Học tập đạo đức HCM

Cân nhắc điều chỉnh chính sách tỷ giá để tránh nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc

Thứ ba - 17/07/2018 23:55
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ cùng với việc Trung Quốc hạ tỷ giá nhân dân tệ có thể khiến hàng Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam, gây ra nhiều áp lực cho thị trường nội địa và làm tăng tỷ trọng nhập siêu từ Trung Quốc.
Tổng thống Trump vừa tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên thêm 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Động thái này đẩy chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo lên một nấc thang mới.
 
Đối phó với việc tăng thuế nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ sức cạnh tranh của hàng hoá. Điều này sẽ khiến sức ép cạnh tranh với hàng Việt lớn hơn vì khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, giá hàng nhập khẩu vào nước họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, hàng Viêt Nam xuất sang Trung Quốc giá cao hơn nên khó cạnh tranh hơn. 

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất linh kiện xe ô tô tại nhà máy ở Hoài Bắc, thủ phủ tỉnh An Huy, Trung Quốc tháng 9/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Áp lực nhập siêu gia tăng
 
Hiện nay hàng loạt mặt hàng của Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt Nam khoảng 20 - 40%. Khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá hơn 5% so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam chỉ mất trên 1% nghĩa là hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt Nam 4% nhờ chênh lệch tỉ giá.
 
Như vậy, một đơn hàng nhập từ Trung Quốc trước đây có giá 100 triệu đồng sẽ giảm xuống còn 96 triệu đồng. Đó là lý do khiến dòng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam tiếp tục tăng lên, giá tăng sức ép cạnh tranh với hàng hoá của doanh nghiệp trong nước.
 
Nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc có thể trầm trọng hơn do hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. 
 
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề tỷ giá. Tỷ giá đồng nhân dân tệ 2 tuần qua đã giảm 4,2%, trong khi đó đồng Việt Nam chỉ giảm có 1,2% so với USD. Như vậy có nghĩa là hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt nên nhập khẩu có thể tăng mạnh khiến thâm hụt mậu dịch có thể tăng mạnh.
 
Các DN cũng chung mối lo ngại về sự gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, cho biết có một số nhà nhập khẩu Mỹ lo ngại tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã dịch chuyển đơn hàng, đổi nhà cung cấp từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng chưa nhiều.
 
"Điều lo ngại là hàng dệt may Trung Quốc không xuất được qua Mỹ vì thuế cao sẽ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Khi đó, thị trường may mặc trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn", ông Hùng nói.
 
Ở chiều ngược lại, ngay cả hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến tỷ giá. Trong ngành điều, các hợp đồng xuất khẩu sản phẩm hạt điều nhân sang Trung Quốc của Việt Nam thời gian gần đây đã bị phía các công ty nhập khẩu nước này ép giá giảm 3%. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: Trung Quốc đang chủ động phá giá đồng nhân dân tệ để tăng cường xuất khẩu hàng hóa với giá cả cạnh tranh hơn so với các nước khác. Như vậy hàng xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam cũng sẽ gặp khó vì thanh toán bằng đồng USD, khiến hàng Việt vào thị trường này có giá bán cao, khó được khách hàng Trung Quốc chấp nhận.
 
"Dù nhu cầu nhập khẩu hạt điều của khách hàng Trung Quốc vẫn ở mức cao và hạt điều Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh ở thị trường này nhưng biến động tỉ giá đẩy DN Việt Nam rơi vào thế bị động và chịu thiệt", ông Thanh nhận định.
 
Nên điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam so với USD
 
Theo chuyên gia tài chính - tiền tệ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên thường trực và độc lập Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần An Bình, để ứng phó với việc giảm giá đồng nhân dân tệ, nên cân nhắc giảm giá đồng Việt Nam so với đồng USD để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn và xuất khẩu sang Mỹ được giá hơn.

Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gâp áp lực nhập siêu cho Việt Nam. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Hiếu phân tích: Trong 3 tháng gần đây, đồng nhân dân tệ mất giá mạnh. Trước đó thì Trung Quốc giữ giá nhân dân tệ hoặc điều chỉnh tăng do Mỹ phàn nàn Trung Quốc lũng đoạn tiền tệ, dùng chính sách tỷ giá để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Sau hơn 1 năm cầm quyền, nhận thấy phía Trung Quốc không có tín hiệu tích cực, ông Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ với giá trị lượng hàng 50 tỷ USD. Trung Quốc tuyên bố trả đũa, đồng thời phá giá đồng nhân dân tệ suốt 3 tháng qua. Đồng nhân dân tệ đã mất giá 5% so với USD. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự mất giá của đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
 
"Đồng Việt Nam nửa đầu năm 2018 tương đối ổn định so với USD và chỉ mất giá khoảng hơn 1%. Nhưng nếu so với đồng nhân dân tệ thì đồng Việt Nam lại tăng giá. Trong bối cảnh đó, hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam sẽ rẻ đi do nhân dân tệ mất giá so với đồng Việt Nam, cụ thể hàng xuất khẩu rẻ đi 3 - 4%. Điều này khiến hàng Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, ngược lại hàng Việt Nam vào Trung Quốc sẽ đắt hơn", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
 
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu: Trung Quốc hiện xuất siêu vào Việt Nam rất lớn. Do đó, việc giảm giá đồng Việt Nam so với USD sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến tỷ giá đồng Việt Nam với nhân dân tệ. Như vậy, động thái điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam sẽ vừa giúp ngăn hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam, vừa giúp tăng giá hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ.
 
"Từ đầu năm, đồng Việt Nam mất giá khoảng 1,4% so với USD, từ nay đến cuối năm ta nên giảm giá 1,5% nữa, tức là cả năm 2018, đồng Việt Nam mất giá khoảng 3% so với USD", chuyên gia đề nghị.
 
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý,  khi giảm tỷ giá thì hàng nhập khẩu tính ra đồng Việt Nam sẽ tăng giá, có thể sẽ làm tăng lạm phát, tăng nợ công (nợ nước ngoài, nợ ngoại tệ)...
 
"Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã sử dụng tốt công cụ tỷ giá trung tâm. Dự trữ ngoại tệ ở mức 65 tỷ USD cũng không nhỏ. Song vẫn nên dùng biện pháp phá giá tiền đồng để hạn chế nhập siêu, nhất là từ Trung Quốc", chuyên gia Trí Hiếu nói.
 

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức
 
 

 Tags: trung quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập141
  • Hôm nay23,743
  • Tháng hiện tại929,845
  • Tổng lượt truy cập90,993,238
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây