Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ khởi sắc trong vài tháng tới.
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi tôm nước lợ 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 636.800ha; trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là hơn 582.300ha, tôm thẻ chân trắng là 54.500ha. Sản lượng thu hoạch là hơn 195.700 tấn, trong đó sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng là hơn 110.000 tấn tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, giá tôm thẻ giảm từ 10.000-30.000 đồng/kg tùy theo cỡ tôm, tùy theo địa phương.
Theo ngành chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá tôm trong thời gian vừa qua là do sản lượng tôm thương phẩm của các nước đều tăng do được mùa, khiến nguồn cung tăng mạnh. Ngoài ra, nhu cầu tại Mỹ sụt giảm bởi tồn kho cao. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm. Các nhà nhập khẩu nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá, đặc biệt tại Ấn Độ, nên người dân có tâm lý bán tháo.
Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Đối với các ngành chuyên môn, cần tổng kết những mô hình mới, cùng với địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng. Đối với người nuôi tôm thâm canh thì không nên nôn nóng bán "tôm non". Nông dân nuôi ao đất thì cần điều chỉnh về quy trình nuôi, cho tôm ăn hợp lý. Đối với các doanh nghiệp nên xem đây là cơ hội rà soát lại quản trị để hạ giá thành đi đôi với chất lượng nhằm nuôi dưỡng thị trường lâu dài. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến phải chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm, coi người nuôi tôm là bạn hàng bền vững cho mình, từ đó có chính sách nuôi dưỡng vùng nguyên liệu bền vững, tránh xảy ra tình trạng người dân treo ao."