Hôm nay (22/5), Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức bắt đầu và một trong những nội dung được thị trường tài chính kỳ vọng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD cũng như sau khi Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) ra đời, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3%.
Việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; Thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Do đó đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.
Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46% nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.
Nguồn: NHNN.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, trong giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 610 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác. Tính đến 31/3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các TCTD trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ thì đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Còn theo số liệu chúng tôi tổng hợp được từ BCTC của 13 ngân hàng đã công bố minh bạch về chất lượng cho vay tính đến hết quý I/2017 cho thấy có hơn 61,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đang tồn đọng tại 13 tổ chức này. Trong số này có 2 ngân hàng có quy mô nợ xấu trên 10 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đều có dấu hiệu tăng trong 3 tháng đầu năm như BIDV, VietinBank, VPbank, Techcombank, ACB, SHB, Eximbank.
Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra hôm 17/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kỳ vọng Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Mai Ngọc/http://cafef.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã