tôi lại khăn gói đi tìm để đưa về.
Bà đã bắt đầu công việc truyền nghề đó chưa? Liệu bà có kỳ vọng những nông dân đó có được thành công như bà?
- Tôi đã bắt đầu công việc đó từ lâu nay rồi. Bất cứ khi nào có cơ hội, như tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn… thông qua các đoàn hội ở địa phương. Tôi gặp gỡ với những người nông dân, chia sẻ với họ về công việc sản xuất, kinh doanh…
Dù không kỳ vọng là những người nông dân được tôi tiếp xúc, chia sẻ đều trở thành thương nhân hay doanh nhân, nhưng chí ít tôi muốn họ có được thói quen quan sát thị trường, nắm được thông tin và biến động thị trường hay định hướng đầu ra trước khi bắt tay vào sản xuất. Sản xuất mặt hàng gì cũng có thông tin để biết được chừng mực cung cầu, tránh việc sản xuất ra không tiêu thụ được dẫn đến tổn thất như tình trạng dư thừa hàng loạt mặt hàng nông sản (chuối, dưa hấu, thịt heo) thời gian vừa qua.
Từ nông dân trở thành một doanh nhân, bà có nghĩ mình cũng cần đến sự may mắn?
- May mắn là một phần. Bạn mà không chịu thương chịu khó, không dấn thân… thì liệu may mắn có đến với bạn? Nói thực trước đây, khi gánh từng gánh trứng ra chợ bán tôi cũng không có kỳ vọng gì to tát, càng không có hoài bão làm cho lớn cho to.
Lúc đó thực sự là gánh nặng cơm áo, vì ở tuổi tôi lúc đó bạn bè vẫn cắp sách đến trường. Không qua trường lớp, nhưng may mắn với tôi là học được sự chịu thương, chịu khó từ người nông dân và thấu hiểu nỗi vất vả khổ cực của họ mà vươn lên.
Khi lớn hơn, to hơn tôi lại có có được sự tin yêu của người tiêu dùng. Nên nếu nói tôi may mắn thì may mắn đó là tôi có được sự tin yêu từ cả những người nông dân lẫn người tiêu dùng.
Bà mong những người nông dân mình đã tiếp xúc, chia sẻ có được thói quen quan sát thị trường, nắm được thông tin và biến động thị trường hay định hướng đầu ra trước khi bắt tay vào sản xuất, tránh việc sản xuất ra không tiêu thụ được dẫn đến tổn thất như tình trạng dư thừa thời gian qua.
Lòng tin yêu của người tiêu dùng không dễ có được thưa bà?
- Tất nhiên rồi! Mang trái trứng từ Long An ra Sài Gòn tôi xác định phải mất thời gian để lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Thời gian đầu cũng gian nan và vất vả vì muốn bán được sản phẩm của mình phải thay đổi được thói quen của người tiêu dùng.
Ngày ấy, nhiều người tiêu dùng nghĩ trứng đã có lớp vỏ bao bọc rồi thì chắc chăn phải sạch, phải an toàn cần gì phải xử lý, diệt khuẩn, kiểm dịch… này nọ nữa. Nhưng tôi nhận thấy, sau những trận dịch cúm gia cầm hoành hành, vấn đề an toàn thực phẩm được mọi người quan tâm, chú trọng hơn.
Xu hướng tiêu dùng càng ngày càng thay đổi, người tiêu dùng nhận thức được trứng chỉ là thành phần nguyên liệu chứ không phải thành phẩm vì bề mặt vỏ trứng bao nhiêu ngàn vạn lỗ thông hơi trên bề mặt dù mắt thường không thấy được nhưng đó là nơi thẩm thấu bao nhiêu vi khuẩn, vi trùng… là mầm bệnh. Nên việc đầu tư công nghệ, thiết bị xử lý, bảo vệ trứng của tôi lúc đó là quyết định hợp thời.
Có lẽ xuất thân là một nông dân, lại bán một sản phẩm rất thuần Việt nên tôi may mắn được người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ từ sự chất phát, thật thà của người nông dân. Càng ngày tôi càng nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía hơn, chẳng hạn như cơ quan quản lý, truyền thông…
Thời điểm đó bà có nghĩ mình quyết định liều lĩnh khi từ tổn thất vì dịch cúm lại gom góp đổ tiền vào làm trứng?
- Đúng là nhiều người nghĩ tôi liều lĩnh vì với số tiền đầu tư lúc đó người ta có thể kinh doanh ngành khác nhanh sinh lời hơn, sang trọng, sạch sẽ hơn. Nhưng như tôi vừa chia sẻ, một ngành nghề khác khó có thể giúp cho cộng đồng chăn nuôi được.
Đó là hàng trăm hàng ngàn hộ nông dân và cả những người tiêu dùng, nên tôi… liều một phen.
Bà vừa đề cập đến chuyện thị hiếu tiêu dùng thay đổi, vậy liệu sự thay đổi đó có ảnh hưởng đến thị phần sản phẩm của Ba Huân?
- Hai chục năm trước tôi liều lĩnh đầu tư làm trứng sạch, thời gian đã chứng minh quyết định của tôi là đúng đắn. Giờ đây tôi nghĩ nó vẫn đúng vì bạn thấy hiện nay dường như chúng ta đang cần cả một cuộc cách mạng về thực phẩm sạch, về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những gì diễn ra trong xã hội hiện nay cho thấy, có tiền mà không có sức khỏe thì đồng tiền cũng vô nghĩa nên ai cũng muốn được bảo vệ tính mạng qua đường ăn uống. Người ta chỉ muốn ngày càng ăn uống sạch sẽ hơn, an toàn hơn chứ chẳng ai muốn điều ngược lại.
Chẳng phải xu hướng thực phẩm hữu cơ đang ngày càng trở nên phổ biến đó sao? Nên những gì Ba Huân đã làm thì sẽ làm theo hướng tốt hơn thôi.
Cảm ơn bà rất nhiều.
Hoàng Anh/Phụ nữ Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã