Ông Nguyễn Đình Lâm ở thôn 3/2B, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, Hoà Bình- tỷ phú đa canh:
Trang trại của tôi hiện có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động của địa phương với mức lương trên dưới 4,5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2010, tôi có thêm vốn đầu tư vào chăn nuôi gần 10 bò đẻ, 200 lợn siêu thương phẩm, và nuôi cá, thu trên 16 tấn mỗi năm…., tổng thu lãi các khoản khoảng trên 1 tỷ đồng.
Theo tôi, muốn làm kinh tế giỏi, thu nhập cao được trước nhất phải là một người có gan, dám nghĩ dám làm, thêm nữa là phải biết tận dụng thời cơ và có kiến thức thì mới thành công được. Và trong chăn nuôi, trồng trọt, phải biết dựa vào địa thế để triển khai kế hoạch làm. Nuôi, trồng đa canh có ưu điểm giống như một gia đình đông con, người nọ bù cho người kia, người mạnh giúp đỡ người yếu, thì không bao giờ sợ thua lỗ.
Ông Lâm cho biết, hiện ông còn đang giữ chức Chủ nhiệm câu lạc bộ chăn nuôi thôn 3/2B với 45 thành viên là các chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt tại thôn. “Nhờ có câu lạc bộ, cho các thanh viên thường xuyên hội, họp giao lưu chia sẻ kinh nghiệm mà đến nay, phần lớn các chủ trang trại này đều tự tin làm ăn lớn, có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều hộ còn thu tiền tỷ” – ông Lâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Tâm (SN 1960, ngụ khu phố Tân Trà 1, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước)- tỷ phú sầu riêng:
Hiện tôi đang trồng 11ha sầu riêng, cùng nhiều cây ăn quả khác, mỗi năm thu 3-6 tỷ đồng. Năm 2001, ở vụ thu hoạch đầu tiên, vườn sầu riêng của tôi đạt năng suất khá cao, mỗi trái đạt từ 7-8kg. Từ tiền lời của vụ đó, vợ chồng tôi mua thêm 8ha đất điều liền kề và chuyển hết sang trồng sầu riêng và trở thành một trong những mô hình trồng cây ăn trái thành công đầu tiên của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Tâm (trái). Ảnh: Tân Tiến
Gia đình tôi đang quản lý 13ha quýt, 5ha bưởi, cam; 4ha chôm chôm và 15ha cao su, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ước tính sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 700 triệu đồng/năm.
Cái khó của tôi là do thiếu vốn nên đến nay chưa thể áp dụng công nghệ cao vào trang trại cây ăn quả mà chỉ dùng kỹ thuật tưới nhỏ giọt. “Nếu vụ quýt tới đây cho thu hoạch, chỉ cần giá 15 triệu đồng/tấn, gia đình tôi cũng lời gần 3 tỷ đồng, lúc đó phải áp dụng công nghệ vào sản xuất để có sức cạnh tranh. Bởi lẽ trái cây là mặt hàng cạnh tranh rất khốc liệt, sản xuất ra rất khó tìm nơi tiêu thụ. Để trụ được trong lĩnh vực này, người nông dân cần tự làm sạch sản phẩm của mình, nếu không sẽ tự diệt”, ông Tâm trăn trở.
Bà Trần Thị Nhường, thôn Khả Đông, xã Duyên Hải (Hưng Hà, Thái Bình), thu nhập 3,3 tỷ đồng/năm từ nuôi lợn siêu nạc:
Đầu năm 2014, tôi dồn tiền tích cóp bấy lâu nay, thế chấp nhà cửa vay ngân hàng và bạn bè tổng cộng được 4,2 tỷ đồng để cơ cấu lại trang trại có quy mô lớn và hiện đại chuyên nuôi lợn siêu nạc, thả cá rô phi đơn tính.
Hiện tôi đang nuôi 150 con lợn nái cao sản, hơn 1.000 con lợn thịt, mỗi năm xuất hàng nghìn lợn giống và hàng chục tấn lợn hơi ra thị trường. Với giá bán lợn hơi từ 48.000 – 50.000 đồng/kg, lợn giống 24 ngày tuổi 1,5 triệu đồng/con. Trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi lãi gần 1 tỷ đồng.
Để có được kết quả này, với kinh nghiệm gần 10 năm gắn bó với con lợn, tôi cho rằng, khâu con giống, đảm bảo vệ sinh thú y, chuồng trại là quan trọng nhất. “Phải cho ăn sạch đúng quy trình, chẳng hạn bình quân mỗi lợn nái từ lúc phối giống đến trước lúc đẻ ăn hết 2,5kg cám/ngày, lúc gần đẻ tăng lên 3kg/ngày và lúc đẻ là 5kg/ngày thì nái mới đủ sức khỏe, sữa lợn con. Sau khi bán một lứa lợn thịt, bà Nhường thường khử trùng 3 – 5 ngày mới đưa lợn vào nuôi tiếp. Hiện trang trại bà đang tạo việc làm cho 8 lao động, với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài chăn nuôi lợn, bà Nhường còn thả cá rô phi đơn trong ao để ăn thức ăn thừa, vương vãi từ đàn lợn. Mỗi năm bà xuất ao hai lứa cá cho thu lãi hơn 40 triệu đồng/lứa. Cùng đàn vịt gà thả trong vườn cũng thu về chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang- tỷ phú lúa giống: Vua lúa giống
Ban đầu, gia đình tôi cũng làm lúa thường như nhiều nông dân trong vùng. Từ năm 2005, hưởng ứng chương trình xã hội hóa công tác nhân giống lúa của tỉnh, tôi mạnh dạn chuyển qua sản xuất lúa giống. Thấy có hiệu quả, tôi phát triển thêm khoảng 50ha nữa bằng hình thức hợp đồng với các nhà nông giỏi sản xuất lúa giống trong địa bàn.
Sau nhiều năm nhân giống lúa cung cấp cho nông dân tỉnh, rồi mở rộng ra cả vùng ĐBSCL, tôi đã đăng ký thương hiệu giống lúa của mình nhân được; Đồng thời lập ra Công ty TNHH Nghiên cứu, sản xuất lúa giống Hùng Hạnh như là một trang trại nhân lúa giống. Hiện nay tôi đã có dây chuyền khép kín trong sản xuất lúa giống của mình như: Máy cày, máy gặt đập, máy tách hạt, hệ thống kho chứa, lò sấy, mạng lưới phân phối…
Đến nay, ông đã có mạng lưới vệ tinh trên 10 điểm tiêu thụ lúa giống trong và ngoài tỉnh; hàng năm tiêu thụ từ 700 - 800 tấn lúa giống các loại, tổng doanh thu 4,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Trang trại của tôi hiện nay đang có 8 gia đình nông dân với khoảng 35 nhân công gắn bó làm việc thường xuyên trên trang trại đều có cuộc sống ổn định, với mức lương bình quân từ 1,8 – 4 triệu đồng/người.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã