Trong 15 cá nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM) có 2 người được vinh danh là anh Nguyễn Văn Quán và chị Nguyễn Thị Kim Liên.
Hạnh phúc là cống hiến
Năm 2007, tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành nuôi trồng thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, chị Nguyễn Thị Kim Liên về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP HCM. Dù chân ướt chân ráo đến với nghiên cứu nhưng cô sinh viên trẻ này đã đạt thành tích khiến đồng nghiệp phải nể phục.
Năm 2009, tên tuổi chị được giới nuôi cá tại TP biết đến khi xây dựng thành công quy trình sản xuất giống cá dĩa đạt hiệu quả kinh tế cao. Cá dĩa được mệnh danh là nhất đại mỹ ngư - loài cá đẹp nhất trong tất cả các loại cá cảnh nước ngọt, có giá trị xuất khẩu cao. Thời điểm ấy, TP HCM rộ lên phong trào nuôi loại cá này nhưng số đông người nuôi gặp khó khăn trong việc sản xuất con giống, nguồn thức ăn và phòng chống dịch bệnh. Trăn trở trước thực tế ấy, chị bắt tay nghiên cứu quy trình sản xuất con giống. Với sự tỉ mỉ vốn có, chị bỏ công theo dõi thói quen sinh hoạt của cá bố mẹ, từ đó có những điều chỉnh thích hợp về môi trường sống (độ pH, ôxy hòa tan, ánh sáng...) cho sự phát triển của cá. Chưa dừng lại đó, chị còn chịu khó tìm tòi, bổ sung các loại thức ăn khác nhau cho từng giai đoạn phát triển của cá. Chẳng hạn, với trùn chỉ, chị chủ động xử lý kỹ trước khi cho cá ăn nên hạn chế được mầm bệnh. Với cá sinh sản, chị sử dụng tim bò làm thức ăn và bổ sung thêm vitamin C, vitamin E, dầu cá biển... Với công trình nghiên cứunày, từ 2 giống cá dĩa ban đầu là bông xanh và bồ câu, trung tâm đã nhân giống thành công nhiều loại cá khác như dĩa đỏ, dĩa vàng, dĩa lam, dĩa trắng... với giá bán mỗi con cá bố mẹ là 500.000 đồng, cá con từ 10.000-40.000 đồng/con. Mỗi năm, trung tâm cung cấp hàng chục ngàn con giống cho các hộ nuôi ở TP và các tỉnh lân cận. Với chị, góp một phần công sức vào sự phát triển của đơn vị là hạnh phúc của người nghiên cứu.
Bận rộn với chuyên môn nhưng chị Liên vẫn dành trọn tâm huyết cho công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, chuyên viên, đặc biệt là hướng dẫn sinh viên thực tập. Sự tận tụy ấy của chị đã giúp đơn vị sở hữu một đội ngũ chuyên viên lành nghề. Với nỗ lực bền bỉ ấy, tháng 1-2014, chị được đề bạt làm Trưởng Phòng Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản.
Cùng ăn, cùng ở với nông dân
Là kỹ sư nông nghiệp nên dáng vẻ của anh Nguyễn Văn Quán, Trưởng Phòng Sản Xuất thực nghiệm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, không khác một nông dân. Cùng ăn, cùng ở với nông dân là phong cách làm việc của anh.
Sáu năm công tác tại trung tâm, anh Quán đã thực hiện 16-17 công trình nghiên cứu về các loại cây nông nghiệp đô thị, được bà con nông dân đánh giá cao. Trong đó, công trình anh tâm đắc nhất là mô hình “Sản xuất dưa lưới được trồng trong nhà màng” thực hiện cách đây 5 năm. Cùng với nhiều đồng nghiệp, anh lặn lội khắp nơi để sưu tầm giống và trồng thử nghiệm. Sau khi tìm được trên 100 giống dưa lưới, cùng với các cộng sự, anh phân tích ưu, khuyết điểm của từng loại để tìm ra cách trồng phù hợp. Thông thường, việc trồng dưa lưới theo kiểu truyền thống ở ngoài đồng là để cây tự bò, không coi trọng đến ánh sáng. Chưa kể cách tưới thiếu hợp lý khiến cây không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Từ bất cập ấy, song song với việc điều chỉnh tần số tưới để hạn chế thất thoát dưỡng chất, anh khéo léo bố trí luống trồng hợp lý để dưa có thể phát triển theo hướng thẳng đứng, giúp cho quá trình hấp thụ ánh sáng được đồng đều, góp phần làm tăng năng suất cây trồng. Với việc kiên trì ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, các giống dưa anh chọn đều cho sản lượng từ 3,5-4 tấn/1.000 m2, cao gần gấp đôi so với cách trồng truyền thống. Do trồng trong nhà màng, không phụ thuộc vào thời tiết nên nông dân có thể trồng đến 4 vụ/năm, thay vì chỉ trồng 1-2 vụ/năm như trước. Mô hình này đã được anh chuyển giao cho nhiều hộ dân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh.
Anh Phan Thanh Hoàng (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP HCM), nơi anh Quán chuyển giao mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và hỗ trợ kỹ thuật, cho biết: “Tôi mới bắt đầu trồng dưa lưới nên không có nhiều kinh nghiệm, nhờ có anh Quán tận tình tư vấn kỹ thuật mà vụ vừa rồi tôi lãi được 50-60 triệu đồng”.
“Sự nhẫn nại, tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học không chỉ giúp anh Quán và chị Liên trụ vững trước khó khăn mà còn vươn đến đỉnh cao nghề nghiệp. Họ chính là tương lai của trung tâm” - ông Lê Văn Cửa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, nhận xét.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã