Góp phần hiện đại hóa NNNT
Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất bằng giảm lãi suất huy động, làm cơ sở để các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn (NNNT); xuất khẩu; DNNVV; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phổ biến ở mức 7-8%/năm - thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực khác khoảng 2-3%/năm. Đây là những nội dung công tác được NHNN và hệ thống TCTD quyết liệt thực hiện trong thời gian qua.
Người dân đến vay vốn tại Co-op Bank Vĩnh Phúc
Được biết, một trong những nội dung của chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII là đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư vào tam nông; các chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp cho nông dân, xuất khẩu gạo, hỗ trợ ngư dân…
Tại báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 và thứ 7, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, chính sách tín dụng cho vay NNNT theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực này tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng NH. Qua đó, góp phần quan trọng giúp lĩnh vực NNNT phát triển ổn định và đạt được những kết quả to lớn trong 4 năm qua, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong NNNT, nâng cao đời sống người nông dân.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng theo người đứng đầu ngành NH, Nghị định 41 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải bổ sung, sửa đổi. Hiện nay, NHNN đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT thay thế Nghị định 41 để tổng hợp trình Chính phủ dự kiến trong tháng 12/2014.
“Nội dung sửa đổi theo hướng bổ sung đối tượng áp dụng Nghị định 41 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của NHNN bao gồm cả các cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực NNNT nhưng cư trú trên địa bàn phường, thị trấn; tăng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với các đối tượng là hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ trang trại; bổ sung các nội dung mới trên cơ sở tổng kết chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết trong nông nghiệp…”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Nới chính sách để nông dân tiếp cận vốn
Để đẩy mạnh cho vay NNNT, thời gian qua NHNN đã hỗ trợ các TCTD có tỷ trọng cho vay NNNT lớn (từ 40% trở lên) thông qua tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Bên cạnh đó, NHNN cũng tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại vùng sâu, vùng xa, các địa bàn NNNT phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực NNNT.
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tín dụng ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh trong lĩnh vực NNNT; đơn giản hóa thủ tục vay vốn cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, an toàn vốn vay, đặc biệt là đối với lĩnh vực NNNT.
Cán bộ tín dụng tới thăm trại nuôi tôm của bà Nguyễn Thị Dịu ở Móng Cái được xây dựng nhờ nguồn vốn NH
Trong báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình gửi tới đại biểu Quốc hội cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ KH-CN triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo 3 mô hình liên kết: Mô hình liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp; Mô hình liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Đến nay, số vốn tín dụng các NHTM đã ký kết với các DN tham gia chương trình lên tới hơn 4.626,34 tỷ đồng, trong đó, tổng số tiền đã giải ngân trong 2 đợt đầu đạt hơn 692,97 tỷ đồng.
Theo số liệu phóng viên TBNH có được, với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, nguồn vốn tín dụng cho vay NNNT ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều tăng và chiếm tỷ trọng cao. Chẳng hạn, tại TP. Cần Thơ cho vay phát triển NNNT ước đến 30/9/2014 dư nợ đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 12,11% so cuối năm 2013. Con số dư nợ cho vay NNNT của tỉnh Bạc Liêu tăng 4,31% so với cuối năm 2013 và chiếm tỷ trọng 53,48%/ tổng dư nợ. Tỉnh lân cận là Cà Mau dư nợ cho vay NNNT chiếm tới 49,63% tổng dư nợ…
Ngoài ra, ngành NH đang tích cực triển khai các chính sách cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với chăn nuôi, thủy sản theo văn bản số 1149/QĐ-TTg ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản như: cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất, gia hạn nợ tối đa 24 tháng đối với các hộ gia đình, cá nhân, DN; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách cho vay đối với ngành lúa, gạo; cho vay tái canh cây cà phê...
“Dư nợ cho vay NNNT ước đến cuối tháng 9/2014 tăng 6,9% so với 31/12/2013. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực NNNT 9 tháng đầu năm 2014 đạt được như vậy đã phản ánh nỗ lực lớn của ngành NH trong việc đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên này”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định hiệu quả của công tác điều hành chính sách trong thời gian qua.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã