Bấp bênh khâu tiêu thụ
Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước việc tìm đầu ra tiêu thụ nông sản ổn định vẫn luôn là bài toán nan giải. Người nông dân vẫn luôn phải đối mặt với việc được mùa mất giá, được giá mất mùa, phụ thuộc vào thị trường... Bởi vậy, việc kết nối chặt chẽ để tiêu thụ nông sản giữa chính quyền, người nông dân và DN cả trong lẫn ngoài nước đang được nhiều nơi triển khai một cách ráo riết, tránh tình trạng “nước đến chân mới”... “giải cứu” như những năm trước.
Cần chủ động nhiều giải pháp để không phải “giải cứu” nông sản |
Mới đây tại Quảng Ngãi, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ các nông sản có thế mạnh ở địa phương. Trong đó, tập trung chủ yếu vào mặt hàng dưa hấu-một nông sản đang được trồng nhiều tại Quảng Ngãi cũng như nhiều địa phương ở khu vực duyên hải miền Trung và Nam Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hay Phú Yên...
Năm 2017, tổng sản lượng dưa hấu của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, xuất khẩu đạt hơn 95 triệu USD, chiếm khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây. Trong đó, thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 90% tổng sản lượng dưa hấu xuất khẩu của Việt Nam...
Trên thực tế, việc trồng, tiêu thụ dưa hấu tại Quảng Ngãi cũng như những địa phương lân cận chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán tại các hộ nông dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưa hấu được nhiều người dân ở Quảng Ngãi cũng như trong khu vực mở rộng quy mô, sản xuất tràn lan, khiến cung vượt cầu, dẫn đến chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường đã gây nhiều khó khăn, áp lực cho vấn đề tiêu thụ dưa hấu. Đặc biệt, dưa hấu hiện vẫn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu theo đường tiểu ngạch, dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là việc quá phụ thuộc vào thị trường.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân chính là do việc sản xuất, canh tác của bà con còn tự phát, chưa có thông tin đầy đủ về thị trường, chưa được hướng dẫn kỹ về quy trình chăm sóc, trồng trọt đảm bảo chất lượng nông sản. Ngoài ra, còn tình trạng “cò” mồi ép giá vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó là chưa gắn kết chặt chẽ với các kênh phân phối ổn định; chưa hình thành được chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ, nông dân với DN một cách bền vững.
Phải chủ động từ “sân nhà”
Để từng bước chủ động, ổn định thị trường đầu ra cho nông sản, trong đó có dưa hấu, các cơ quan chức năng trong nước đã tổ chức phổ biến thông tin, những quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm dưa hấu nhập khẩu.
Đặc biệt, kể từ ngày 1/4/2018, phía Trung Quốc đã yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ hoa quả của Việt Nam. Bởi vậy, việc đáp ứng các yêu cầu về quy trình sản xuất an toàn, phải được từng người dân, DN chú trọng. Cùng với đó, tránh việc mở rộng diện tích tràn lan, mất kiểm soát để rồi dẫn đến tình trạng cầu vượt cung như trước đây.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã đề nghị các địa phương chỉ đạo quản lý sản xuất nông sản trên địa bàn theo đúng quy hoạch, giảm thiểu tình trạng sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây nên hiện tượng dư cung một số nông sản như trong thời gian qua...
Để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ hoa quả từ Trung Quốc cũng như những thị trường khác, ngay từ nơi sản xuất cần phải có những biện pháp chủ động. Trong đó, xây dựng các vùng sản xuất tập trung phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo nông sản có chất lượng.
Đồng thời, phân loại, đóng gói bao bì phù hợp với yêu cầu của thị trường, tiến tới chuẩn hóa các hình thức mua bán theo thông lệ quốc tế, đảm bảo việc giao nhận hàng hóa được thuận lợi, nâng cao khả năng thông quan, tránh được tình trạng rủi ro trong xuất khẩu, đặc biệt là theo đường tiểu ngạch như dưa hấu.
Trong vấn đề này, các DN, HTX đóng vai trò quan trọng, tích cực vào cuộc từ khâu hỗ trợ bà con sản xuất, kiểm tra, giám sát, đến việc làm đầu mối để xuất khẩu sang các thị trường, cũng như hạn chế việc thương lái ép giá hàng nông sản của người nông dân...
Bên cạnh, việc chủ động từ “sân nhà”, cũng ở Quảng Ngãi, mới đây đại diện các HTX sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn, đã tổ chức ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản của địa phương với các DN xuất nhập khẩu trong nước và các DN Trung Quốc.
Theo đó, DN hai nước đã chủ động thống nhất, triển khai các biện pháp, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản. Trong đó, chú trọng các quy định về truy xuất nguồn gốc, các kiểm định, kiểm dịch của nước nhập khẩu, đáp ứng về các nhu cầu giao dịch hàng hóa theo cam kết.
Theo ông Tô Đức Mậu, Hội trưởng Thương hội xuất nhập khẩu hoa quả Bằng Tường (Trung Quốc), sau khi đi thực tế một số cánh đồng trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi, thương hội quyết định kết nối giao thương với nông dân trồng dưa hấu ở địa phương trong thời gian tới. Được biết, trung bình mỗi năm, lượng nông sản xuất nhập khẩu của thương hội này lên đến 2,3 triệu tấn. Đây là một trong những đầu mối lớn về xuất nhập khẩu nông sản ở Trung Quốc.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho bà con nông dân, Sở Công thương các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi đã ký kết hợp tác với ngành công thương các địa phương phía Bắc có cửa khẩu kết nối với Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh, nhằm hỗ trợ cho việc tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu một cách thuận lợi. Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn - một trong các cửa ngõ chính, quan trọng trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong đó có dưa hấu sang Trung Quốc, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực cửa khẩu, để đảm bảo tốt nhất các điều kiện giao thương trên địa bàn.
Bài và ảnh Nghi Lộc/ Thời báo ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã