Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Sáng (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề nghiên cứu con tôm, vì mục tiêu chung của ngành nông nghiệp hướng tới năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.
ĐBSCL được xem là vựa tôm lớn nhất cả nước với thế mạnh nuôi tôm nước lợ. Từ thực tiễn hơn 20 năm chuyển đổi cơ cấu SX, hiện nay nghề nuôi tôm đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Ông có nhận xét gì về những hình thức nuôi vừa qua?
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã phát triển thêm nuôi tôm thẻ ở mức độ bán thâm canh, thâm canh và bắt đầu nuôi siêu thâm canh. Có thể nói chúng ta đã đa dạng đối tượng nuôi trong vùng nước lợ hay nói cách khác đã phát triển song song cả 2 đối tượng tôm sú và tôm thẻ.
Với phương thức đầu tư nuôi tôm đa dạng từ quảng canh, quảng canh cải tiến tôm sú (chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng), bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh tôm thẻ và sú đã giúp cho Việt Nam duy trì được sản lượng, cho dù có một hình thức nuôi nào đó nuôi không đạt hoặc có thiệt hại xảy ra. Khi hình thức nuôi tăng lên theo hướng thâm canh hóa thì các khó khăn, thách thức cũng đi kèm như cần phải đảm bảo hạ tầng (thủy lợi, điện, đường,…) cho tốt, vốn và kỹ thuật cũng cần cao hơn, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao hơn...
Xin ông cho biết các quy trình nuôi tôm nào có khả năng thích ứng, phù hợp ở ĐBSCL trong thời gian qua? Kết quả chuyển giao của Viện có đáp ứng những đòi hỏi bức bách từ thực tiễn?
Trong thời gian qua Viện đã xây dựng được quy trình nuôi tôm sú thâm canh và tôm thẻ thâm canh, xây dựng mô hình tôm sú - lúa, quy trình chẩn đoán nhiều loại bệnh và chuyển giao cho các địa phương. Tuy nhiên, các hình thức nuôi khác cũng cần hoàn thiện và nhân rộng như nuôi tôm sú và thẻ bán thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến tôm sú. Đặc biệt, 2 bệnh xảy ra phổ biến hiện nay đối với tôm là đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính làm cho mức độ thành công của các quy trình này không còn cao như trước đây. Điều này đòi hỏi cần có tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng quy trình nuôi phòng tránh 2 bệnh này và nâng cao năng suất, ổn định và bền vững.
Được biết, Bộ NN-PTNT chuẩn bị phê duyệt một đề tài trọng điểm cho việc tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng quy trình nuôi tôm theo các hình thức từ quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh đến siêu thâm canh. Chương trình chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng và sạch bệnh của Viện cũng đã đến thế hệ thứ 3 trong năm 2017.
Vùng nuôi tôm ở Bạc Liêu
Cũng trong năm nay chúng tôi dự kiến phối hợp với doanh nghiệp để SX 5.000 cặp tôm sú đã qua chọn lọc và sạch bệnh cho SX thử nghiệm. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng con giống, xây dựng và phát triển quy trình nuôi tiên tiến phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh gia tăng thì Bộ NN-PTNT và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa để có một chương trình khoa KHCN dài lâu cho con tôm.
Những năm qua hoạt động nghiên cứu thủy sản trong nước đã chủ động đáp ứng được những yêu cầu gì từ vùng nuôi tôm? Đâu là những khó khăn lớn nhất của Viện trước những yêu cầu mới đặt ra?
Trong 10 năm qua, nguồn ngân sách nhà nước cho nghiên cứu thủy sản tuy tăng chậm nhưng đã tập trung vào những đề tài trọng điểm và các đối tượng chủ lực nên cũng đã mang lại một số kết quả được ứng dụng vào thực tiễn như quy trình nuôi tôm sú và thẻ thâm canh, mô hình tôm sú - lúa, phương pháp chẩn đoán một số bệnh gây hại cho tôm như đốm trắng, IHHNV, IMNV...; một số kết quả bước đầu có định hướng ứng dụng được như chế phẩm và hoạt chất sinh học trong xử lý nước, phòng và trị bệnh; tôm thẻ và sú gia hóa và chọn giống…
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho nghiên cứu mới hoặc tham gia nghiên cứu hoàn thiện cùng với các viện, trường để đẩy nhanh kết quả nghiên cứu ra quy mô lớn và ứng dụng vào SX; tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao. Gần đây, quy chế quản lý KHCN có thay đổi và một số quỹ KHCN ra đời cho phép chúng ta có thể trả thù lao hoặc một số chi phí cho chuyên gia, nhưng có lẽ đủ để thuê chuyên gia giỏi từ nước ngoài thì thật sự còn khó khăn.
"Diện tích nuôi tôm nước lợ các tỉnh ĐBSCL có thể mở rộng thêm. Tuy nhiên, các đầu tư về hạ tầng (thủy lợi, giao thông, điện) cần hoàn thiện và nhân rộng mô hình nuôi hiệu quả theo từng vùng sinh thái và điều kiện của nông hộ/trang trại khác nhau, đòi hỏi quyết tâm lớn của cơ quan quản lý, nghiên cứu từ trung ương, địa phương và nỗ lực của người SX, ông Nguyễn Văn Sáng.
Xin cảm ơn ông!
HỮU ĐỨC
Nguồn: Nông Nghiệp VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã