Học tập đạo đức HCM

Cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng Lâm Ðồng

Thứ hai - 01/10/2018 22:55
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang là “từ khóa” được nhiều người quan tâm. Và trên nền tảng hiện có của Lâm Ðồng, CMCN 4.0 được nhận diện với 3 “trụ cột” mà tỉnh đang triển khai đó là: Xây dựng Ðà Lạt trở thành thành phố thông minh, chính quyền điện tử và nông nghiệp thông minh.
Trồng rau thủy canh - một thành phần trong nông nghiệp 4.0 từ lâu đã được thực hiện tại Lâm Đồng. Ảnh: Diễm Thương
Trồng rau thủy canh - một thành phần trong nông nghiệp 4.0 từ lâu đã được thực hiện
tại Lâm Đồng.  Ảnh: Diễm Thương

Ðón đầu cách mạng công nghiệp số
 
Ông Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết: Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp, thậm chí làm thay đổi sinh hoạt  con người. CMCN 4.0 hình thành và phát triển thông qua quá trình tích hợp của hàng loạt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc tạo ra bước phát triển nhảy vọt của nhân loại, xóa bỏ dần các giới hạn truyền thống về khan hiếm nguồn lực, làm thay đổi không gian kinh tế - xã hội theo hướng hòa trộn giữa không gian vật lý và không gian số. 
 
Tư liệu sản xuất chính sẽ chuyển từ chủ yếu là vật chất sang phi vật chất, mà trong đó, hệ thống mô phỏng tích hợp các loại công nghệ, môi trường số, kết nối vạn vật và không gian mạng sẽ trở thành công cụ sản xuất chủ yếu. Dữ liệu, thông tin sẽ trở thành nguyên liệu có giá trị nhất, có sức mạnh nhất và có thể được sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian và thời gian. Lao động trí tuệ, lao động đa kỹ năng sẽ ngày càng trở thành lực lượng lao động chi phối. Trí tuệ nhân tạo, người máy sẽ thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực, làm cho năng lực và tiềm năng phát triển được mở rộng không giới hạn. Sớm nhận thức được việc thay đổi và bắt kịp xu thế, tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu xây dựng chính quyền điện tử, lập đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh và tiếp cận nông nghiệp thông minh. Với nền tảng sẵn có, 3 đề án lớn này đã được tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ hơn 3 năm qua và đạt được nhiều kết quả nhất định, sẵn sàng hòa nhập vào sân chơi lớn.
 
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Thật ra không phải là vấn đề quá mới, Lâm Đồng đã sớm bắt tay vào xây dựng một nền tảng vững chắc cho mình với nhiều đề án lớn tiếp cận công nghệ thông tin. Phải hiểu là, yếu tố nền tảng khi thực hiện cách mạng công nghiệp số gồm 4 vấn đề: Đột phá về thể chế; phát triển và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển nguồn nhân lực. 
 
Sớm nhận thức và xây dựng chiến lược từ các yếu tố then chốt đó, Chính quyền điện tử đã được tỉnh Lâm Đồng xây dựng từ hơn 3 năm qua. Ở đề án phê duyệt xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng phiên bản 1.0 mà tỉnh đang triển khai từ nay đến năm 2019, Lâm Đồng sẽ tiến hành nâng cấp, triển khai nhân rộng hệ thống một cửa liên thông và dịch vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng đến 50% các đơn vị UBND  cấp xã. Phát triển các dịch vụ công mức độ 3 và 4, đảm bảo cung cấp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 10% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Xây dựng hệ thống xử lý nghiệp vụ nội bộ phục vụ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công việc. Đồng thời, duy trì và nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ hiện tại của tỉnh, tăng dung lượng lưu trữ và nâng cấp hệ thống máy chủ, hệ thống bảo mật email, đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho 98% cán bộ, công chức nhà nước các cấp. Nâng cấp một số ứng dụng đáp ứng  kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng về ứng dụng Quản lý thanh tra, khiếu nại, tố cáo; Quản lý kế toán tài chính; Quản lý tài sản. Triển khai hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bao gồm máy tính, mạng LAN, mạng WAN, các giải pháp an toàn, an ninh thông tin, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho 70% UBND cấp xã.
 
Tạo động lực phát triển
 
Thực tế, vị trí của Việt Nam trong bản đồ CMCN 4.0 toàn cầu đã được các chuyên gia đánh giá, nhận định. Theo TS Vũ Trường Sơn - Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo phân tích rằng: Nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam phần lớn đang chưa hoàn thành trạng thái 2.0 người điều khiển máy đơn dùng và chưa có trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, ở một số hoạt động lại có những hệ máy tiến lên 3.0 nhưng không phải do chủ động về công nghệ mà do sự du nhập trong toàn cầu hóa và tính bắt buộc phải có dẫn dắt theo dây chuyền sản xuất của thế giới. Do vậy, nền sản xuất của chúng ta trở nên phân mảnh, đứt gãy và tạo sản phẩm đầu ra nhiều khiếm khuyết và hàng hóa không có sức cạnh tranh. Bên cạnh những cơ hội lớn đang mở ra thì khó khăn, thách thức cho Việt Nam đang ở mức nhiều hơn, phải làm sao để mọi lĩnh vực, ngành nghề trong nước đều xác định rõ trọng điểm đầu tư và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ, tức là có tri thức công nghệ, có khả năng làm chủ công nghệ, có thể thực hiện các hoạt động trong môi trường công nghệ cao là điều có thể làm với năng lực hiện tại.
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, trong xu thế chung thì cần tận dụng những cơ hội, nền tảng sẵn có và nguồn đầu tư để tận dụng CMCN 4.0 làm động lực phát triển.
 
Mà lợi thế kinh tế hiện hữu tại Lâm Đồng là nền nông nghiệp công nghệ cao đang dẫn đầu cả nước. Từ nông nghiệp công nghệ cao đến nông nghiệp thông minh là tương lai mà nền kinh tế Lâm Đồng đang hướng đến. Theo TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Nền nông nghiệp thông minh chính là cách tiếp cận thực tế nhất của địa phương với CMCN 4.0, với chủ trương xây dựng Lâm Đồng thành một trong những địa phương mạnh trong CMCN 4.0, vì nền tảng nền nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành một “bệ phóng” để tiến đến nông nghiệp thông minh. Nằm trong chiến lược nông nghiệp để hội nhập quốc tế, nông nghiệp Lâm Đồng đang đứng đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao và dẫn đầu nhóm địa phương thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. 
 
Thành phần nông nghiệp 4.0 gồm 7 yếu tố: Công nghệ quản trị, kinh doanh tài chính; robot nông nghiệp; thiết bị bay không người lái; tế bào quang điện; công nghệ nhà kính, thủy canh, khí canh; công nghệ đèn led và thiết bị cảm biến IoT. Trong 7 thành phần này, Lâm Đồng đã tiếp cận công nghệ nhà kính, rau thủy canh, khí canh, công nghệ đèn led và thiết bị cảm biến IoT; còn trong chiến lược phát triển nông nghiệp mà tỉnh đã đặt ra, các thành phần tiếp theo cũng đang được cố gắng tiếp cận. 
 
Ngoài ra, CMCN 4.0 trên nền tảng Lâm Đồng còn phải kể đến Đề án Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh mà tỉnh là 1 trong 3 địa phương trên cả nước được chọn thực hiện. Đề án vừa được thông qua tháng 7/2018, đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến năm 2025, thành phố Đà Lạt cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại của Việt Nam.
 
Với 3 “trụ cột” mà tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng để tạo nền tảng tiếp cận cuộc CMCN 4.0 đang mở ra cho địa phương nhiều cơ hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Với những định hướng, chiến lược và các hoạt động mà tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện, tiếp cận CMCN 4.0 đang hiện hữu đơn giản trong đời sống kinh tế - xã hội của mọi người dân, doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, một tương lai sáng đang mở ra cho Lâm Đồng trong quá trình tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ 4.

Tác giả bài viết: DIỄM THƯƠNG

Nguồn tin: baolamdong.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm171
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại868,804
  • Tổng lượt truy cập90,932,197
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây