Anh Tuấn bên ruộng màu |
Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo tại chức tại Khoa Nông học, ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN), năm 2005 anh Tuấn trở về công tác tại địa phương. Với sự nhiệt tình và năng động, dám nghĩ dám là và trách nhiệm, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm HTXNN...
Gặp chúng tôi, anh Tuấn cho biết vừa ra thăm đồng, cây lúa đang thì con gái, cần phải theo dõi sâu bệnh hại để có biện pháp giúp bà con phòng ngừa. Đây là vụ thứ 6, xã viên áp dụng phương pháp gieo sạ nhằm tiết kiệm chi phí, ngày công lao động... Đó là thành quả sau nhiều ngày anh Tuấn cùng Ban quản trị HTX vất vả vận động bà con tham gia dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào SX.
Thời gian đầu khi mới thực hiện phương pháp gieo cấy mới gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự năng động, sáng tạo cùng lòng tận tụy với người nông dân, anh Tuấn quyết không nản chí. Bây giờ, một người có thể đảm trách gieo cấy từ 6 - 8 sào/ngày. Khi thu hoạch có máy gặt đập liên hợp giúp bà con giảm nhiều thời gian và chi phí. Anh Tuấn nói vui: "Giờ bảo xã viên xuống đồng cấy từng cây mạ, hay gánh từng gánh lúa mang về khéo họ biểu tình ngay ấy chứ".
Anh Tuấn còn vận động một số bà con cho thuê lại hơn 10 ha ruộng, trong đó khoảng 7 ha làm lúa, còn lại cải tạo để trồng màu. Đã có người bảo anh “khùng” vì trồng màu trên đất trũng. Nhưng với trình độ của mình và quá trình mày mò tìm hiểu, tham quan, học tập ở nhiều nơi, anh đã bước đầu gặt hái thành công. Vụ vừa qua, với khoảng 2 ha cà chua nhót, anh thu hoạch được gần 40 tấn, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Anh đang tiếp tục trồng thử nghiệm 2 mẫu ớt chỉ thiên và cải tạo để trồng vụ cà chua tiếp theo.
Thời gian tới, anh dự định sau khi thu hoạch ớt sẽ đưa cây dưa lê, cam đường vào trồng thử nghiệm...