Anh Nguyễn Văn Tân vào vịnh Xuân Đài thuê đìa rộng 4.000 m2, trong đó 3.000 m2 nuôi ốc hương còn 1.000 m2 dùng chứa nước. Sau 5 tháng nuôi anh thu hoạch bán 6 tấn ốc hương với giá 230.000 đồng/kg, doanh thu trên 1,3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí anh thu lãi trên 600 triệu đồng.
Anh Tân cho biết, thức ăn nuôi ốc hương là cá giã, cua, ghẹ… và chỉ khoảng 5 đến 6 tháng là cho thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Tùng, một người nuôi ốc hương ở Vũng Chào phấn khởi cho biết, từ 2 năm nay nghề nuôi ốc hương trong đìa ở đây trúng, người nuôi ít nhất thu 500 triệu đồng, chi phí xong lãi 200 triệu đồng.
Tuy nhiên anh cũng khuyến cáo, nuôi ốc hương chú trọng kỹ thuật nuôi, vì rủi ro lớn hơn tôm hùm. Đặc điểm ốc hương khi nhiễm bệnh chết sạch đìa, mình ốc thối rữa, còn tôm hùm chết lai rai vớt vát bán được. Vì vậy để ốc hương không bị nhiễm bệnh, khi nuôi trong đìa phải tạo oxy thường xuyên, lắp 2 nguồn quạt nổi tạo ôxy trên bề mặt và 2 nguồn lủi âm dưới đìa để sục khí.
Đặc biệt là thường xuyên cào vớt thức ăn thừa dưới đầm để không ô nhiễm nước. Trước đây nghề nuôi ốc hương ở vùng này phải qua 3 “khâu”: Đẻ, ương, nuôi thành ốc thịt. Giai đoạn ốc đẻ khoảng 2,5 tháng, giai đoạn ương từ 10 đến 15 ngày, sau đó ốc hương con mới được nuôi thành ốc thương phẩm. Thế nhưng gần đây đã có người chuyên nuôi cho ốc đẻ rồi ương, người nuôi ốc hương thành phẩm chỉ việc mua con giống.
Theo nhiều người nuôi trồng thủy sản ở TX Sông Cầu, cũng là người nuôi ốc hương nếu nuôi chắn đăng (dùng đăng chắn ngoài biển) thì tuột tay vì ốc chết, còn nuôi đìa thắng lớn. Nguyên nhân, ngoài đìa nuôi còn có đìa trữ nước, khi nước ô nhiễm thì đóng đìa nuôi không để nước giao thoa với bên ngoài, sau đó cho nước vào đìa chứa xử lý clor rồi mới cho qua đìa nuôi.