Những năm gần đây, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, việc sản xuất nông nghiệp sạch đang được quan tâm và ngày càng phổ biến. Việc sử dụng thực phẩm hữu cơ thay thế cho các sản phẩm hóa học không chỉ giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, vốn đang bị ô nhiễm nặng nề, đồng thời tận dụng được phế liệu của quá trình chăn nuôi, trồng trọt, dẫn đến tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao hệu quả kinh tế.
Nông trại sinh thái Cát Ngọc đem lại hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng rừng trên cát, trồng cỏ - nuôi bò; nuôi giun quế - nuôi gà - kỳ nhông - thả cá… Đây là mô hình sinh thái mang tính khép kín có hệ thống chăn nuôi, trồng trọt theo chu trình sinh thái, nhưng ấn tượng nhất là mô hình nuôi giun quế.
Khi bắt đầu làm trang trại, anh Lễ luôn có suy nghĩ xây dựng một mô hình chăn nuôi khép kín với các phụ phẩm được tận dụng làm thức ăn để hạ giá thành sản phẩm. Năm 2008, tình cờ được biết con giun quế là hướng đi mới trong việc hình thành chuỗi thức ăn liên hoàn để phát triển kinh tế trang trại sinh thái, nên anh quyết định sang Trung Quốc học và mua gần 30 triệu tiền con giống mang về.
Chuồng trại nuôi giun quế phải bảo đảm được độ ẩm, bóng tối và độ yên tĩnh, tránh khói và mùi của hóa chất.
Khi nuôi giun quế, con giun làm thức ăn cho vật nuôi trong trang trại, như: gà, cá, ếch…, còn phân giun thì được dùng để bón cho rau. Mặt khác, thức ăn của giun chủ yếu là phân trâu, bò, lợn, gà… nên vừa tận dụng được nguồn phế liệu làm thức ăn cho giun, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái.
Được biết,giun quế không chỉ có tỷ lệ đạm khá cao (60%) mà còn hội đủ 12 loại axit amin, nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
Anh Lễ cho biết: "Khi mới đem nuôi thử nghiệm, tôi rất hồi hộp, đêm nào tôi cũng lọ mọ mang đèn pin ra kiểm tra. Từ chỗ ban đầu chỉ thấy toàn phân bò chỉ sau 1 tuần tôi đã thấy những con giun nhỏ như sợi chỉ và lớn lên từng ngày. Nuôi giun không khó lắm, cơ bản phải bảo đảm được ba yếu tố, đó là độ ẩm, bóng tối và độ yên tĩnh. Nếu được cả ba yếu tố đó thì giun liên tục ở trên mặt luống ăn thức ăn và sinh sản tăng năng suất cao hơn. Tuyệt đối tránh khói và mùi hóa chất, nhiều gia đình không biết cách thu hoạch thường cho gà vào bới tìm giun nên làm giun hoảng sợ, không thể phát triển được".
Hiện ở tỉnh ta, người dân vùng quê đa số chăn nuôi theo kiểu trang trại và gia trại rất nhiều, nếu không có cách xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người xung quanh. Nhưng nếu nuôi giun quế thì sẽ giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, tận dụng được phân của các vật nuôi trong gia đình. Khi giun ăn phân gia súc, gia cầm, sau 30 phút sẽ hết mùi hôi, ngoài ra, giun còn tiết ra dịch chống ruồi nên chuồng trại nuôi giun quế không hề có mùi hôi thối và không có ruồi, bọ.
Đặc biệt, các thức ăn chăn nuôi khi có chứa bột giun quế sẽ không có mùi tanh và khét của cá và dầu cá, hấp dẫn với vật nuôi, lại bảo quản được lâu hơn thức ăn có dùng bột cá. Khi dùng giun quế để chăn nuôi, chất lượng thịt các loại gia cầm thường ngon hơn so với sử dụng thức ăn công nghiệp và các loại vật nuôi có sức đề kháng cao hơn.
Bên cạnh đó, nếu nuôi gia cầm bằng giun quế thì sẽ giảm được chi phí đầu vào. Theo anh Lễ, một con gà cho ăn giun quế sẽ thu về cho gia đình 30.000 đồng/con nhưng với thức ăn công nghiệp thì chỉ còn 15.000 đồng/con. Để sử dụng giun cho chăn nuôi, có thể cho vật nuôi ăn sống, có thể nấu chín. Nếu sản lượng cao có thể sấy khô làm bột để dễ bảo quản và cho ăn dần. Phân giun quế và mùn bã sau nuôi giun là một loại phân bón rất tốt, nhiều đạm và chất vi lượng, cây trồng dễ hấp thụ, vì vậy, trang trại tận dụng để bón cho cây trồng (đặc biệt là rau sạch) trong trang trại và bán ra ngoài.
Mỗi năm, mô hình nuôi giun quế của anh xuất bán hàng chục tấn giun thịt, giun giống và phân giun,trong đó giá giun giống là15.000 đồng/kg, giun thịt 120.000 đồng/1kg, phân giun 8.000 đồng/1kg, thu lãi từ 180-200 triệu đồng cho gia đình anh, chưa kể thu nhập từ việc bán gà, vịt, cá, rau màu... trong trang trại. Hiện anh đang mở rộng thêm 500m2 chuồng trại để nuôi giun vì nhiều công ty phân bón, thức ăn chăn nuôi đang đặt hàng.
Mong muốn lớn nhất của anh hiện nay là nhân rộng mô hình cho bà con trong tỉnh. Bởi đây là mô hình có đầu tư rất thấp, có thể mở rộng dần, phù hợp với cả các hộ nghèo nông thôn, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, đầu ra của sản phẩm chính là vật nuôi trong gia đình nên không phải lo lắng, chưa kể các đại lý đang cần mua với số lượng lớn để làm phân bón, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Năm 2012, được sự hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học - Công nghệ, mô hình đã nhân rộng cho 20 hộ dân ở hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch, nhưng lúc này bà con vẫn chưa ý thức được hiệu quả của con giun quế nên thiếu mặn mà.
Hiện nay, nếu được phổ biến và nhân rộng, đây chính là mô hình canh tác sạch, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.
Thanh Hoa
Nguồn: Báo Quảng Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã